Nỗi khổ của người gặp phải một anh chồng hay cô vợ chuyên… bàn ra hẳn chỉ có người trong cuộc mới thấu!
Cái gì cũng bàn ra!
Cưới nhau hơn 4 năm, nhưng chưa khi nào anh Huân – chị Nguyệt bàn chung được bất kỳ việc lớn nhỏ gì. “Tính ảnh rất lạ. Nếu tôi định làm cái gì chưa đúng, ảnh bàn bạc, ngăn cản, không đồng ý thì nói làm gì. Đằng này lúc nào ảnh cũng bàn ra chỉ đơn thuần vì… mệt, không muốn suy nghĩ nhiều. Tôi muốn tổ chức cho cả nhà đi Vũng Tàu, ảnh gạt ra: “Thôi đi làm gì, vừa tốn tiền vừa đông đúc”. Tôi tính đi làm lại sau khi nghỉ sinh và chăm con thời gian dài, ảnh bảo: “Hiện tại có cái gì không ổn không mà em đòi thay đổi?”, chị Nguyệt ấm ức.
Quả thực, thoạt nghe vài ba cái “bàn ra” thì người ngoài vẫn tặc lưỡi bảo: “Có gì đâu, thì từ từ vợ chồng bàn tính với nhau!”. Song, nếu là người trong cuộc, chung sống 4 năm mà không thể làm cái gì “chung”, không bao giờ thấy chồng hào hứng ủng hộ bất kỳ ý tưởng nào của mình để mong làm gia đình hạnh phúc hơn lên, mới cảm nhận hết nỗi chán chường của chị.
Ở vào một tình trạng na ná, gia đình chị Tuyến – anh Lâm cũng lắm phen mệt mỏi với chuyện một người thích… bàn vô, một người lại “chuyên trị”… bàn ra! Anh Lâm lắc đầu khi nói đến vợ mình: “Tôi không hiểu tại sao cô ấy lại như thế. Chưa cần biết sẽ bàn chuyện gì với vợ, tôi đã có thể hình dung mình sẽ nhận được câu trả lời đầu tiên là: Thôi anh, đang yên đang lành bày vẽ làm gì. Tôi bàn sửa nhà, cô ấy nói vầy là được rồi. Tôi muốn hùn hạp với bạn bè làm ăn, cô ấy nói mấy ổng chỉ có bày cách gạt tiền của anh thôi. Cứ vậy, riết rồi tôi nản, không muốn bàn bạc với vợ bất kỳ chuyện gì nữa. Chuyện gì tôi thấy nên làm thì cứ âm thầm làm. Chuyện gì cô ấy thích làm thì cứ tự quyết định làm. Nói ra chỉ mệt mỏi nhau thêm!”.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi (Nhà văn hóa Phụ Nữ), người có tính hay “bàn ra” thông thường là người hơi thụ động, thiếu quyết đoán, ít có chính kiến và ngại thay đổi. Điều này phần nhiều bắt nguồn từ môi trường sống hoặc môi trường làm việc. Có những người, quanh năm làm một vị trí nhỏ ở nơi công sở, ngại đụng chạm, lúc nào cũng chỉ muốn “sáng cắp ô đi, tối cắp về” thành… quen. Họ đem áp dụng chính cách “phản ứng” này vào cuộc sống gia đình. Hễ nghe các thành viên khác bàn một việc gì, thì ý nghĩ đầu tiên trong đầu họ sẽ là gạt đi, không muốn nói nhiều, không muốn nghĩ tới, chỉ muốn “yên ổn” trong mọi thứ y như cũ. Tuy nhiên, chính điều này vô tình sẽ khiến người bạn đời dễ trở nên chán nản, mệt mỏi, thấy mình thiếu đi sự “tâm đầu ý hợp”, sự khuyến khích động viên.
Chuyện nhỏ nhưng hệ lụy khó lường!
