Mẹ&Con - Bên cạnh sữa công thức, sữa từ các loại hạt dinh dưỡng như hạt óc chó, hạnh nhân và các loại sữa từ đậu cũng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tuyệt vời, an toàn cho bé mà mẹ có thể tự tay làm cho con yêu nhâm nhi mỗi ngày. Học mẹ Nhật cách lên thực đơn ăn dặm giàu dinh dưỡng cho bé Vì sao bạn nên bổ sung đu đủ vào thực đơn ăn dặm cho bé Thêm món cá hồi vào thực đơn cho con

1. Hạt sen

Theo Đông y, hạt sen có vị ngọt, tính lành có tác dụng ích tâm, bổ thận, kiện tỳ, dưỡng tâm, ích trí tốt cho sự phát triển thần kinh và trí não của thai nhi và trẻ nhỏ.

Trong 100g hạt sen chứa 350 calo, 63-68g carbohydrate, 17-18g protein, 1,9-2,5g chất béo bão hòa, còn lại là các thành phần khác như: nước (13%), khoáng chất (natri, kali, canxi, phốt pho).

Bên cạnh những món ăn quen thuộc, hạt sen còn có thể chế biến thành nhiều món sữa thơm ngon. Sữa hạt sen có tác dụng chữa chứng tiêu hóa yếu, hấp thu kém, trẻ biếng ăn, ăn nhiều nhưng chậm lớn… giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh hơn.

Công thức làm sữa hạt sen

Chuần  bị: 200g hạt sen, 500ml nước lọc

Cách làm: Hạt sen ngâm trước 1 tiếng cho mềm, sau đó đem nấu sôi cho đến hạt sen chín mềm. Chờ cho hạt sen nguội bớt, cho vào máy xay nhuyễn mịn. Sau đó lọc bỏ bã, thêm đường (đường phèn hoặc đường thốt nốt) tùy khẩu vị. Ngoài ra, có thể nấu sữa hạt sen cùng với hạt bí hoặc hạt mè đen để tăng thêm hương vị giúp bé uống ngon hơn.

Mách mẹ 7 món sữa từ hạt bổ dưỡng cho bé 7

Sữa hạt sen. (Ảnh minh họa)

2. Hạt óc chó

Trong tất cả các loại hạt, hạt óc chó được mệnh danh là “hạt trường thọ” hay “hạt muôn đời” bởi giá trị dinh dưỡng cao.

Trong đó phải kể đến hàm lượng Omega-3 dồi dào có trong hạt óc chó, rất có lợi cho phát triển trí não của bé, giúp trẻ thông minh và nhanh nhẹn hơn. Không chỉ vậy, các thành phần nguyên tố vi lượng như kẽm, mangan, crom, phốt pho…  trong hạt óc chó còn giúp xương và răng chắc khỏe, giúp bé cao lớn hơn cũng như phòng tránh được các bệnh do xương khớp gây ra.

Đặc biệt hơn, các món ăn hay sữa được làm từ hạt óc chó còn có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bé, giúp bé chống lại các bệnh như tim mạch, tiểu đường, trầm cảm và ung thư.

Công thức làm sữa óc chó

Chuẩn bị: 6 quả óc chó, 20g đậu nành, 10 quả táo tàu, 3g câu kỷ tử

Cách làm: Ngâm đậu nành trong nước cho đậu mềm, sau đó rửa sạch. Táo tàu, kỷ tử rửa sạch. Quả óc chó bỏ vỏ, rửa sạch. Cho tất cả nguyên liệu vào máy làm sữa đậu nành, thêm nước. Bật chức năng làm sữa, nấu khoảng 20 phút. Dùng rây lược lấy nước, bỏ phần xác. Cho sữa vào bình và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

3. Hạt hạnh nhân

Thành phần dinh dưỡng của hạt hạnh nhân rất phong phú, từ protein, chất béo, vitamin C, vitamin P, vitamin E cho đến các nguyên tố vi lượng như magie, mangan, phốt pho và sắt. Ngoài ra, hạnh nhân cũng có chứa một lượng phong phú của canxi, kali, kẽm cũng như các vitamin B1, vitamin B3 và vitamin B9. Đó là lý do vì sao hạt hạnh nhân được xếp vào top những thực phẩm tốt cho mẹ bầu và trẻ nhỏ đến vậy.

Mách mẹ 7 món sữa từ hạt bổ dưỡng cho bé 8

Sữa hạnh nhân. (Ảnh minh họa)

Công thức làm sữa hạnh nhân

Chuẩn bị: 2 chén hạnh nhân khô (không ướp muối), 1.2 lít nước lọc

Cách làm: Ngâm hạnh nhân qua đêm, sau đó rửa sạch vài lượt với nước, để ráo. Cho hạnh nhân vào máy xay, thêm nước và xay nhuyễn. Lọc bỏ phần bã, cho sữa hạnh nhân vào chai, bảo quản trong tủ lạnh để uống dần. Lưu ý, thời hạn bảo quản sữa hạnh nhân không quá 4 ngày mẹ nhé!

4. Hạt đậu phộng

Đậu phộng là thực phẩm chứa nhiều protein và các axit amin. Theo nhiều nghiên cứu, trong hạt đậu phộng có đến 10 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt đây còn được cho là thực phẩm tốt cho trí não. Lý do là bởi nguồn vitamin B3 và chất niacin chứa trong đậu phộng không chỉ có nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn có tác dụng cải thiện chức năng bộ não và thúc đẩy hoạt động trí nhớ.

