Mẹ&Con - Sinh xong chưa phải là… hết chuyện! Chỉ riêng sản dịch sau sinh cũng đã là 'chuyện dài nhiều tập' mà bạn cần hiểu rõ, theo dõi đúng cách, chăm sóc tốt cho chính mình! Đơn giản như bạn có biết rằng những mẹ sau sinh nằm nhiều, không vận động sẽ làm cản trở quá trình thoát ra của sản dịch? Sản phụ cần chú ý hết sức với những dấu hiệu nhiễm trùng sau sinh Lưu ý sức khỏe sau sinh Trang phục cho các mẹ sau sinh

Sản dịch là gì?

Trước khi sinh, tử cung cần được mở rộng để cho em bé chui ra ngoài dễ dàng. Do vậy sau khi sinh chính là lúc tử cung bắt đầu quá trình hồi phục. Tại thời điểm này, niêm mạc tử cung sẽ bị xơ hóa mà bong ra lẫn với những cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám và chất nhầy tử cung thoát ra ngoài. Đó chính là máu sinh hay thường gọi là sản dịch.

Ra sản dịch là điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh (kể cả sinh mổ lẫn sinh thường). Quá trình này thường kéo dài từ 2-6 tuần. Trong 3 ngày đầu, sản dịch ra nhiều có màu đỏ tươi. Sau đó màu máu nhạt dần, có màu hồng nhạt, giống như dịch loãng. Tiếp theo từ 7-10 ngày sau sinh, trong máu sinh có mang một lượng tế bào, niêm mạc nên có màu vàng nhạt và màu trắng còn gọi là máu sinh trắng.

me-biet-gi-ve-san-dich-sau-sinh

Thông thường trong vòng 20 ngày thì sản dịch sẽ ra hết. Tuy nhiên một số ít sản phụ bị kéo dài đến 45 ngày. Sau thời gian này, trong vòng 1 tuần, chị em có thể thấy ra một ít máu đỏ tươi. Đó là kinh non – một hiện tượng sinh lý bình thường do niêm mạc tử cung được phục hồi sớm.

Sản dịch chia làm 3 loại:

– Sản dịch màu đỏ giống máu: Sau khi sinh chất sản dịch ra nhiều trong những ngày đầu chủ yếu là máu, máu đỏ tươi, thỉnh thoảng có những cục nhỏ.

– Sản dịch thể sền sệt: Sản dịch màu máu đỏ tươi từ sau 3-5 ngày dần chuyển sang màu nâu nhạt, lượng máu dính trong đó ít dần, chất dịch cổ tử cung và âm đạo ra nhiều, ngoài ra còn có chất thải từ sự hoại tử tế bào phần màng.

– Sản dịch màu trắng: Sau khi sinh khoảng 14 ngày, sản dịch chuyển sang màu nâu vàng hoặc màu trắng, trong đó có một lượng lớn chất hoại tử từ tế bào phần màng, tế bào biểu bì, nhiễm khuẩn và dịch sệt.

Sản dịch thông thường có mùi tanh của máu nhưng không hôi, khoảng 3 tuần sẽ sạch hết.

Quan niệm sau sinh đi lại nhiều dễ bị sa tử cung nên nằm một chỗ vô cùng sai lầm và tai hại vì có thể làm sản dịch không thoát ra ngoài được, gọi là bế sản dịch. Những mẹ mổ lấy thai, do tử cung đóng kín nên cũng dễ bị bế sản dịch. Ngoài ra, bế sản dịch còn do khối u xơ nằm ở eo hoặc cổ tử cung chèn ép làm tắc đường ra.

Khi nào là bất thường?