“Bàn ra” ban đầu quả thực chỉ là chuyện nhỏ. Song, khi không được vợ chồng nhìn nhận và nỗ lực giải quyết thì dần dần, nó trở thành một rào cản vô hình trong mỗi thành viên của gia đình. Tháng 4/2013, tòa tuyên bố cho vợ chồng anh Tính – chị Nhiên ly hôn. Đáng nói là những tài sản giá trị như nhà cửa, đất đai của hai vợ chồng đã “bốc hơi” theo khoản nợ khổng lồ mà anh Tính gây nên. Ngày ai đi đường nấy, họ hàng vẫn còn tiếc rẻ bảo chị Nhiên: “Sao hồi thấy chồng làm ăn lớn, vay mượn lãi suất cao cắt cổ, con làm vợ mà không khuyên ngăn?”.
Đáp lại, chị Nhiên mới giật mình ngơ ngác, đã chục năm rồi kể từ khi cưới, sau những lần cứ liên tục bàn ra của chị, cản mọi chuyện anh làm thì anh Tính đâm… chán, bảo thôi từ nay chuyện của anh để anh lo, anh sẽ không hỏi gì em nữa. Quả thật là “chuyện anh anh lo”, chị hoàn toàn không biết gì cho đến khi trắng tay, gia đình sụp đổ.
Phân tích về những hệ lụy của chuyện hay bàn ra, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi nói thêm: “Kết hôn rồi thì không ai gần gũi mình nhiều như người chồng, người vợ. Tâm lý chung, ai cũng mong chia sẻ hết mọi khó khăn trong cuộc sống với bạn đời, để có được sự đồng lòng, có được sự khuyến khích, có được những phân tích sáng suốt và hiểu mình nhất, để mọi thứ ngày một tốt hơn. Khi gặp phải một người bạn đời chuyên thích… bàn ra, ít quan tâm đến tâm lý người kia, chỉ đơn thuần là ngại thay đổi, từ từ người kia sẽ chán. Chán nên không nói nữa. Chán nên tự mình làm. Chán nên có thể phạm không ít sai lầm mà không có được một lời bàn bạc, phân tích kịp thời nào để nhìn lại. Và ngay cả trong trường hợp không có thiệt hại lớn như chuyện gia đình của anh Tính – chị Nhiên, thì mối quan hệ vợ chồng cũng trở nên lỏng lẻo dần sau những lần thiếu hợp tác đó. Không phải vô tình mà ông bà xưa gọi người chồng, người vợ của mình bằng hai chữ bạn đời. Bạn đời nghĩa là người đi cùng mình suốt cuộc đời, bên cạnh những yêu thương còn có sự đồng lòng, cảm thông, chung chí hướng…”.
Vậy, sửa tính hay “bàn ra” của vợ hoặc chồng có khó không? Câu trả lời là khó. Khó, nhưng không có nghĩa là không làm được. Theo chuyên gia Nguyễn Thị Mùi, ngồi xuống nói thẳng thắn cho nhau biết những suy nghĩ của mình là việc cần làm. Hãy nói rõ rằng mình mong muốn có được những ý kiến, những suy nghĩ, những cách giải quyết hay từ chồng hoặc vợ, để cuộc sống gia đình nhiều niềm vui hơn.
Ngoài ra, cũng không nên vội nản lòng vì những câu bàn ra. Chị Thúy (Quận 7) chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình: “Khi tôi nói sẽ mở một quầy hàng nhỏ để bán ở nhà, như mọi khi, chồng lập tức bảo: Thôi… Nhưng tôi không dừng ở đó, tôi hỏi chồng lý do gì anh không muốn tôi làm, hễ anh nói ra cái nào thì tôi phân tích tiếp tới cái đó. Nói một hồi thì anh ấy đuối lý và thừa nhận chuyện mở quầy hàng bán có vẻ hay và khả thi. Cứ phải như vậy mới tập được cho chồng bỏ kiểu bàn ra. Thêm nữa, với công việc gia đình, tôi cũng hay nhờ cụ thể, một cách tin tưởng chồng như: Em thấy cái bếp nhà mình chật quá. Anh thấy có cách sửa chữa nào hay không? Thấy mình tin tưởng và giao phó việc, chờ nghe ý kiến của ảnh, ảnh cũng bớt thụ động, chịu suy nghĩ và chịu bàn bạc những giải pháp với vợ. Khó lắm để thay đổi tính cách một người. Nhưng nếu kiên trì, thì mười lần bàn ra cũng sẽ giảm bớt được đôi ba lần, để vun đắp thêm sự đồng vợ đồng chồng như ao ước…”.