Mẹ&Con – Mặc dù nhiệt miệng là một tổn thương lành tính, có thể tự lành sau 7 – 10 ngày, thế nhưng mẹ không nên chủ quan bỏ qua cách trị nhiệt miệng cho trẻ, vì nếu bỏ qua, trẻ hay quấy khóc, biếng ăn dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
Như mẹ biết, nhiệt miệng là hiện tượng tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc nướu răng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống hàng ngày. Biểu hiện là bị sốt, viêm loét vùng niêm mạc bởi các vết thương nông. Với trẻ em cũng thế.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng có thể là do:
– Chức năng miễn dịch suy giảm, sức đề kháng kém
– Tổn thương niêm mạc miệng do tay cào vào hay khi vệ sinh miệng cho bé, mẹ sơ ý gây tổn thương
– Vệ sinh khoang miệng không đảm bảo, chẳng hạn mẹ ít rơ lưỡi cho bé hay không rơ lưỡi, lợi khi ăn xong
–Tình trạng dị ứng thức ăn, đồ uống…
Vậy phải làm gì khi trẻ bị nhiệt miệng?
Dưới đây là những cách trị nhiệt miệng cho trẻ vô cùng hiệu quả mà mẹ nên áp dụng nhé:
1. Đảm bảo vệ sinh răng miệng cho trẻ
Phụ huynh nên rơ lưỡi hàng ngày cho con khoảng 2-3 lần với nước muối sinh lý ấm và đồ rơ lưỡi chuyên dụng. Việc này làm giảm sự tấn công của vi khuẩn, vi rút, đồng thời sát trùng vị trí bị nhiệt miệng, làm lành các tổn thương nhanh chóng hơn. Ngoài ra, sau mỗi bữa ăn của bé hay khi bé bú mẹ xong, mẹ nên vệ sinh lại lợi, khoang miệng của bé 1 lần nữa.
2. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé
Mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm, hoa quả tươi giàu vitamin C trong khẩu phần ăn của trẻ để tăng sức đề kháng, làm lành tổn thương và hạn chế tình trạng bị tái lại. Với những bé còn bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước ấm và đảm bảo chế độ dinh dưỡng của mình để duy trì nguồn sữa chất lượng.
3. Sử dụng những nguyên liệu tự nhiên để làm thuốc
- Mật ong: Mật ong có tính chất chống vi khuẩn, vì vậy nó giúp làm lành vết loét nhanh hơn. Cách thực hiện đơn giản là mẹ dùng ngón tay sạch của mình bôi một chút mật ong lên trên vết loét ở miệng cho con. Lưu ý là không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ra ngộ độc.
- Lá húng quế: Cho bé nhai 2-3 lá húng quế để làm giảm đau và làm dịu các vết loét trong miệng. Ngoài ra, lá húng quế còn có thể giúp điều trị ho, cảm lạnh, sốt… ở trẻ.
- Cam thảo: Cho một chút cam thảo vào nồi nước và đun sôi lên để tinh chất trong cam thảo thấm vào nước. Sau đó lấy nước cho con uống 4-5 lần/ ngày để đem lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, mẹ cũng có thể làm hỗn hợp bột cam thảo với mật ong và bôi trực tiếp vào vết thương của con.
Trên đây là những kiến thức về vấn đề nhiệt miệng cũng như cách trị nhiệt miệng cho trẻ sao cho hiệu quả nhất mà mẹ có thể áp dụng. Hy vọng rằng thông qua chia sẻ này, mẹ có thêm được những kiến thức hay để chăm sóc tốt cho gia đình thân yêu của mình.