Mẹ và Con - Thói quen trì hoãn là một tích cách xấu nhưng lại rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Nếu bé yêu có những biểu hiện của thói quen này, bố mẹ nên làm gì để giúp con?

Trong hành trình nuôi nấng, chăm sóc con cái, chắc hẳn sẽ có những lúc bạn cảm thấy bực bội với thói quen trì hoãn ở con. Lúc này, quát mắng hay trách phạt chưa chắc là một cách xử trí đúng mà ngược lại còn có thể gây nên tác dụng ngược, khiến con bướng bỉnh hơn…

Yếu tố nào dẫn đến thói quen trì hoãn ở con?

Không biết cách thực hiện

Khi không biết cách làm một công việc, người lớn thường tự mày mò hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng trẻ em thì không giống vậy. Bé có xu hướng né tránh, trì hoãn, lẩn tránh làm việc nhà, học bài hoặc các nhiệm vụ được giao vì không biết cách thực hiện. 

Ỷ lại vào bố mẹ

Sau nhiều lần trì hoãn, bé nhận ra bố mẹ sẽ làm hộ mình sau đó nên hình thành thói quen trì hoãn để có thể ỷ lại, lười biếng, thích nhờ vả vào người khác. Bên cạnh đó, khi dọa phạt bé mà sau đó không thực hiện như đúng lời nói thì chỉ khiến bé trì hoãn các nhiệm vụ được giao. 

Khi bé tỏ ra lười biếng, trì hoãn, bố mẹ hãy đưa ra những hình phạt thỏa đáng để con biết rằng lời nhắc nhở của phụ huynh không phải nói suông. Ngoài ra, nhiều trẻ biết ăn vạ khi bố mẹ giao việc nên phụ huynh cần cứng rắn, không chiều theo nhé!

Bị xao nhãng

Trẻ nhỏ rất ham chơi và khả năng tập trung ngắn nên con dễ bị thu hút bởi những việc thú vị hơn. Chẳng hạn như, tivi và trò chơi điện tử luôn vui hơn việc làm bài tập về nhà. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen trì hoãn, ngay cả khi không có việc thú vị hơn để làm.

Bố mẹ nên lên kế hoạch học tập vui chơi cho con để tránh giao nhiệm vụ vào thời gian giải trí của trẻ. Hãy nói với con rằng vào thời gian học tập, mọi nhiệm vụ bên lề đều không được chấp nhận. 

thói quen trì hoãn

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp vì bị ngắt quãng vui chơi, trẻ có thể không trì hoãn nhưng làm việc thiếu tập trung. Ví dụ, bé đang xem tivi, chương trình yêu thích chưa hết nhưng đến giờ bé phải học tập. Nếu lúc này, mẹ bắt con tắt tivi luôn thì con sẽ rất buồn, cáu giận hoặc làm việc lề mề. Lúc này, phụ huynh có thể linh hoạt thời gian để bé xem nốt chương trình mình yêu thích trước khi bắt đầu việc học. 

Sợ thất bại

Thói quen trì hoãn có thể xuất phát từ việc bé yêu sợ thất bại. Đừng nghĩ bé còn nhỏ thì bé không sợ thất bại nhé. Cũng như người lớn, trẻ cũng sợ không thể làm tốt, sợ bị phê bình với những nhiệm vụ không nằm trong thế mạnh của con.

Nhiệm vụ của bố mẹ lúc này là khích lệ, thúc đẩy bé, hãy nói với con rằng thất bại là hoàn toàn bình thường trong cuộc sống, điều quan trọng là bé đã học được gì từ thất bại. 

Quản lý thời gian kém

Quản lý thời gian là một kỹ năng cần trau dồi và luyện tập. Với trẻ nhỏ, việc tự quản lý thời gian còn khó khăn, nhiều bé xem nhẹ thời gian làm nhiệm vụ nên thường bỏ qua hoặc đợi sát nút mới thực hiện. Điều này sẽ hình thành thói quen trì hoãn công việc nếu không sửa sớm. Để giúp trẻ thay đổi, bạn nên dạy con cách quản lý thời gian từ nhỏ.

