Mẹ&Con - Ghen giống như một gia vị nêm nếm vào cuộc sống gia đình. Ghen 'đúng', bạn sẽ không chỉ sớm cắt đứt được những tơ tưởng không đáng có, cắt đứt được những phút giây ngoài chồng ngoài vợ và khiến cho vợ chồng càng thương yêu nhau tha thiết hơn. Nhưng ghen 'sai', ghen quá đà hoặc ghen một cách mù quáng thì ngược lại, sẽ có thể khiến cuộc sống gia đình trở nên vô cùng tệ hại. Bạn thử đọc những lời khuyên hữu ích này xem! Cuộc chiến trong cơn ghen Vợ dại dột mới đánh ghen! Bạn có ghen đúng cách?

Nếu giữ được tỉnh táo, biết nêm nếm đủ liều, ghen sẽ là một gia vị khiến đời sống vợ chồng thêm phần ngọt ngào, viên mãn.

1. Nói có sách, mách có chứng

Phụ nữ rất tin vào linh cảm của mình. Khi mơ hồ cảm thấy có gì đó bất ổn giữa chồng và một “nàng” nào đấy, họ sẽ bắt đầu… cơn ghen. Tuy nhiên, bạn có biết rằng nếu như chưa gì bạn đã làm ầm lên, lúc nào cũng căn vặn chồng vì những điều rất đỗi mơ hồ, rằng bạn cảm thấy hình như thế này, hình như thế kia, chồng sẽ không thể “tâm phục khẩu phục” và rất dễ bực bội, gắt gỏng, thậm chí gây nên cảnh cơm không lành – canh không ngọt trong gia đình?

Đó là chưa kể nếu trường hợp này xảy ra nhiều lần, chồng sẽ đâm ra coi thường cơn ghen của vợ. Những người thân khác trong gia đình biết chuyện cũng sẽ đứng về phía anh xã, cho rằng bạn là người hay ghen vô cớ, thấy chuyện gì chưa rõ ràng cũng “ầm ầm” lên. Khi ấn tượng này trở thành sâu sắc thì lời nói của bạn sẽ trở nên mất giá trị. Cơn ghen của bạn sẽ chỉ giống như “trò cười” để những người khác đàm tiếu sau lưng.

>> Bạn nên:

Giữ những gì chưa rõ ràng trong lòng hoặc chỉ chia sẻ nó với một người thân mà bạn thật sự tin cậy để tìm kiếm lời khuyên bình tĩnh và sáng suốt. Chỉ nói chuyện với chồng khi thật sự bạn có trong tay những yếu tố chứng minh sự “không ổn” của anh ấy với một người thứ ba nào khác. Nói ngắn gọn, rõ ràng, có bằng chứng và thật nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, chàng sẽ chịu nhìn nhận lại sự việc một cách nghiêm túc, không dám cho rằng bạn ghen bóng ghen gió, ghen… vớ vẩn, không tin tưởng anh ấy.

mach-nuoc-chi-em-phu-nu-bi-quyet-ghen-dung-cach-de-giu-chong

2. Đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm

Số lượng và mật độ cơn ghen không hề nói lên tình yêu của bạn với chồng và trách nhiệm với gia đình. Nó chỉ biến bạn thành một người đàn bà ghê gớm và bất lực, chỉ ăn rồi “chực chờ” sơ hở của chồng để… ghen tuông!

Chính vì thế, thay vì chăm chăm quan sát tất cả mọi thứ xung quanh để ghen, ghen với từ cô đồng nghiệp của chồng đến người bạn học cũ, ghen từ chị bán hàng hay vui vẻ buôn chuyện với chồng đến một “bé” nhân viên phục vụ ở nhà hàng, bạn chỉ nên biểu hiện cơn ghen với những người thật sự có “nguy cơ” ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình bạn.

Một nguyên tắc khác cần ghi nhớ là bạn luôn phải giữ thể diện cho chồng, kể cả khi trong lòng bạn đang… ghen. Chẳng hạn, chuyện lên công ty của chồng làm ầm ĩ, hoặc biểu hiện cơn ghen ngay tại một buổi tiệc bên nhà chồng sẽ chỉ khiến tình hình xấu đi, cho dù bạn “đúng” thế nào đi chăng nữa.

