Từ 2 đến 3 tuổi, cho bé ăn uống thế nào?
Khoảng thời gian 2-3 tuổi là mốc quan trọng trong sự phát triển đầu đời của trẻ, vì đây là khoảng thời gian não bộ của trẻ phát triển rất nhanh, trẻ hoạt động nhiều, hoàn thiện các kỹ năng trong quá trình vui chơi. Đây cũng là giai đoạn bé cai hoàn toàn sữa mẹ (một số mẹ vẫn cố gắng duy trì nguồn sữa mẹ cho bé đến 24 tháng, điều đó rất tốt). Chế độ dinh dưỡng của bé từ 2 tuổi trở đi chính thức đã là chế độ dinh dưỡng độc lập. Cộng tất cả những tác động và thay đổi này, mẹ cần đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của con, đảm bảo cho bé có sự phát triển hoàn thiện nhất.
Bạn sẽ đặt ngay câu hỏi: bé nên ăn bao nhiêu bữa một ngày, có nên để bé ăn theo nhu cầu, bất cứ khi nào bé đói như hồi “còn bé” nữa không? Quả thật, ở những giai đoạn trước đó, tuy cố gắng tạo nên một thời khóa biểu ăn ngủ đúng giờ cho trẻ, nhưng phần nào mẹ vẫn được các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cho sự “du di”. Bởi lẽ, dưới 2 tuổi, nếu bé thấy chưa đủ no, đói nhanh hơn và đòi ăn thì đều được khuyến khích cho ăn. Đó là thời kỳ chế độ dinh dưỡng vẫn còn phải theo sát nhu cầu của bé, đáp ứng cho bé ngay khi bé đói, bé muốn ăn, bất kể đó là… sáng trưa chiều tối hay nửa đêm.
Song, từ 2 tuổi trở đi, điều này có thay đổi. Khi bé đã cai sữa mẹ hoàn toàn, việc hình thành bữa chính, bữa phụ, ăn uống đúng giờ trở nên rất cần thiết. Thông thường, trẻ ở tuổi này nên ăn 5 bữa/ngày, trong đó có 3 bữa chính sáng – trưa – tối như người lớn (có thể ăn cùng thời gian với gia đình) và thêm 2 bữa “phụ” vào giữa buổi sáng và giữ buổi chiều. Cũng xin nói thêm là gọi bữa “phụ” vì bữa ăn ấy thông thường bé ăn ít hơn bữa chính, bé ăn một mình chứ không ăn chung với gia đình. Còn về độ quan trọng thì cả hai bữa “phụ” này đều quan trọng tương đương các bữa ăn chính trong ngày, nên mẹ không thể lơ là theo kiểu có cũng được, không cũng… chẳng sao!
Ăn đủ 5 bữa vào đúng thời gian quy định sẽ giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé hoạt động, vui chơi liên tục cả ngày (trẻ tuổi này rất hiếu động), đồng thời giúp mẹ chủ động về mặt thời gian, không phải lúc nào cũng “mờ mắt” với việc chăm sóc trẻ.
Lưu ý cho mẹ!
Khoảng 2-3 tuổi, bé đã có thể tự mình mở tủ lạnh, lục lọi các loại bánh kẹo mẹ mua về để lén… “măm măm”. Việc ăn uống tùy tiện, không giờ giấc, ăn nhiều bánh kẹo ngọt dẫn đến chán ăn, khẩu phần ăn mất cân đối… khiến rất nhiều trẻ ở tuổi này bị suy dinh dưỡng. Vậy nên, một trong những việc đơn giản bạn cần làm ngay là hạn chế tối đa để thức ăn vặt, nước ngọt, bánh kẹo các loại trong tủ lạnh. Luôn cho bé ăn uống đúng bữa, đúng giờ chứ đừng thấy con mè nheo là lại chiều con bằng… một que kem hay bịch bánh snack.
