Mẹ và Con - Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà người người lại tất bật chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Vậy mâm cúng đêm giao thừa cần chuẩn bị như thế nào? 

Cúng giao thừa là một nét đẹp truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của người Việt, nhưng bạn đã biết vì sao phong tục này lại quan trọng đến vậy chưa? Hãy cùng Mẹ và Con giải đáp thắc mắc này nhé! 

Ý nghĩa của đêm giao thừa

Đêm giao thừa là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhiều người quan niệm rằng đây là thời gian để gác lại những chuyện không vui, điềm xấu… và gửi những mong muốn tốt đẹp hơn trong năm tới. Bên cạnh đó, đêm giao thừa cũng là lúc những đứa con xa nhà, từ người già đến người trẻ cùng sum họp và đoàn viên bên nhau. Cùng nhau chia sẻ những chuyện vui buồn đã trải quan trong 1 năm qua, đồng thời đặt ra mục tiêu và dự định cho năm mới.

Vì sao lễ cúng giao thừa lại rất quan trọng? 

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, cúng giao thừa được xem là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán, thường được gọi là “tống cựu nghinh tân” hay lễ trừ tịch.

Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng của năm cũ và giờ khởi đầu của năm mới, với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Không chỉ vậy, cúng giao thừa còn là để rước ông bà tổ tiên của chúng ta về chơi lễ Tết, nhìn con cháu sum vầy vui vẻ bên gia đình. Việc này đề cao đạo hiếu không quên cội nguồn của con cháu đối với ông bà tổ tiên.

giao thừa

Mâm cúng giao thừa cần chuẩn bị gì?

Mâm cúng trong nhà

Cúng giao thừa sẽ được thực hiện cả ngoài trời và ngay cả trong nhà. Vì vậy, các bạn cần chuẩn bị cho thật đủ đầy nhé. Mâm cơm cúng sẽ khác nhau tùy theo từng phong tục và văn hóa ẩm thực của từng miền. Dưới đây là mâm cơm lễ trừ tịch 3 miền bạn có thể tham khảo:

Mâm cúng lễ trừ tịch miền Bắc

Mâm cơm cúng giao thừa của người miền Bắc thường là những món ăn truyền thống, bao gồm 4 bát, 4 đĩa. Nếu cỗ lớn hay gia đình có đông thành viên thì bao gồm 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Thông thường, các món ăn đó là:

Bát móng giò hầm măng, bát bóng nấu thập cẩm, bát mọc, bát miến nấu lòng gà.

Đĩa thịt gà luộc, đĩa giò lụa, đĩa nem, đĩa giò xào, đĩa nộm, đĩa hành muối, đĩa bánh chưng.

Mâm cỗ cúng lễ trừ tịch miền Trung

Mâm cỗ cúng lễ giao thừa ở miền Trung thường sẽ có cả bánh chưng và bánh tét. Ngoài ra, mâm cỗ giao thừa còn bao gồm các món ăn đặc trưng khác như: đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, dưa giá, bát măng khô ninh, bát miến, đĩa cá chiên, đĩa ram…

Ở một số nơi tại miền Trung, người ta còn làm nhiều món khác như: cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa, xà lách gân bò, chả tôm, nem lụi…

Mâm cơm cúng giao thừa của miền Nam

Trong mâm cúng lễ trừ tịch của miền Nam thường xuất hiện các món ăn dân dã quen thuộc như: canh măng tươi, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho hột vịt, gỏi tôm thịt, chả giò, dưa giá, củ kiệu, bánh tét… 

cúng đêm giao thừa

Ngoài ra ở mỗi miền sẽ có thêm các đồ cúng đi kèm như:

  • 1 đĩa trầu cau
  • 1 đĩa trái cây gồm 5 loại quả
  • Đèn dầu
  • 1 đĩa muối
  • 1 đĩa gạo
  • 3 hoặc 5 ly trà
  • Bánh mứt các loại tùy vào gia đình
  • 1 bình hoa cúng
  • Vàng mã…

Chuẩn bị mâm cúng đêm giao thừa ngoài trời

Chuẩn bị lễ vật vàng mã

Đây được xem là một lễ vật không thể thiếu khi cúng đêm giao thừa, thường thì trong nhà có bao nhiêu thành viên sẽ cúng bao nhiêu bộ đồ.

Chuẩn bị mâm cơm ngoài trời

Mâm cỗ cúng đêm giao thừa có thể làm cỗ chay hoặc cỗ mặn được dọn ở một bàn riêng, cúng xong sẽ dọn đi:

  • Với cỗ mặn gồm: 1 con gà luộc, bánh chưng, bánh tét xôi, trà, rượu, nước, giò chả, các món cơm canh mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Dọn cùng với chén đũa nếu có nhiều món.
  • Với cỗ chay thường bao gồm: bánh, kẹo, mứt, cơm canh chay, trà nước.

Mâm cỗ cúng giao thừa trong bếp

Ngoài 2 mâm cỗ cúng lễ trừ tịch ngoài trời và trong nhà, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ cúng ở bếp để cung thỉnh thần Bếp phù hộ cho gia chủ no ấm trong năm mới.