>> Bạn nên:

Giữ chuyện ghen là chuyện của riêng vợ chồng. Chỉ nói chuyện với chồng khi bạn nhận ra mình đã thật sự bình tĩnh để có thể phân tích mọi thứ rõ ràng, nhẹ nhàng và làm chủ tình thế. Một số trường hợp đặc biệt, bạn có thể gặp “người thứ ba” nói chuyện, nhưng vẫn tôn trọng nguyên tắc giữ hình ảnh cho mình và cho chồng, cư xử lịch thiệp, không làm ầm lên giữa chốn đông người.

Có những lúc, khi thời điểm không thích hợp hoặc địa điểm không thích hợp, hãy cố gắng kiềm chế những cảm xúc của mình lại để nói chuyện với chồng sau. Việc này tuy khó nhưng khi làm được, bạn sẽ khiến chồng thật sự nể trọng và có thiện ý lắng nghe.

3. Cư xử đúng mực

Hãy nhớ rõ điều này: Nếu như bạn làm ầm ĩ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, tìm cách nhục mạ, chửi bới “người thứ ba”, bạn đã vô tình đẩy chồng bạn xích lại gần cô ấy hơn, khiến chồng bạn càng muốn đứng ra “bảo vệ, che chở” cho cô ấy trước “sư tử Hà Đông” (là bạn!) hơn.

Không người phụ nữ nào yêu chồng mà không ghen khi thấy một “người thứ ba” xuất hiện. Song, chính cư xử lịch thiệp, có lý có tình, biết phân tích thiệt hơn và luôn bảo vệ danh tiếng cho chồng mới là điều cần làm, mang lại tác dụng tốt.

Đàn ông không dại để vì những tình cảm bên ngoài mà phá vỡ đi một mái ấm gia đình đã dày công gây dựng. Đàn ông càng không dại để từ bỏ người vợ chính thức, luôn thể hiện trí tuệ, văn hóa và sự hiểu biết trong mọi ứng xử. Sự tinh tế và nhã nhặn của bạn là điều mà cả “người thứ ba” lẫn chồng bạn cảm thấy e sợ nhất (vì nó thể hiện bản lĩnh, kỹ năng xử lý tình huống, sự nghiêm túc, sự nhẹ nhàng nhưng cương quyết của bạn).

Hãy giữ hình ảnh của mình luôn đẹp trong mắt chồng và những người thân trong gia đình chồng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi chăng nữa!

mach-nuoc-chi-em-phu-nu-bi-quyet-ghen-dung-cach-de-giu-chong

4. Điều chỉnh từ bản thân mình

Khi ghen, toàn bộ tâm trí bạn đổ dồn vào việc “điều tra” chồng và người thứ ba. Song, nếu bạn thật sự muốn làm chủ tình hình và thật sự muốn giữ lại mái ấm của mình thì việc nên làm đầu tiên là bình tĩnh nhìn nhận lại và điều chỉnh những thiếu sót của bản thân.

Người xưa dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Việc chịu nhìn lại bản thân trước, chịu thay đổi trước sẽ thể hiện rõ thiện ý của bạn, đồng thời giúp bạn tự tin hơn vào bản thân mình, luôn đứng vững trên đôi chân của mình cho dù có sóng gió nào phía trước.

Hãy đặt những câu hỏi như: Mình đã làm tốt vai trò của người vợ chưa? Mình đã chu toàn việc nhà? Mình đã dành đủ thời gian cho chồng con chưa hay luôn đi sớm về trễ vì công việc? Mình đã chăm chút cho ngoại hình bản thân hay để mình nhếch nhác suốt nhiều năm nay từ lúc có con? Mình đã hiểu chồng và quan tâm nhiều đến anh chưa, hay luôn để anh phải tìm bạn bè tâm sự mỗi khi có chuyện không vui?

Nhiều người cho rằng: “Ủa, anh ta mới là người có lỗi! Sao tôi lại phải đi tự trách mình hay tự điều chỉnh mình?”. Nhưng bạn biết không, việc làm này bao giờ cũng mang lại lợi ích lớn. Nó giúp chính bạn bình tĩnh hơn, thấy được giá trị của mình, hiểu mình đang có gì trong tay, hiểu mình đã tích cực như thế nào để giữ gìn mái ấm gia đình… Tin đi, nó không khiến bạn “thấp kém” hơn vì nhún nhường. Nó chỉ giúp bạn nâng cao giá trị của mình với gia đình và anh xã!