Vì vậy, để giúp bé phát triển khỏe mạnh và thông minh mẹ nên cho trẻ ăn đậu phộng thường xuyên. Hoặc mẹ có thể nấu đậu phộng thành sữa cho bé uống xen kẽ với nước lọc hàng ngày nhé!

Cách làm sữa đậu phộng

Chuẩn bị: 300g đậu phộng, 200ml sữa tươi không đường, 300ml nước lọc

Cách làm: Luộc đậu phộng trong khoảng 15 phút, sau đó đãi vỏ thật sạch. Xay nhuyễn đậu với nước rồi lọc qua rây 1-2 lần để lấy phần sữa và bỏ bã. Đun sôi phần sữa đậu vừa lọc với sữa tươi. Thêm ít đường. Đun cho đến khi thấy phần sữa mịn và có mùi thơm là được.

5. Sữa từ các loại đậu khác

Mách mẹ 7 món sữa từ hạt bổ dưỡng cho bé 9

Sữa từ các loại đầu là món ngon bổ dưỡng cho bé. (Ảnh minh họa)

Các loại hạt bao gồm đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh… có chứa các thành phần dinh dưỡng được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật. Đặc biệt các loại hạt này có chứa một lượng chất sắt không nhỏ, giúp cải thiện chứng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em.

Ngoài ra, trong các loại đậu còn cung cấp nhiều protein, canxi, kali, kẽm, magie, folate… và những dưỡng chất thiết yếu khác tốt cho sức khỏe và trí thông minh của trẻ.

Mẹ có thể bổ sung đậu cho trẻ bằng cách pha chế thành các loại sữa riêng biệt hoặc pha trộn các loại bột đậu lại với nhau cho trẻ uống. Cách nấu sữa từ đậu không khó, mẹ có thể tham khảo một số công thức dưới đây:

Sữa đậu nành

Chuẩn bị: 300g đậu nành, 120g đường phèn, 1,5l nước

Cách làm: Ngâm đậu nành trước khi nấu cho đậu mềm. Sau đó, vo sạch, loại bỏ hết lớp vỏ bên ngoài. Cho đậu nành vào máy xay nhuyễn. Sau khi xay xong, đổ hỗn hợp vào  một túi vải để lọc lấy nước bỏ bã. Đem sữa đun sôi, khi nồi sữa vừa sôi, vặn nhỏ lửa, thêm đường phèn, khuấy đều cho đường tan hết. Tiếp tục đun, khi sữa sôi trở lại thì tắt bếp. Đợi sữa nguội thì đổ sữa vào chai bảo quản trong tủ lạnh.

Sữa đậu xanh và hạt bí

Chuẩn bị: 300g đậu xanh, 150g hạt bí, 1,5 lít nước lọc

Cách làm: Ngâm đậu xanh và hạt bí vài tiếng cho mềm. Đãi vỏ đậu và rửa lại thật sạch. Cho hạt bí và đậu xanh vào nồi nấu chung. Khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa, đun đến khi đậu xanh mềm thì tắt bếp. Cho tất cả vào máy xay, cho thêm nước ấm vào cho đủ 1 lít nước, xay kỹ cho thật nhuyễn. Lọc qua rây để lấy phần sữa. Có thể thêm đường, vani cho tăng hương vị giúp bé uống ngon hơn.

Sữa đậu đỏ

Chuẩn bị: 200g đậu đỏ, 500ml sữa tươi không đường, lá dứa

Cách làm: Ngâm đậu qua đêm cho mềm, sau đó đem xay đậu với 0,5 lít nước. Cho hỗn hợp đậu đã xay vào vào nồi đun sôi cùng với sữa tươi. Khi nước sôi, cho lá dứa vào để tạo hương. Cho sữa vào bình bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để uống dần.  Khi uống có thể pha thêm ít đường cho ngon hơn.

Lưu ý khi cho trẻ uống sữa hạt

Theo các chuyên gia, Sự tăng truỏng của trẻ nhỏ rất quan trọng nên trong chế độ ăn cần cung cấp đủ đạm, khuyến nghị 70% đạm có nguồn gốc đông vật và 30% có nguồn gốc thực vật. Do đó sữa các loại hạt chỉ nên dùng làm thức ăn bổ sung và cần lưu ý một vài điều sau:

Do lượng đạm trong 75ml sữa hạt = 50ml sữa bò. Nên mẹ cần tăng thêm lượng đạm có nguồn gốc động vật bằng cách bổ sung các loại thịt, cá, trứng, tôm, cua vào trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Tăng thêm thực phẩm giàu vitamin B2, B12.

Một số bé dị ứng với các loại hạt nên cũng cần cẩn trọng

Sữa đậu nành có ảnh hưởng đến phát triển giới tính của trẻ trai hay ko vẫn còn nhiều tranh cải.

Đối với những trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng trước khi cho trẻ uống sữa hạt, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho trẻ. 

Tags:

Bài viết liên quan

thực đơn cho bé 7 tháng

Mách mẹ thực đơn cho bé 7 tháng khỏe mạnh, tăng cân đều

Mẹ và Con - Khi trẻ đến giai đoạn ăn dặm là điều vui mừng khôn siết, vì trẻ đã phát triển đến cột mốc mới. Tuy nhiên, khi bước qua bất kỳ cột mốc nào cũng khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Đặc biệt là giai đoạn trẻ ăn dặm. Nếu bạn đang đau đầu vì không biết lên thực đơn cho bé 7 tháng như thế nào hãy tham khảo ngay thực đơn sau đây nhé!