Mỗi độ tuổi sẽ có sự phát triển tâm lý hoàn toàn khác nhau. So với trẻ 6 tuổi mới bước vào tiểu học thì trẻ 7 tuổi đã có thời gian làm quen với các nguyên tắc. Giai đoạn này, trẻ cũng hình thành ý thức cá nhân và chú ý hơn đến tính kỷ luật. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu tâm lý trẻ 7 tuổi với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Tâm lý trẻ 7 tuổi sẽ như thế nào?
Thích lên kế hoạch
Sau 1 năm làm quen với nếp sinh hoạt kỷ luật, môi trường học đường đã tác động không ít vào tâm lý trẻ 7 tuổi. Cụ thể con thích tự mình lên kế hoạch hoặc lập ra các kỷ luật. Bé có thể đặt ra những dự định mỗi ngày, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt và không muốn bị la mắng.
Tất nhiên, khả năng thất bại hoặc không đạt được theo như những gì đã đề ra là rất cao và dễ khiến bé cảm thấy áp lực, thất vọng về bản thân. Do đó, bố mẹ cần giúp con lập vài thời khóa biểu cơ bản và khuyến khích con thực hiện. Chẳng hạn như đến trường đúng giờ, soạn tập vở, dụng cụ đầy đủ, tổ chức họp gia đình hàng tuần, phân công trách nhiệm công việc cho từng người, lên kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi…
Phát triển tính cách và ý thức
Lên 7 tuổi, con dần phát triển khả năng tự kiểm soát bản thân và có tinh thần ổn định hơn. Con cũng thể hiện cách hành xử lịch sự, yêu mến gia đình và bạn bè. Hơn nữa, bé tỏ ra rất thích thú khi được nghe bố mẹ kể về giai đoạn khi mình mới chào đời, lớn lên và những câu chuyện thuở bố mẹ còn trẻ.
Trong giai đoạn này, trẻ dễ phạm phải những sai lầm do bắt chước người khác khi nói dối, đánh nhau…Do đó, bố mẹ cần quan sát nhiều hơn và tuyệt đối không đánh mắng mà phân tích đúng sai, hậu quả…
Xu hướng sống nội tâm hơn
Ở tuổi lên 7, trẻ có xu hướng nội tâm và suy nghĩ nhiều hơn về những chuyện xung quanh. Đây là một tiến trình phát triển quan trọng và là bước đệm cho sự cảm nhận của nội tâm khi 8 tuổi. Trẻ dần suy nghĩ nhiều hơn về các kế hoạch và sắp xếp tất cả các kinh nghiệm có được từ mẫu giáo.
Thích tranh cãi với bạn bè
Không như hồi nhỏ tranh đồ chơi hay đánh nhau nữa, khả năng ngôn ngữ của trẻ 7 tuổi cũng đã nhiều hơn trước nên bé thường tranh luận với bạn bè nhiều hơn. Tất nhiên, trẻ vẫn rất dễ giận hờn, xảy ra mâu thuẫn với nhau nhưng cũng dễ làm lành, nên người lớn tốt nhất hạn chế can thiệp vào chuyện này. Nếu bé đánh nhau với bạn thì nên tách cả hai ra, cho con thời gian suy nghĩ hoặc “hiến kế” khi con hỏi để làm hòa với bạn.
Cá nhân và tập thể
Trẻ khi ở một mình đều có thể tự chơi bởi vì trong thế giới tưởng tượng của bé có rất nhiều người bạn như búp bê, siêu nhân, gấu bông… Tuy nhiên, khi lên 7 tuổi, thời gian tự chơi của bé cũng ít đi, bé thích được ra ngoài để chơi cùng các bạn khác. Tâm lý trẻ 7 tuổi nằm ở giữa việc thích ở một và thích chơi tập thể. Đây là một giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng để trở nên tự lập hơn cũng như hòa mình vào tập thể dễ hơn.
Bố mẹ nên dạy bé 7 tuổi những kỹ năng gì?
Học tập và vui chơi theo thời khóa biểu
Bé 7 tuổi thích tự lên kế hoạch nhưng vì “cả thèm chóng chán” nên những dự định đặt ra đều có thể không được thực hiện đúng. Vậy nên, bố mẹ cần quan sát, cổ vũ và đốc thúc con làm theo đúng kế hoạch. Khi thực hiện đủ lâu sẽ biến thành thói quen trong con để nâng cao ý thức tự giác và hiệu quả học tập, làm việc trong cuộc sống.
Ví dụ, bạn có thể thường xuyên nhắc nhở bé về khoảng thời gian hạn định như “con còn 5 phút xem ti vi”, “10 phút nữa con phải ăn cơm xong”…
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần tự lập cho bản thân một thời gian biểu để phù hợp với giờ giấc của bé. Làm như vậy bé sẽ nhìn theo, học tập và cảm thấy dễ dàng hơn khi thực hiện những dự định này.