>> Bạn nên:

– Chăm chút lại bản thân, làm mới chính mình. Khi bạn thấy mình xinh đẹp hơn, tâm hồn bạn sẽ nhẹ nhàng hơn, tự tin hơn.

– Chăm chút lại mái ấm. Mua vài chậu hoa mới, thay đổi tấm drap trải giường, trang trí lại một chút cho căn nhà. Điều này mang đến sinh khí mới cho gia đình bạn.

– Chăm chút lại bữa cơm gia đình. Nếu chồng không về ăn thì đó là chuyện của anh ấy. Về phía bạn, cứ thực hiện thật tốt bổn phận của một người phụ nữ: Nấu những món ăn ngon (dù chỉ có mấy mẹ con ăn với nhau đi chăng nữa).

Nên nhớ, tất cả những việc bạn làm trong lúc này để cải thiện mình và cải thiện cuộc sống gia đình đều sẽ được chồng âm thầm quan sát và chú ý.

5. Tập trung giải quyết với chồng, chứ không phải là “đối thủ”!

Phụ nữ thường hay thích… làm khổ phụ nữ! Hầu hết phụ nữ khi biết chồng có chuyện gì đấy “ngoài chồng ngoài vợ” bên ngoài thì lập tức tìm cách để “giải quyết” đối thủ (người thứ ba) kia.

Tuy nhiên, có một thực tế bạn phải nhìn nhận rằng: Chuyện này là chuyện giữa vợ chồng bạn. Nếu chồng bạn thật sự hối lỗi, thật sự muốn ngừng lại, thật sự biết nhìn ra rằng gia đình mới là những gì quan trọng nhất thì không ai có thể “kéo” anh ấy đi!

Hãy nhớ, chồng bạn không phải là một “đứa trẻ con” để bị một “kẻ thứ ba” nào đó… dụ dỗ(!). Nút thắt là ở anh ấy. Một khi chồng không chịu hiểu vấn đề, không coi trọng vợ con thì không có người thứ ba này, anh ấy cũng sẽ có người thứ tư, người thứ năm… khác mà thôi. Ngược lại, một khi anh ấy đã quyết tâm sửa đổi, sẽ chẳng có ai khác xen vào được.

>> Bạn nên:

Đừng dành quá nhiều thời gian bực tức và khủng hoảng tinh thần vì người thứ ba, dù việc này đúng là rất khó. Hãy bình tĩnh nói chuyện với chồng. Lắng nghe chồng nói trước, thay vì chỉ ầm ĩ trách móc đủ điều. Khi vợ chồng nói rõ ràng được với nhau, bạn sẽ thấy hiểu anh ấy hơn, hiểu vấn đề một cách đúng mực hơn, từ đó sẽ có quyết định đúng đắn hơn.

Lưu ý rằng đừng tập trung quá nhiều để nói đến chuyện đã qua, đến lỗi lầm của chồng mà hãy tập trung để nói đến chuyện sắp tới, đến cách giải quyết vấn đề và hướng đi sắp tới của gia đình. Thể hiện rõ sự nhẹ nhàng nhưng cương quyết của bạn, đừng khóc lóc, đừng đòi sống đòi chết. Cách ghen “bình tĩnh” của bạn lúc này có thể khiến anh xã bạn nghiêm túc nhìn lại toàn bộ vấn đề và có những cải thiện tốt nhất cho tình hình đấy!

Biết tha thứ và tin tưởng

Khi đối phương đã nhận ra sai lầm của mình, hãy tha thứ và mở lòng lại lần nữa. Xây dựng lòng tin đòi hỏi tình cảm sâu sắc và sự tế nhị từ hai phía. Đừng bao giờ để những câu tra khảo của mình dồn anh ấy vào chân tường. Đừng để tình hình sau khi mọi thứ đã giải quyết xong ngày càng trở nên ngột ngạt, tồi tệ thêm chỉ vì bạn không thể mở lòng và không thể cho qua chuyện cũ. 

Tags:

Bài viết liên quan