Cách loại bỏ thói quen trì hoãn

Hướng dẫn thực hiện công việc rõ ràng

Vì trẻ không biết cách làm nên trẻ dễ sinh ra thói quen trì hoãn. Do đó, nếu bố mẹ muốn giao nhiệm vụ cho con, hãy chỉ dẫn từng bước cho bé, nêu rõ bố mẹ muốn bé làm gì và làm như thế nào. Nếu bé gặp khó khăn khi làm bài tập về nhà, bạn có thể giảng nhưng không nên làm hộ. 

làm việc nhà

Chấp nhận thất bại

Với những bé có thói quen trì hoãn do sợ thất bại thì phụ huynh nên chủ động tâm sự và chia sẻ để giảm nhẹ tâm lý cho con. Hãy động viên cho con hiểu rằng, chỉ cần con làm nghĩa là đang tăng cơ hội thành công. Còn nếu mãi trì hoãn không làm thì con sẽ mãi là kẻ thất bại. 

Dạy trẻ tự quản lý thời gian

Phụ huynh cần chủ động nói với con hiểu rằng: Thời gian trong ngày của ai cũng đều rất hữu hạn mà việc cần làm thì quá nhiều. Để hoàn thành ổn thỏa hết tất cả các công việc thì bé cần có kế hoạch phân bố thời gian hợp lý cho từng công việc. Chẳng hạn như cuối tuần này bé đi du lịch cùng gia đình thì con cần hoàn thành bài tập mỗi ngày một ít để không bị dồn bài. Khi bố mẹ nhẹ nhàng bảo với con như vậy, trẻ sẽ hiểu và bằng lòng thực hiện theo.

Chỉ ra tác hại của thói quen trì hoãn

Nói với trẻ về những tác hại của thói quen trì hoãn. Để thực hiện cách này có hiệu quả thì phụ huynh phải duy trì mối quan hệ tốt và có một cách nói thuyết phục với trẻ. Theo thời gian thì những gì bố mẹ nói cũng sẽ mang lại kết quả nhất định. Kết hợp với những việc làm trên thì trẻ dần dần thay đổi và khắc phục thói quen trì hoãn của bản thân. 

bí quyết nuôi dạy con

Ngăn chặn tâm lý ỷ lại

Tâm lý ỷ lại ở trẻ luôn bắt đầu từ chính những hành động của người lớn nên phụ huynh và những người xung quanh cần thay đổi cách cư xử và giáo dục trẻ tự lập. Hạn chế việc giúp đỡ con quá nhiều mà thay vào đó để con tự làm. 

Để trẻ tự làm không có nghĩa là bỏ mặc, không quản, không quan tâm bé làm gì. Thay vào đó, hãy luôn theo sát con, khi bé gặp khó khăn thì chỉ dẫn để tự con tư duy, suy luận cách làm. Điều này sẽ giúp con mạnh mẽ và tự lập hơn. 

Loại bỏ thói quen xao nhãng

Trong một xã hội hiện đại có quá nhiều thú vui cám dỗ, dạy trẻ loại bỏ tính xao nhãng để khắc phục thói quen trì hoãn nghĩa là bạn đang dạy trẻ về việc sắp xếp thời gian cho việc giải trí với tivi, game, điện thoại…sao cho hợp lý. Điều này không phải là dễ dàng bởi ngay cả phụ huynh cũng bị cuốn hút bởi những thú vui giải trí đó. Bố mẹ cần xác định đây là cả một hành trình để loại bỏ thói quen xao nhãng, trì hoãn nên cần kiên trì và nghiêm khắc với bản thân để làm gương cho bé. 

Lên kế hoạch thực hiện công việc

Lên kế hoạch thực hiện công việc giúp bạn kiểm soát hoạt động của bé tốt hơn. Đôi khi, bạn giao việc khi vắng nhà và lo lắng rằng nếu không ai thúc giục thì bé sẽ không làm. Nếu nghĩ như vậy, một bảng kế hoạch thực hiện công việc cụ thể cho con sẽ rất hữu ích cho bạn đấy. Điều này còn giúp trẻ hình thành thói quen làm việc đúng deadline sau này.

thói quen trì hoãn ở trẻ em

Thói quen trì hoãn là một thói quen xấu và có thể ảnh hưởng đến học tập, công việc, cuộc sống của con sau này. Do đó, hãy cùng con tập luyện thói quen để có thể “bye bye” thói quen này và thay vào đó là những hành vi, thái độ tốt hơn bạn nhé!

 

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.