Vì sao mẹ nên chọn thịt bò cho trẻ ăn dặm?
Thịt bò là thực phẩm có nguồn dinh dưỡng rất cao. (Ảnh minh họa)
So với các loại thịt khác, thịt bò có vẻ khó tiêu hóa hơn vì mô xơ thịt dai và ít mỡ. Tuy nhiên, đây là một trong những loại thịt có nguồn dinh dưỡng rất cao với nguồn cung cấp các nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ như sắt, kẽm, canxi và các vitamin thiết yếu như B1 (06 mg), B2 (16 mg), Niaxin – 5.34 mg, Folate – 10 mcg. Trong đó, chất sắt có trong thịt bò sẽ giúp trẻ ngăn ngừa nguy cơ thiếu sắt, nguồn khoáng chất trong sữa mẹ dễ sụt giảm trầm trọng khi trẻ được 6 tháng trở lên.
Đặc biệt, trong 100g thịt bò bạn có thể tìm thấy đến 28 gam chất đạm. Loại đạm này có chứa nhiều axit amin, axit gốc nitro, giúp biến protein trong thức ăn thành đường hữu cơ để cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho trẻ. Vì thế, các chuyên gia nhi khoa ở Mỹ khuyên cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thịt bò trong quá trình ăn dặm.
Theo y học cổ truyền, thịt bò vị ngọt tính bình có tác dụng bổ tỳ ích vị, bổ khí, dưỡng huyết. Loại thịt này được khuyên dùng cho người gầy yếu sút cân, ăn uống không tiêu, bệnh đầy bụng, chán ăn…
Thời điểm thích hợp nhất để bé ăn thịt bò là
Mẹ nên cho bé ăn thịt bò khi đã bước sang tháng thứ 8. (Ảnh minh họa)
Như đã đề cập ở trên, thịt bò là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân khiến bạn phải hết sức chú ý về thời điểm bắt đầu cho con ăn dặm bằng thịt bò.
Cụ thể là các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên cho con ăn thịt bò khi đã bước sang tháng thứ 8. Khi đó, hệ tiêu hóa của bé đã quen dần với việc ăn dặm, quá trình làm quen với những thức ăn mới ngoài sữa mẹ. Nhờ vậy, chúng hoàn thiện hơn một chút nữa so với giai đoạn trước, giúp bé tránh được tình trạng khó tiêu, đầy bụng và trướng bụng.
Dị ứng thịt bò hiểu sao cho đúng?
Theo các chuyên gia về sức khỏe, tỷ lệ dị ứng ngày một gia tăng, nhất là ở trẻ nhỏ. Thành phần chính gây dị ứng ở trẻ em thường là các chất đạm có trong thực phẩm. Những chất đạm này khó bị phân hủy bởi các men phân cắt như protease và nhiệt độ. Vì thế, khi thấm vào lớp màng nhầy tiêu hóa, tế bào ruột hay máu sẽ bị cơ thể “nhận diện” là vật thể lạ và kích thích hệ miễn dịch hoạt động. Bên cạnh đó, các phân tử chất đạm này còn kết hợp với kháng thể IgE tạo ra các chất trung gian hóa học histamin khiến cho cơ thể biến đổi.
Với những trẻ có bố mẹ có tiền sự bị dị ứng thì nguy cơ trẻ bị dị ứng cao hơn hẳn trẻ khác, thậm chí cao nhất là đến 80%.
Khi bị dị ứng thịt bò, khoảng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn trẻ sẽ có những biểu hiện như sưng, ngứa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ trên da. Với những trẻ có phản ứng chậm hơn, các biểu hiện này có thể xuất hiện sau một vài ngày và mức độ dị ứng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào lượng thịt bò trẻ đã ăn.
Vì lẽ đó, khi cho trẻ ăn dặm thịt bò, mẹ nên “thăm dò” phản ứng bằng cách cho trẻ ăn ít một (lúc đầu là 1-2 thìa cà phê). Khi thấy trẻ không có biểu hiện bất thường, mẹ có thể tăng dần số lượng thịt lên.
Trong một số trường hợp trẻ có biểu hiện dị ứng với thịt bò, mẹ nên ngưng loại thịt này và để khoảng thời gian sau hãy cho ăn lại. Nếu bé lại có biểu hiện dị ứng như lần đầu, mẹ cần đến bác sĩ chuyên khoa để được cho lời khuyên phù hợp nhất.