Mâm cỗ này gồm các loại trái cây như: mãng cầu (na), táo, đu đủ chín, thanh long, sung, mướp đắng (hoặc 5 quả ớt), gạo, muối. Theo quan niệm dân gian, qua giao thừa, muối, ớt sẽ được ném ra đường với mong muốn mọi điều đen đủi, xui xẻo sẽ được tiêu tan.

Còn đu đủ chín bổ ra ăn hết, quả sung treo chạn bát, gạo mang nấu cơm cúng mùng 1 với mong ước một năm sung túc no đủ.

mâm cúng trừ tịch

Văn khấn giao thừa

Phục dĩ:

Tam dương khai thái, Ngũ phước lâm môn.

Giờ giao thừa đảnh lễ đấng Từ Tôn,

Mùa tuế đán đón mừng xuân Khánh Triệu

Nước Bát Đức thắm hoa lòng hàm tiếu

Mây Tam Đa vờn hương giới khai minh

Hướng tâm thành: lợi lạc chúng sanh

Trình ý khẩn: quang huy quốc độ.

Duyên nay có:

Nước Việt Nam (địa chỉ nơi gia đình cư ngụ) ……….

Chúng con tên: (tên các thành viên trong gia đình, từ lớn đến nhỏ) …………

Nhân buổi giao thừa năm mới, đảnh lễ đấng Từ Tôn

Cúng dường chư Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền

Bổn thổ Tài thần, Địa thần, Kim Niên Đương Cai Thái Tuế Chí Đức Tôn thần.

Kỳ nguyện cho đệ tử chúng con:

Thân thể vinh an, gia đình hòa lạc, dân chúng đều hưởng chữ an vui, mọi người được triêm ân phước lợi.

Giờ đây:

Trước cảnh thiêng liêng của mùa Tuế Đán, chúng con thành tâm đảnh lễ: Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam-mô Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.

Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Nam-mô Diệu Cát Tường Bồ-tát.

Nam-mô Nhật Quang Biến Chiếu Bồ-tát.

Nam-mô Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ-tát.

Nam-mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát.

Kim Niên Đương Cai Hành Khiển Lỗ Vương Chí Đức Tôn Thần.

Hành Binh Ngũ Nhạc – Cự Tào Chí Đức Tôn Thần.

Kính nguyện:

Chư Phật nhủ từ bi vô lượng, ban ân lành khắp cõi nhân gian,

Chúa xuân đem phước lộc đề đa, tạo cảnh mới đại đồng hoàn vũ.

Khiến mọi người ân triêm pháp nhũ, giữ giới mà giác ngộ tâm vương,

Để chúng con tắm ánh xuân huy, niềm vui được tràn lan quốc độ.

Khắp mọi nhà: nhân phong vật phụ,

Khắp mọi người: an lạc thọ khương.

Chúng con tắm gội ánh đạo vàng,

Nhân loại xưng dương mùa xuân thủ.

Người già lão đội ân sâu: Phật từ gia hộ,

Khách thanh niên nhờ đức cả: Cam lộ huân triêm.

Cảnh vui tươi nhuần thấm, điều lợi lạc thực thi.

Cùng sát cánh chen vai làm quang huy quốc độ,

Quyết chung lòng góp sức mà phổ độ quần sanh.

Nhân dân an lạc, thế giới an bình,

Chúng con vô cùng cảm bội chư Phật chứng minh.

Mùa Tuế Đán – giờ giao thừa – Xuân Đinh Dậu

cúng giao thừa

Những lưu ý quan trọng khi cúng lễ trừ tịch

  • Mâm cúng cần chuẩn bị tươm tất, mặc dù có thể tùy theo hoàn cảnh điều kiện kinh tế của từng gia đình mà bạn có thể mua sắm hợp lý, nhưng không được chuẩn bi quá sơ sài 
  • Sử dụng hoa tươi để cúng, vì theo quan niệm dân gian hoa tươi tượng trưng cho lòng thành của con cháu dâng lên tổ tiên và các vị thần linh
  • Lễ cúng giao thừa được tiến hành vào giờ Chính Tý, tức đúng 12h đêm hôm 30 tháng chạp. Các bạn thắp nhang, đọc văn khấn. Sau khi cúng xong, đợi nhang gần tàn thì đốt vàng mã. Cúng ngoài sân xong thì bạn cúng trong nhà.
  • Vào đêm cúng lễ trừ tịch, người trong gia đình cần hòa thuận, tránh tình trạng cãi vã, to tiếng, không nên tạo ra nhiều tiếng động lớn như rơi vỡ đồ đạc.
  • Theo nhiều quan niệm phong thủy thì: “Cúng giao thừa là cúng vị chư thiên cai quản năm mới và tiễn chư thiên cai quản năm cũ đi nên phải cúng ngoài trời trước rồi mới cúng gia tiên, thần linh trong nhà”.

Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa là rất truyền thống của dân tộc, nhưng quan trọng nhất vẫn là lòng thành thành kính của bạn đối với các vị thần linh hay ông bà tổ tiên. Mẹ và Con chúc bạn một năm mới an lành, hạnh phúc!

Bài viết liên quan