Trường hợp nếu sau 6 tuần kể từ thời điểm bé chào đời, sản phụ vẫn thấy dấu hiệu ra sản dịch có máu kèm mùi hôi, sốt 38-39 độ, bụng dưới căng tức, đau tràn thì nhiều khả năng đã bị bế sản dịch (sản dịch vẫn còn trong tử cung). Tình trạng bế sản dịch rất nguy hiểm nên bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Tình trạng bế sản dịch (sản dịch ứ đọng) hay xảy đến với những sản phụ nằm nhiều, ít đi lại, ít vận động sau sinh vì sợ sa dạ con. Sản dịch ứ đọng trong buồng tử cung có thể dẫn đến nhiễm trùng nội mạc tử cung, nếu không can thiệp kịp thời và đúng mức có thể đưa đến tình trạng nặng nề hơn như viêm cơ tử cung toàn bộ, viêm lan ra hai phần phụ (tức là buồng trứng và ống dẫn trứng), viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ và nhiễm trùng huyết.

Sau sinh các mẹ chú ý chỉ nên nằm nghỉ ngơi trong 8 giờ sau đó đi lại, vận động nhẹ nhàng bởi điều này giúp co dạ con lại đẩy nhanh sản dịch ra ngoài, rút ngắn quá trình hậu sản. Trong quá trình hậu sản, mẹ cũng nên giữ vệ sinh thật kỹ. Có thể sử dụng băng vệ sinh, thay băng mỗi giờ trong ngày đầu tiên sau sinh và từ 3-4 giờ/lần trong những ngày tiếp theo. Trước và sau khi thay băng, chú ý rửa tay sạch sẽ để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn. Bạn cũng có thể nằm sấp 20-30 phút mỗi ngày. Tư thế này giúp thoát sản dịch dễ hơn.

Bất cứ lúc nào kể từ thời điểm sau sinh đến khi hết sản dịch hoàn toàn, nếu phát hiện sản dịch có mùi hôi (sản dịch bình thường là sản dịch có mùi tương tự với chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng) hoặc phát hiện sản dịch thường xuyên xuất hiện dưới dạng cục máu đông thì việc cần làm lúc này chính là thông báo ngay với bác sĩ. 

Mẹ cần biết!

Một tuần lễ sau sinh, nếu thấy có triệu chứng sốt, cần báo ngay với bác sĩ. Trường hợp sốt kèm theo sản dịch ra có mùi hôi, nhịp tim nhanh trên 100 nhịp/phút, tử cung không co hồi, sản phụ thấy khó chịu, ấn vào vùng tử cung thấy đau nhiều… cần nhập viện trở lại để theo dõi, không tự ý để chăm sóc tại nhà.

Nên và không nên

Nên dùng băng vệ sinh, gạc vô trùng để thấm sản dịch chảy ra từ âm đạo, giữ cho vùng kín luôn khô ráo. Không nên dùng các loại giấy cuộn thô nhám hay các loại khăn ướt có mùi thơm để làm việc này. Các hóa chất tạo mùi thơm dễ gây ảnh hưởng đến vùng sinh dục của bạn.

Không nên dùng xà phòng hay các dung dịch vệ sinh phụ nữ (trừ khi bác sĩ hướng dẫn). Chỉ cần vệ sinh vùng kín khi ra sản dịch bằng nước đun sôi để ấm. Tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo vì dễ gây tổn thương cho vùng này. 

Không nên sử dụng bồn tắm tối thiểu là suốt 2 tháng sau khi sinh. Không tắm ở ao hồ, hồ bơi. Chỉ nên tắm bằng vòi sen và không tắm quá lâu. Quần nội y cần được thay thường xuyên để giữ cho vùng sinh dục khô ráo. Nếu thấy sản dịch đổi màu, có mùi hôi hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ. 

Có nên dùng tampon sau khi sinh?

Sản phụ không nên dùng băng vệ sinh loại nhét (tampon) trong vài tuần đầu sau khi sinh. Nguyên nhân là do lúc này tử cung hoặc cổ tử cung đang hé mở, thêm vào đó vết khâu vẫn chưa lành lặn rất dễ bị tổn thương dẫn đến nhiễm trùng.

Việc sử dụng băng vệ sinh tampon vào thời điểm này sẽ gia tăng thêm nguy cơ bị thương tổn và viêm nhiễm. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng băng vệ sinh dành cho phụ nữ sau khi sinh. Chúng được thiết kế đặc biệt sử dụng trong thời điểm này nhằm mang lại sự bảo vệ tốt nhất cho bạn.

Tags:

Bài viết liên quan