Học các cử chỉ văn minh
Nếu được đi chơi nhiều thì từ lúc 5 tuổi trẻ đã bắt đầu thắc mắc về những tấm biển giao thông, những tấm biển cấm đặt ở công viên như “cấm giẫm lên cỏ”, “cấm đổ rác”…Bạn có thể dạy bé về những điều này. Đặc biệt khi 7 tuổi, bố mẹ cũng cần giáo dục bé thêm về những cử chỉ văn minh khác như xếp hàng, chấp hành luật giao thông, không gây ồn nơi công cộng…
Hơn thế nữa, bạn nên đưa bé tham gia các hoạt động tập thể, khu vui chơi để theo dõi phản ứng tùy vào từng tình huống khác nhau. Từ đó sẽ có những hướng dẫn và giải pháp kịp thời để giúp bé kiểm soát cảm xúc cũng như hành xử đúng trong từng bối cảnh.
Tự chăm sóc bản thân
Nếu 7 tuổi mà bé chưa tự biết đánh răng, thay đồ và tắm rửa thì bố mẹ nên nhanh chóng dạy con nhé! Ngoài ra, tâm lý bé 7 tuổi đã bắt đầu có bước chuyển mình sang hướng thích tự lập, thích tách rời khỏi bố mẹ do đó bé cần được học những kỹ năng tự chăm sóc bản thân.
Chẳng hạn như là tự gấp chăn, dọn dẹp phòng riêng, tự sắp xếp bàn học, tự gấp đồ, tự chọn quần áo… Trước khi bé có thể tự mình hoàn thành tốt những việc này thì bố mẹ vẫn phải kiên nhẫn “đi sau dọn hậu quả” nhưng đừng vì thế cáu gắt hoặc dành làm của con. Thực sự bình tĩnh rồi con sẽ tự tốt lên thôi.
Dạy bé cách chờ đợi
Học cách chờ đợi là bước khởi đầu để bé rèn luyện tính nhẫn nại và lòng kiên nhẫn. Tốt nhất bạn nên giao ước với bé trước về một số việc như ăn tối xong mới được xem phim, ăn cơm xong chơi bao nhiêu phút rồi đi học bài… Nếu con chưa biết về khái niệm thời gian hoặc có “ác cảm” với chiếc đồng hồ, bạn có thể sử dụng ngôn từ tương đương để miêu tả. Chẳng hạn như mẹ sẽ cho con đi chơi khi mặt trời mọc trở lại ba lần nữa…
Khuyến khích trẻ đọc sách
Sự phát triển ngôn ngữ ở độ tuổi này diễn ra rất nhanh. Hầu hết khi lên 7 tuổi trẻ có thể đọc trôi chảy và có thể thảo luận sâu về một chủ đề nào đó. Trẻ cũng có thể kể chuyện, diễn đạt khá trôi chảy và bố cục mạch lạc. Bạn nên khuyến khích con đọc nhiều sách hơn, sau đó cùng nói về chủ đề các nhân vật, cốt truyện và các khía cạnh khác của cuốn sách.
Ngoài ra, mặc dù lúc này bé đã có thể hoàn toàn tự đọc sách nhưng vẫn muốn bố mẹ đọc cho mình. Đây cũng là dịp để bạn thuận lợi trò chuyện và kích thích tính ham học hỏi cho bé bằng cách đặt ra những câu hỏi và bài học sau mỗi lần đọc sách. Làm như vậy bé sẽ có kỹ năng đọc sách cũng như suy nghĩ về vấn đề được đặt ra.
Tích cực tham gia các hoạt động thể thao
Các kỹ năng phối hợp và thăng bằng của trẻ 7 tuổi cũng dần hoàn thiện nên nếu được tham gia nhiều hoạt động thể thao thì các kỹ năng của trẻ cũng càng phát triển. Bố mẹ nên cùng bé tham gia những hoạt động vui chơi này để rèn luyện sức khỏe, thể chất, lối sống năng động và chủ động cho con. Đó có thể là những môn thể thao tập thể như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ… môn thể thao trí tuệ như cờ vui, cờ tỷ phú…hoặc chỉ đơn giản là đi xe 2 bánh, nhảy dây, chạy lên xuống cầu thang…
Trẻ 7 tuổi cũng đã có sự biến đổi trong tâm lý khác so với trẻ 6 tuổi song vẫn chưa thực sự tách rời hẳn khỏi bố mẹ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh bên cạnh việc cho trẻ không gian riêng để phát triển thì cũng cần ở bên con để “uốn nắn”, quan sát, giáo dục và tâm sự mỗi lúc con cần nhé! Hy vọng những chia sẻ từ Tạp chí Mẹ và Con giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về tâm lý trẻ 7 tuổi để có những biện pháp nuôi dạy con cái phù hợp.