Quan hệ vợ chồng
Mẹ bầu nên cân nhắc việc quan hệ vợ chồng vào tháng cuối này nhé! (Ảnh minh họa)
Những tháng cuối thai kì, nhất là những ngày gần ngày dự sinh, cơ thể mẹ bầu vô cùng nhạy cảm. Những hoạt động tình dục có thể làm kích thích khiến mẹ chuyển dạ sớm và có nguy cơ sinh non. Do vậy, việc quan hệ vợ chồng vào thời điểm này cần phải được cân nhắc, nhất là đối với các mẹ bầu có tiền sử sinh non; bị rau tiền đạo; bị vỡ ối sớm, rỉ ối; có cổ tử cung ngắn, những người phải khâu vòng cổ tử cung; hoặc chảy máu âm đạo sau quan hệ kèm theo chuột rút và cơn co tử cung.
Xoa bóp bầu vú, nặn sữa non
Tháng cuối thai kì, mẹ bầu sẽ nhận thấy hai bầu vú căng phồng, đau tức và có dấu hiệu tiết sữa non. Đây là dấu hiệu cho thấy bầu ngực của mẹ đã sẵn sàng tiết sữa và chuẩn bị cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ sắp tới.
Vào thời điểm này, mẹ không nên xoa bóp hay nặn sữa non để cảm thấy dễ chịu hơn. Bởi lẽ, việc xoa bóp hay nặn sữa có thể khiến đầu vú bị kích thích tăng tiết oxytocin nội sinh gây có bóp tử cung dẫn đến chuyển dạ sinh non.
Thụt rửa âm đạo
Các chuyên gia khuyến cáo, việc thụt rửa sâu trong âm đạo có thể gây thuyên tắc hơi trong động mạch, hay gây tổn thương xuất huyết cho cổ tử cung, âm đạo đang trong tình trạng sung huyết. Tốt nhất, mẹ bầu chỉ cần vệ sinh “vùng kín” của mình nhẹ nhàng ở bên ngoài bằng nước sạch và dung dịch vệ sinh phụ nữ. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý là vệ sinh từ trước ra sau nhằm hạn chế vi khuẩn từ hậu môn tấn công vào âm đạo nhé!
Đi xa
Bầu nên tạm ngưng những chuyến đi xa, những cuộc hành trình dài vào tháng cuối. (Ảnh minh họa)
Trong tháng cuối thai kỳ, bé cưng của mẹ có thể chào đời bất cứ lúc nào mà không cần phải đến ngày dự sinh. Vì vậy, để tránh những tình huống không mong muốn như sinh con trên đường đến bệnh viện, đẻ rơi… mẹ cần tạm ngưng những chuyến đi xa, những cuộc hành trình dài không cần thiết.
Lo lắng, căng thẳng
Hầu hết các mẹ bầu tháng cuối đều có tâm trạng chung là lo lắng, căng thẳng: “Không biết ngày “vượt cạn” sẽ đến khi nào?” hay “Liệu giây phút lâm bồn có bất thình lình ập đến khiến mẹ không kịp chuẩn bị tinh thần?”… Tuy nhiên, mọi nỗi lo của mẹ không những không giải quyết được vấn đề gì mà còn tạo thêm sự mệt mỏi cho bản thân. Do vậy, thay vì mãi lo lắng, mẹ hãy giữ tinh thần thoải mái, tươi vui vì sắp được gặp con yêu sau chặng đường vất vả “mang nặng”.
Lười vận động
Đến tháng cuối chuẩn bị sinh con, bụng của các mẹ bầu đều đã rất to, lưng ưỡn ra, gánh nặng đè lên đôi chân và sống lưng khiến mẹ cảm thấy cơ thể nặng nề và mệt mỏi. Đây cũng là thời điểm mà nhiều mẹ bầu chọn việc nằm dài, ngồi lì trên ghế cả ngày thay vì vận động, di chuyển.
Thực tế, việc vận động trong thời điểm này lại vô cùng quan trọng. Mẹ chỉ cần vận động nhẹ nhàng, tập những bài tập đơn giản thì thời khắc lâm bồn sắp tới chắc chắn sẽ diễn ra thành công và dễ dàng hơn đấy. Mẹ lưu ý là chỉ vận động nhẹ nhàng như đi bộ thôi nhé.
Xem thường chuyện ăn uống
Giai đoạn cuối thai kỳ, trạng thái mỏi mệt và quá lo nghĩ về chuyện sinh nở sắp diễn ra mà nhiều mẹ bầu ăn ngủ kém hơn bình thường. Nhân “cơ hội” này, một số mẹ bầu còn không chú tâm đến việc ăn uống để sau sinh giảm cân dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này thực sự sai lầm, việc ăn uống cuối thai kỳ vẫn rất quan trọng, thiếu chất sẽ khiến cả mẹ và thai nhi thiếu năng lượng để bước vào hành trình vượt cạn sắp tới.
Chúc mẹ bầu khỏe mạnh để đón chào thành viên mới của gia đình!