THỰC ĐƠN THAM KHẢO CHO BÉ TỪ 2-3 TUỔI
Giờ |
Thứ 2-4 |
Thứ 3-5 |
Thứ 6 – Chủ nhật |
Thứ 7 |
6h |
Sữa 200ml + bánh mì ½ cái. |
Cháo thịt heo: 1 chén + chuối ½ quả. |
Phở bò: 1 chén + đu đủ 200g. |
Cháo gà: 1 chén + quýt ngọt 1 quả. |
10h30 |
– Cơm nát: 1 chén. – Trứng đúc thịt hấp hoặc chiên. – Canh cua mùng tơi. – Quýt: 1 quả. |
– Cơm nát: 1 chén. – Cá chiên. – Canh bí nấu tôm. – Nho: 100-200g. |
– Cơm nát: 1 chén. – Thịt viên xốt cà chua. – Canh hoa thiên lý nấu thịt. – Đu đủ: 100-200g |
– Cơm nát: 1 chén. – Thịt băm rim hành. – Khoai tây cà rốt nấu sườn. – Xoài: 100-200g. |
12h |
Sữa 150ml |
Sữa 150ml |
Sữa 150ml |
Sữa 150ml |
14h |
Cháo gà-nấm hương. |
Súp thịt bò-khoai tây, cà rốt |
Cháo tôm-bí xanh |
Cháo lươn-su su |
18h |
– Cơm nát: 1 chén. – Cá xốt cà chua – Rau muống xào – Đu đủ: 100-200g |
– Cơm nát: 1 chén. – Đậu thịt trứng viên hấp. – Canh rau ngót nấu thịt – Dưa hấu: 200g |
– Cơm nát: 1 chén. – Trứng đúc thịt – Canh cua mùng tơi – Quýt: 1 quả |
– Cơm nát: 1 chén. – Tôm bóc vỏ rim cà chua. – Canh bí nấu thịt. – Chuối: ½ quả. |
20h |
Sữa chua: 100g |
Súp đậu xanh / súp bí đỏ / sữa |
Sữa chua: 100g |
Cháo sườn heo/ cháo hạt sen / cháo bí đỏ |
Trẻ 2 tuổi nên làm quen với những thực phẩm gì?
Từ 2-3 tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ đã có sự ổn định, vững vàng. Bạn không phải lo âu chuyện con ăn món này được chưa, ăn món kia được chưa như hồi bé dưới 1 tuổi hay 1-2 tuổi nữa. Hầu như bé có thể tiêu hóa hết các loại thức ăn (trừ những món bé bị dị ứng thật sự đã được mẹ phát hiện và loại ra trong quá trình tập cho con ăn dặm).
Bạn nên cho trẻ ăn theo tháp dinh dưỡng ở độ tuổi này, ăn đầy đủ các nhóm chất: Tinh bột (gạo, ngũ cốc…), chất xơ, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Những món ăn giai đoạn này vẫn cần chế biến hợp khẩu vị của bé, nấu thật mềm, chín kỹ, đảm bảo dễ tiêu.
– Về ngũ cốc: Đây là nhóm thực phẩm chủ yếu cung cấp năng lượng, có chất xơ hỗ trợ tiêu hóa và là nguồn cung cấp vitamin B cần thiết. Tùy thuộc nhu cầu và sự phát triển của từng bé, bạn nên cho bé ăn một lượng phù hợp. Trung bình mỗi bữa chính, bé cần ăn một chén cơm.
– Về chất đạm: Đây là chất rất cần thiết cho quá trình đồng hóa tổng hợp chất để xây dựng cơ thể. Bạn nên cho bé ăn đa dạng các loại thịt như thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm và đừng quên cá. Hàm lượng mỗi ngày khoảng 100g.
– Về chất xơ: Bạn nên cho bé ăn nhiều loại rau, đặc biệt những loại rau có màu xanh đậm. Rau xanh giúp giải quyết đáng kể các vấn đề táo bón thường gặp ở bé.
– Về chất béo: Nhiều mẹ cứ sợ con béo phì, nghĩ mỡ là “xấu” nên… loại hẳn chúng ra khỏi chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé. Điều này không đúng. Bé cần khoảng 2 muỗng cà phê chất béo mỗi ngày. Bạn nên cân bằng giữa mỡ động vật và dầu thực vật bởi trong thời kỳ này, chất béo nào cũng cần thiết cho bé.
Cho con uống bao nhiêu sữa là đủ?
– Từ 2-3 tuổi, bé cần mỗi ngày khoảng 500-600ml sữa để bổ sung đủ lượng Canxi cho nhu cầu phát triển chiều cao. Trường hợp bé uống ít sữa, nên tìm cách bổ sung thêm Canxi thông qua sữa chua, qua các món ăn giàu Canxi hàng ngày.
– Mẹ lưu ý, trẻ uống ít sữa vẫn có thể tăng cân đầy đủ do khẩu phần ăn đủ năng lượng, nhưng chiều cao lại không thể đạt mức tối ưu do không đủ lượng Canxi và các chất dinh dưỡng liên quan khác. Do vậy, đừng chỉ thấy trẻ đạt cân nặng đạt chuẩn là cho rằng con uống ít sữa một chút giai đoạn này cũng không sao.
MẸ CÓ BIẾT?
– Trong giai đoạn 2-3 tuổi, bé phát triển mạnh các giác quan, đặc biệt là mắt. Do vậy, bạn nên cung cấp cho bé nguồn thực phẩm giàu vitamin A như quả bơ, cà rốt, quả có màu đỏ, gan động vật…
– Bé từ 2-3 tuổi cần khoảng 1.000-1.400 kcal/ngày tùy theo tần suất hoạt động của bé.