Mẹ&Con - Thấy con ăn không ngon miệng, hơi có vấn đề về tiêu hóa, nhiều bà mẹ lập tức rỉ tai nhau, tìm mua các loại men tiêu hóa cho con uống. Trong “suy luận” của không ít người, men tiêu hóa hẳn là giúp cho hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn!!! Tuy nhiên, sự thật là men tiêu hóa không phải “thần dược” và nếu tự ý dùng không đúng cách, không theo chỉ định của bác sĩ thì ngược lại, men tiêu hóa còn có thể gây hại cho trẻ nữa! Tư vấn trực tuyến "Cùng chuyên gia chăm sóc hệ tiêu hóa của trẻ" Bí quyết chữa bệnh về đường tiêu hóa cho bé Giúp trẻ tránh xa táo bón

Nên hiểu đúng về men tiêu hóa!

Ra cửa hàng bán thuốc tây, hỏi “men tiêu hóa”, bạn có thể được giới thiệu… cả rừng! Nhiều người xem gọi “men tiêu hóa” là các thuốc hay chế phẩm có tác dụng giúp chức năng tiêu hóa tốt hơn, đặc biệt dùng cho trẻ con khi chúng có vẻ chán ăn, không chịu ăn. Một số người khác nhầm lẫn men tiêu hóa như… thuốc bổ!

Thực tế, “men tiêu hóa” chia thành hai nghĩa, khác nhau về bản chất.

Men tiêu hóa: Hiểu thế nào mới đúng? 5

Nghĩa thứ nhất, men tiêu hóa để chỉ chế phẩm chứa các enzyme giúp tiêu hóa thức ăn. Bạn có thể hình dung, từ miệng có dịch tiêu hóa là nước bọt chứa amylase (tiêu hóa tinh bột); còn ở dạ dày tiết ra dịch vị chứa acid hydrocloric và pepsin (tiêu hóa protein); trong đường ruột có dịch tụy, dịch mật, gọi chung là dịch ruột chứa nhiều enzyme như amylase (tiêu hóa tinh bột), lipase (tiêu hóa chất béo), trypsin (tiêu hóa chất đạm)… giúp hoàn tất việc tiêu hóa thức ăn thức uống. Khi thiếu các dịch tiêu hóa này sẽ sinh ra khó tiêu, đầy bụng.

Để bổ sung men tiêu hóa cho người thiếu, người ta làm ra các chế phẩm là thuốc chứa thành phần là các enzyme. Tuy nhiên, nên lưu ý thật kỹ rằng, bổ sung men tiêu hóa dưới dạng thuốc xem như chúng ta đã bổ sung từ ngoài vào, vì thế chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Không nên lạm dụng vì dùng dài ngày sẽ gây tác dụng ngược, ức chế các tuyến tiết ra men tiêu hóa nội sinh có trong cơ thể.

Mẹ lưu ý!

Không được xem men tiêu hóa như “thuốc bổ”, “thuốc giúp… tăng cân”, cứ cho con uống để mong bé ăn tốt hơn. Men tiêu hóa hoàn toàn không có tác dụng giúp tăng cân mà chỉ giúp trẻ thiếu men tiêu hóa được bổ sung men, ăn uống tốt hơn.

Chỉ dùng khi thật cần thiết để tránh lệ thuộc. Thông thường chỉ dùng không quá 7-10 ngày, ngưng dùng thuốc 7-10 ngày nếu muốn tiếp tục dùng lại.

Nghĩa thứ hai, men tiêu hóa được nhiều người xem như là chế phẩm chứa các vi sinh vật có ích khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột và có lợi ích cho sức khỏe của người dùng. Trong trường hợp này, không nên gọi là men tiêu hóa mà nên gọi là “men vi sinh” hay gọi theo tiếng nước ngoài đã trở thành thông dụng là “probiotic”.

Probiotic có nguồn gốc vi sinh vật và có nghĩa là “trợ sinh” (trợ giúp sự sống). Bạn hình dung trong ruột hiện diện rất nhiều loại vi khuẩn tạo thành quần thể gọi là tạp khuẩn ruột. Trong tạp khuẩn ruột, ngoài vi khuẩn gây bệnh còn có vi khuẩn có ích. Chính các vi khuẩn có ích giúp tiêu hóa tốt thức ăn, tiêu sạch và tái hấp thu phần thức ăn còn sót lại ở ruột già, giúp tổng hợp một số vitamin nhóm B, vitamin K…, đặc biệt giúp cân bằng với vi khuẩn có hại, làm cho vi khuẩn có hại không tăng sinh phát triển quá đáng gây bệnh.

