Trai Sài thành về ăn Tết miền Tây
Dù đã được vợ bỏ nhỏ trước từ lâu nhưng Phong – trai Sài thành chính hiệu vẫn không khỏi “hết hồn” khi về quê vợ ăn Tết năm vừa rồi. Trước đây, anh chưa từng hình dung được thế nào là “cầu tõm”(những “toilet” tạm bợ dựng bằng cây, có các tấm mành hoặc các bao bì làm lá chắn bốn bề trên các ao cá), nhà tắm “ngàn sao” chẳng có lấy một cái cửa cho ra hồn, vừa tắm vừa run vì gió luồn lạnh tới mỏ ác, vừa sợ bị nhìn trộm. Nhưng điều mà Phong “oải” nhất vẫn là chuyện ăn uống. Nước để uống và nấu ăn lấy thẳng từ sông, cho vào các lu lớn lắng phèn là xong. Hoặc có nhà còn dùng nước mưa trữ từ mùa mưa giữa năm. Phong không quen với mùi tanh tanh và vị lờ lợ của loại nước này. Vậy là vợ anh phải pha trà thật đậm để khử hết mùi, Phong mới đủ can đảm uống.
Phong tục dưới quê, đêm 30 nhà nào cũng nấu nồi bánh tét to đùng để dành ăn mấy ngày Tết và chia cho họ hàng, bà con ruột thịt. Phong hào hứng xung phong ngồi canh nồi bánh với mấy anh em vợ. Ngồi không cũng buồn, thế là mấy anh em bày rượu thịt, lôi guitar thùng ra làm vài bản vọng cổ. Phong không biết hát nên bị ép uống thay cho việc hát. Đêm trừ tịch ở vùng quê âm âm u u, nhưng vẫn vang lên đâu đó những lời ca tiếng hát bên ánh lửa bập bùng, thi thoảng có tiếng chó tru ma. Má vợ bày mâm bánh mứt cúng giao thừa rồi mà nồi bánh tét vẫn chưa chín. Mấy anh em lai rai mãi đến sáng, khi bánh được vớt ra treo trên giàn bếp thì anh nào anh nấy “đuối như trái chuối”. Riêng Phong vừa lừ đừ say vì không quen uống rượu đế, vừa buồn ngủ, vừa bị muỗi chích sưng cả hai chân, anh vô cùng thấm thía!
“Mùng Một tết cha”, vợ chồng Phong phải đến nhà họ hàng thắp hương ông bà và chúc Tết. Sang mùng Hai, mùng Ba và các ngày sau đều có tiệc bên nhà bà con. Điều làm anh chàng “sốc” nhất là khi mới dợm nhìn lên bàn tiệc. Thấy bàn nào cũng xếp các lon bia ngay ngắn, lịch sự, anh nhủ thầm: “Nhà quê cũng chơi bia lon, sang thật!”. Nhưng khi ngồi vào bàn anh mới tá hỏa. Hóa ra đó chỉ là những vỏ lon được mài nắp, dùng làm ly để uống rượu đế. Mà mỗi lần “dzô” là trăm phần trăm! Dưới chân bàn, một can 10 lít rượu gạo cay nồng đang chờ sẵn. Khỏi nói cũng biết là sau cái Tết đó, Phong đừ như thế nào!
Làm dâu người miền Trung
Chồng Vân là người có gốc gác miền Trung nhưng sinh trưởng ở Sài Gòn. Vì vậy, vừa cưới xong là anh hăm hở đưa vợ vế ăn Tết quê mình ngay trong năm đó. Dù đang mang bầu, ốm nghén nhưng nể chồng và gia đình chồng cứ tha thiết bảo về chơi, Vân cũng cuốn gói lên đường.
Đó là cái Tết năm 2008. Cứ ngỡ miền Trung nắng gió thì sẽ nóng kinh người, nên trong hành lý Vân chỉ có những bộ đầm bầu vải voan thoáng mát và vài bộ đồ lửng. Không ngờ Tết năm ấy miền Trung lạnh “xanh xương”, vừa mới ra tới nơi là Vân đã quíu người vì gió lạnh. Nhà bên chồng ngửa mặt ra trước là núi, sau lưng là biển mênh mông. Là dân miền biển nên dĩ nhiên thức ăn chủ yếu là cá biển. Tết cũng có thêm nồi thịt hầm măng, thịt kho trứng nhưng vì cách nêm nếm hoàn toàn khác ở miền Nam nên thực đơn của cô dâu mới ngày qua ngày chỉ là mì gói và bánh tét. Cũng may, bà mợ chồng hiểu ý nên cứ có đòn bánh nào ngon là để dành cho cháu dâu. Vân đang ốm nghén nên chỉ cần nghe mùi cá là nôn thốc nôn tháo. Chồng thương quá, đưa đi ăn tiệm. Khổ nỗi, các loại bún ở miền Trung đều có “khuyến mãi” những miếng chả cá to đùng, kể cả bún bò cũng cho chả cá vào. Vân giơ tay đầu hàng sớm!
