Mẹo chế biến thức ăn dặm
Thức ăn dặm nên xay nhuyễn khi bé chưa tròn một tuổi. (Ảnh minh họa)
Để giúp con tránh bị hóc thức ăn, việc đầu tiên mẹ cần phải làm là chế biến cho đúng cách. Nếu không có thời gian, mẹ có thể chọn thức ăn chế biến sẵn dành cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên, việc tự nấu đồ ăn dặm vẫn được khuyến khích vì chúng đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Khi chế biến thức ăn dặm, mẹ nên xay, tán nhuyễn đến khi bé tròn 1 tuổi. Không nên cho các bé trong độ tuổi ăn dặm ăn nguyên hạt các loại hạt, ăn cả quả nho, bỏng ngô, các loại kẹo, xúc xích… vì chúng đều khiến bé dễ bị hóc. Nếu cho bé ăn phô mai hay thịt, mẹ nên cắt theo chiều dọc rồi cho con cầm nhai thử. Đối với các bé trên một tuổi, mẹ có thể cắt nhỏ thức ăn ra và chú ý cho bé thời gian nhai kỹ, chờ bé nuốt hết thức ăn trong miệng mới đút thêm.
Thức ăn phù hợp theo từng độ tuổi
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “từ loãng đến đặc – từ ít đến nhiều – từ mịn đến thô”. Cho bé ăn loại thức ăn phù hợp với độ tuổi, tránh việc vội vàng “đốt cháy giai đoạn” hoặc thay đổi đột ngột dạng thức ăn khiến bé chưa quen dẫn đến sặc, nghẹn, hóc.
Thông thường, mẹ nên cho bé ăn cháo xay nhuyễn rây qua lưới khi bé chưa tròn 9 tháng tuổi. Vào giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn cháo xay nhuyễn nhưng không rây qua lưới để thức ăn có xác nhiều hơn. Từ 1 tuổi trở lên, mẹ tập cho bé ăn cháo hạt vỡ hoặc hạt nguyên và thức ăn băm nhỏ. Còn thức ăn thô, bé chỉ nên ăn khi được trên 2 tuổi, thời điểm mà bé đã đủ cả răng hàm.
Cho bé ăn đúng tư thế
Các bé trong độ tuổi ăn dặm hầu hết đều chưa biết ngồi hoặc ngồi chưa vững. Do đó, nhiều mẹ thường có xu hướng một tay bế con, tay còn lại đút cho bé ăn. Nếu mẹ đã có kinh nghiệm và thuần thục thì việc cho bé ăn theo cách này là đơn giản, chỉ cần giữ cho lưng bé thẳng còn đầu hơi nghiêng.
Tuy nhiên, một số mẹ chưa có kinh nghiệm hay con thường ngọ nguậy, quấy khóc thì lời khuyên dành cho mẹ là không nên mạo hiểm cho con ăn theo kiểu này vì dễ làm trẻ hóc, nghẹn. Thay vào đó, mẹ nên đặt bé vào chiếc ghế ăn dặm chuyên dụng, loại ghế này có thể điều chỉnh độ dốc ở lưng và có phần dây cố định ngang bụng. Lúc này cả hai tay của mẹ đều rảnh rang sẽ dễ thao tác hơn so với cách vừa bế bé vừa đút cho chúng ăn. Đối với các bé đã biết ngồi vững, mẹ có thể cho bé ngồi vào ghế tập ăn. Tuyệt đối không để bé nằm trong lúc ăn, điều này sẽ khiến bé dễ bị hóc, nghẹn vô cùng nguy hiểm.
Tạo tâm lý thoải mái cho bé trong lúc ăn
Bé có tâm lý thỏai mái trong khi ăn sẽ không chống đối, quấy khóc hay ngọ nguậy khi mẹ đút thức ăn. Việc bé tỏ ra kháng cự trong khi ăn dễ khiến chúng bị sặc, hóc, nghẹn thức ăn. Do đó, mẹ hãy tạo cho bé tâm lý vui vẻ, thoải mái trong khi ăn bằng cách không ép bé ăn, ép bé há miệng để đút thức ăn… Tuy nhiên, việc đùa giỡn quá trớn trong lúc ăn cũng không nên, bởi điều này sẽ khiến bé mất tập trung vào chuyện ăn uống, từ đó dễ bị hóc, nghẹn hơn.
Chọn vật dụng phù hợp với độ tuổi ăn dặm của bé
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều vật dụng ăn dặm cho bé như muỗng, chén, bình tập ăn… Tùy vào lứa tuổi, dạng thức ăn mà mẹ chọn vật dụng thích hợp. Trong đó, việc lựa chọn muỗng ăn cho bé là cần thiết hơn cả. Với bé mới tập ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi), mẹ nên chọn cho bé muỗng nhựa mềm hoặc muỗng silicon có kích thước vừa miệng, muỗng hơi nông và dẹt, vừa đủ để hớt một chút bột cho bé làm quen với việc mút, liếm. Khi đã chính thức ăn thành bữa, mẹ nên chọn muỗng sâu hơn và cán muỗng dài hơn để mẹ có thể cầm chắc chắn và thao tác dễ dàng. Mẹ không nên chọn bình tập ăn cho bé, bởi sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát lượng bột chảy vào muỗng, từ đó dễ khiến bé bị sặc, nghẹn.