Nếu vì lý do nào đó (chẳng hạn dùng thuốc kháng sinh), sự cân bằng trong hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn, sẽ đưa đến rối loạn đường ruột, thể hiện qua các triệu chứng tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng… Men vi sinh lúc này có thể được bổ sung vào, giúp tạo lại sự cân bằng.

Một thực phẩm có tác dụng gần tương tự men vi sinh, chính là sữa chua (yaourt). Ăn sữa chua vừa cung cấp chất dinh dưỡng vừa có tác dụng giúp cân bằng hệ tạp khuẩn ruột. Bạn có thể tự làm sữa chua tại nhà cho con, hoặc mua sữa chua đóng hộp sẵn, cho bé ăn mỗi ngày 1-2 hộp.

Men tiêu hóa: Hiểu thế nào mới đúng? 6

 >> Men tiêu hóa là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì cần phải có chỉ định của bác sĩ, mẹ không nên sử dụng tùy tiện cho trẻ. Khi trẻ biếng ăn, khó tiêu hóa, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ, tìm hiểu nguyên nhân, không nên thấy trẻ biếng ăn là cho dùng men tiêu hóa. Cần tập cho trẻ nhai để kích thích hệ tiêu hóa bài tiết men.

Không tự dùng, không xem men tiêu hóa là “thần dược”!

Như đã nói, hiện tại men tiêu hóa được bày bán quá nhiều dưới dạng thuốc, thực phẩm chức năng, rồi thì bổ sung cả vào bánh kẹo, các loại cốm vi sinh cho trẻ. Tuy nhiên, rất hiếm người bán chịu nói rõ với các mẹ rằng đây không phải là “thần dược ăn ngon” và không được dùng tùy tiện! Nhiều bà mẹ không biết, cho con uống men tiêu hóa ròng rã từ năm này qua năm khác, đến khi nảy sinh vấn đề về sức khỏe, đi khám, nghe bác sĩ tư vấn mới ngỡ ngàng biết men tiêu hóa không được dùng bừa như thế!

Nếu các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc trẻ mắc các bệnh bẩm sinh như u xơ nang tuyến tụy, viêm teo ruột kéo dài, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật… thì cơ thể bị thiếu các men tiêu hóa. Lúc này men tiêu hóa sẽ được chỉ định dùng để bổ sung cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian sử dụng men tiêu hóa và liều lượng tùy thuộc vào bệnh lý và mức độ thiếu men.

Trường hợp nếu cơ thể trẻ bình thường, khả năng làm việc của các tuyến tiêu hóa đã phục hồi hoặc đang bình thường (chưa từng có vấn đề gì) mà cứ sử dụng liên tục sẽ làm các tuyến tiêu hóa trong cơ thể bị ức chế, giảm bài tiết và làm cơ thể trẻ bị phụ thuộc vào men tiêu hóa từ bên ngoài đưa vào như đã nói ở phía trên. Ngoài ra, nếu trẻ bị tăng tiết axit dạ dày, viêm loét tá tràng, viêm tụy… mà phụ huynh còn bổ sung men tiêu hóa sẽ làm thành ống tiêu hóa của trẻ dễ bị phá hủy hơn.

Tự dùng men tiêu hóa khi trẻ biếng ăn? >> Sai!

Sử dụng men tiêu hóa khi trẻ biếng ăn là sai lầm bởi vì việc sử dụng không hợp lý và lâu dài men tiêu hóa sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết, giảm hoạt động sẽ dẫn đến teo làm cho trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hóa. Vì vậy, nếu trẻ biếng ăn, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị chứng biếng ăn, chứ không phải tự ý mua men tiêu hóa về cho trẻ uống. Thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10 ngày, dùng theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp thật sự cần.

Theo sự tư vấn của Thạc sĩ – Bác sĩ Lưu Mỹ Thục (Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng Tiết chế, bệnh viện Nhi Trung ương)

Tags:

Bài viết liên quan