Còn một chuyện nữa khiến Vân hơi buồn. Theo kế hoạch, hai vợ chồng cô sẽ cùng các anh em họ bên chồng sang nhà những người họ hàng chúc Tết ngày đầu năm. Thế nhưng ông cậu chồng can ngăn” nhà người ta nuôi tôm, nuôi cá, con bầu bì đầu năm đầu tháng không nên đến, ở đây người ta rất kỵ bà bầu đi chúc Tết”. Cuối cùng, sau khi vác bụng bầu leo lên chân núi thắp hương quanh các mộ ông bà tổ tiên bên chồng (đây cũng là một tập tục rất khác miền Nam), Vân đành về nằm nhà xem tivi khi chồng và mấy anh em họ tung tăng đi chúc Tết. Vân nhủ, biết thế ăn Tết ở nhà quách cho sướng! Ở quê sao mà lắm điều kiêng kỵ ngộ nghĩnh thế không biết!
Quà Tết, lì xì- chuyện muôn đời của Tết
Nhắc lại kỉ niệm cười ra nước mắt này của mình, anh Hiếu cho biết, đó là cái Tết ở quê vợ làm anh nhớ đời nhất.
Hiếu là người có tính chu đáo nên trước khi quyết định về quê vợ ăn Tết, anh đã bàn với vợ mua quà cho gia đình vợ đàng hoàng. Mặc dù vợ có ý không hài lòng về món quà khá hiện đại: bình thủy điện, nhưng anh vẫn cứ nhất định mua cho bố mẹ vợ. Vợ anh cố tình gợi ý rằng ông bà người nhà quê, quà này sang và hiện đại quá, sợ không hợp. Anh bảo” Em cứ lo xa. Ba má không biết cách sử dụng thì mình hướng dẫn cho ba má biết. Cái này là tiện lợi nhất rồi!” Ba má vợ cứ trầm trồ xuýt xoa khi nhận được quà của anh. Nhưng suốt những ngày Tết đó, anh chẳng thấy hai người lấy ra xài, dù anh đã hướng dẫn cách sử dụng tỉ mỉ. Cuối cùng, sau những đêm ngủ trong ngôi nhà tắt đèn tối thui, anh mới nghiệm ra: ông bà sợ tốn điện nên không dám xài bình thủy điện anh tặng!
Đến chuyện lì xì cho xấp nhỏ mới đúng là “bi kịch”. Anh đâu biết lớp em cháu ở quê vợ lại đông đến thế, khi anh mới hê lên một tiếng thì đã thấy bọn trẻ lấp xấp chạy ra xếp hàng. Anh toát mồ hôi khi đếm nhẩm đến vài chục gương mặt trẻ con. Dĩ nhiên mang tiếng là dân thành phố thì phong bao lì xì cũng phải ra vẻ “thành phố”. Một bao lì xì anh nhét hai chục ngàn. Chỉ một ngày đầu năm, anh đi đứt gần cả triệu tiền lì xì, hơn cả tiền vé xe về quê!
Làm sao để Tết vui trọn vẹn?
Thật ra những khác biệt về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, vật chất, tập tục, nghi thức và cả cách ăn uống của mỗi vùng miền cũng không phải là rào cản quá lớn nếu chúng ta biết cách khắc phục. Đừng vì những khác biệt này mà chúng ta làm lỡ mất một dịp Tết quê chồng/vợ vui vẻ, hòa thuận. Có một điều rất đặc biệt là người dân ở quê, dù miền Tây, miền Trung hay vùng cao nguyên cũng đều có tinh thần hiếu khách rất cao. Họ rất quý mến những nàng dâu, chàng rể từ thành phố lặn lội về quê ăn Tết cùng gia đình họ. Vì vậy, nên lấy tình cảm để đến với nhau hơn là cứ nhìn vào những khác biệt trên mà ngại ngùng, e dè hoặc ngán ngẩm mỗi khi có dịp cùng bạn đời về ăn Tết quê người. Hơn nữa, những khác biệt đó đều có thể khắc phục, nếu chúng ta khéo léo nhờ người bạn đời hoặc chính những người thân của người ấy ở quê giúp đỡ.
Dù bạn gặp bất cứ khó khăn gì cũng không được chê bai, dè bỉu. Đó chính là sự xúc phạm lớn lao đối với chính người bạn đời của mình!
Ngoài ra, cũng nên tìm hiểu kỹ thời tiết, khí hậu của vùng miền mà mình sẽ đến để có sự chuẩn bị quần áo phù hợp. Luôn mang theo những loại thuốc cảm ho thông thường, thuốc đau bụng và dầu gió phòng trường hợp cấp bách. Về quà tặng, nên tìm hiểu kỹ tính cách của người mình sẽ tặng quà, thói quen sinh hoạt để có thể lựa chọn quà tặng phù hợp và ý nghĩa. Luôn có thái độ hòa nhã, ôn tồn và thân thiện. Nếu là dâu trưởng/rể cả trong gia đình, việc không ngại khó trong quan hệ giao tiếp và làm các việc vặt như chuẩn bị bàn tiệc, dọn dẹp, rửa chén…giúp gia đình chồng/vợ trong những ngày Tết quê là bạn đã được “điểm 10” trong mắt bà con, họ hàng người ấy rồi!