Cho con ăn những món này…
– Trước tiên, phải cho trẻ ăn đủ 3 bữa chính, 2 bữa phụ mỗi ngày. Bữa chính phải đủ các nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất, chất xơ để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thiết yếu cho cơ thể. Tỷ lệ các chất nên là: Chất đạm chiếm khoảng 10-15% tổng năng lượng, tinh bột chiếm 60-65% và chất béo 10%. Hai bữa phụ nên bao gồm mỗi bữa 1 ly sữa, kèm theo là một ít bánh, các loại củ quả, trái cây. Nên thay đổi thực đơn phong phú, đa dạng để kích thích trẻ ăn.
– Chú ý bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Vì vậy, nếu muốn con phát triển chiều cao, bạn không bao giờ được để con đến lớp với cái bụng rỗng hoặc chỉ qua loa nửa ổ bánh mì, một gói xôi tí tẹo. Không được cho tiền quà sáng vì trẻ có thể nhịn ăn để dành tiền mua bánh kẹo, đồ chơi. Bạn nên dậy sớm, chuẩn bị cho trẻ một bữa sáng tại nhà bao gồm: 1 ly sữa, một tô cháo thịt hoặc bánh canh, hủ tiếu, một dĩa cơm sườn… Trẻ càng được chăm chút bữa sáng thì càng dễ phát triển chiều cao.
– Canxi là thành phần quan trọng đặc biệt để trẻ phát triển chiều cao. Chính vì vậy, bạn phải duy trì lượng sữa cho trẻ uống mỗi ngày tối thiểu từ 500-600ml (tương đương 2 ly vừa). Ngay cả trong trường hợp con bị béo phì cũng không được bỏ sữa mà chỉ nên chọn loại sữa gạn béo, ít béo để vẫn đảm bảo đủ lượng canxi cho cơ thể. Ngoài sữa, nên cho trẻ ăn thêm sữa chua (yaourt), ăn tôm cua sò ốc… vì những thực phẩm này đều rất giàu canxi.
– Để canxi được hấp thu tốt hơn, trẻ cần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để tổng hợp vitamin D. Vì vậy, mỗi ngày, bạn nên tập cho con thói quen thức dậy vào khoảng 6-7 giờ sáng, tập thể dục ngoài trời, tắm nắng khoảng 20-30 phút.
– Vitamin A cũng giúp cho sự tăng trưởng của xương, giúp tăng cường miễn dịch giúp trẻ tăng trưởng tốt. Vitamin A có nhiều trong các loại quả màu đỏ và cam như cà rốt, gấc, cà chua và các loại rau có lá màu xanh thẫm như rau cải, xà lách… Bạn nên bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ mỗi ngày.
– Cho trẻ ăn nhiều thức ăn giàu chất sắt và chất kẽm vì thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, gây chậm tăng trưởng chiều cao, còn thiếu kẽm sẽ khiến cho hoạt động chuyển hóa của cơ thể bị trì trệ. Thức ăn có chứa sắt bao gồm: thịt, cá, đậu, rau dền, gan, huyết… Thức ăn có chứa nhiều kẽm có thể kể đến nghêu, sò, hàu, thịt heo nạc, lòng đỏ trứng… Nếu cho trẻ uống sữa bột, bạn cũng có thể yên tâm phần nào vì trong hầu hết các loại sữa bột của các nhãn hiệu uy tín hiện nay đều bổ sung thêm chất sắt, chất kẽm.
– Nên sử dụng muối I-ốt để nêm nếm thức ăn cho trẻ hàng ngày. Nếu thiếu I-ốt, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, không tăng trưởng được, ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao của trẻ. Ngoài muối I-ốt, có thể cho trẻ ăn trứng gà, cá biển, rau câu, tảo… đều là những thức ăn giàu I-ốt.
HỎI: Vợ chồng tôi đều khá thấp nên chúng tôi rất lo lắng về chiều cao của con mình. Không biết có cách nào giúp cháu cải thiện chiều cao hay không?
Nguyễn Mai Phương
(Quận Gò Vấp)
ĐÁP: Sự phát triển chiều cao không chỉ phụ thuộc vào yếu tố di truyền mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như: tình trạng dinh dưỡng trong khoảng thời gian sơ sinh đến 2 tuổi, mức độ tập luyện, vận động, giấc ngủ, chế độ ăn uống hàng ngày… Do vậy, thay vì quá lo lắng cháu ảnh hưởng yếu tố di truyền (không cao lắm) của cha mẹ thì bạn nên chú trọng cho con ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều sữa để bổ sung canxi, tập luyện các môn thể thao phù hợp như bơi, bóng rổ… và đảm bảo cháu ngủ đủ tối thiểu 8-9 tiếng một ngày (thời gian ngủ tốt nhất là từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng). Các yếu tố này sẽ giúp cháu cải thiện chiều cao đáng kể.
Thực đơn căn bản giúp trẻ phát triển chiều cao
Thực phẩm |
6-9 tuổi |
10 -12 tuổi |
Gạo |
220-250g |
300-350g |
Thịt |
50g |
70g |
Cá (tôm) |
100g |
150g |
Đậu phụ |
100g |
150g |
Trứng (gà, vịt) |
½ quả |
1 quả |
Dầu ăn |
20g |
25g |
Sữa |
500-600ml |
500-600 ml |
Đường |
10-15g |
15-20g |
Rau xanh |
250-300g |
300-500g |
Trái cây chín |
150-200g |
200-300g |
Con phát triển chiều cao tốt chưa?
Bạn có thể tự tính toán theo những công thức dưới đây để xác định sự phát triển chiều cao của con đang ở mức rất tốt hay chỉ mới trung bình, thậm chí là chưa tốt.
– Bé khỏe mạnh sinh ra đời thường có chiều dài hơn 50cm. Đây là khởi đầu lý tưởng để phát triển chiều cao sau này. Nếu con không đạt đến mức nói trên lúc mới chào đời, bạn cần chú ý bù đắp cho con.
– Tròn 1 năm tuổi, bé có chiều cao khoảng 75-76cm là lý tưởng. Tròn 2 năm tuổi, nếu con bạn cao khoảng 85cm thì bạn nên mừng. Vì như thế nghĩa là nếu tiếp tục bồi bổ, tập luyện đầy đủ, trẻ sẽ có được chiều cao khoảng 170cm (gấp đôi chiều cao lúc 2 tuổi) khi đã trưởng thành.
– Nếu khi 2 tuổi, con vẫn chưa đạt được mức như trên thì bạn nên nỗ lực hơn trong việc giúp trẻ phát triển chiều cao. Trẻ chỉ còn 2 cơ hội để cải thiện tầm vóc rõ rệt nữa là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (tức bé gái khoảng 10-16 tuổi, bé trai 12-18 tuổi). Suốt giai đoạn này, trẻ cần tăng 8-10cm/năm.
– Hãy thử làm phép toán này để xác định xem chiều cao con bạn đã ở mức tốt chưa (công thức dành cho trẻ từ 2-12 tuổi): Chiều cao lý tưởng (cm) = tuổi (tính bằng năm) x 6 + 77.