Mẹ&Con - Cưới nhau 3 năm, đã kịp có với nhau một đứa con trai hơn 1 tuổi, thế nhưng chị Hạnh N. (Quận 11) vẫn đùng đùng nộp đơn ra tòa, xin đơn phương ly dị. Lý do chia tay của chị có thể gây bất ngờ với tất cả những ai từng quen biết đôi vợ chồng này: Chia tay đơn giản chỉ vì… vợ không chịu nổi tính 'xài sang' của anh chồng trẻ nữa!!! Bí quyết chọn mỹ phẩm tốt và tiết kiệm trong mùa Tết Những thói quen phung phí tiền bạc nên từ bỏ ngay hôm nay Học cách tiết kiệm thời lạm phát

“Có bao nhiêu ảnh… xài hết bấy nhiêu!”

Ấm ức lau nước mắt, chị Hạnh N. chia sẻ: “Vợ chồng cưới sớm, khi mới tốt nghiệp ra trường. Cả hai đều gia cảnh trung bình, lại từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp, hai bàn tay trắng, cưới nhau xong cuộc sống mới thiếu thốn đủ điều. Thế nhưng, tôi chịu hết nổi khi tôi cố tằn tiện chi tiêu, dành dụm từng đồng để nghĩ đến tương lai xa hơn thì ảnh cứ thoải mái xài sang, thích mua cái gì là dồn hết tiền vô mua dù đó chỉ là món đồ chơi giải trí…”.

Năm đầu chật vật với cảnh chồng chi xài kiểu “con nhà quan”, có bao nhiêu hết bấy nhiêu, nhưng vì còn tình yêu với chồng nên chị càm ràm rồi cũng bỏ qua. Nhưng sang đến năm thứ hai, khi mang thai và sinh đứa con đầu lòng, trong khi tính chồng “vũ như cẩn” thì chị chịu không nổi nữa. “Lương cả hai đều ít mà mỗi tháng ảnh chỉ đưa cho tôi vỏn vẹn 1-2 triệu thì làm sao đủ cơm nước trong nhà, chưa kể còn phải lo cho con. Tôi hỏi thì ảnh nói đi làm chỉ được có bấy nhiêu. Nhưng chỉ cần hỏi han vài người bạn quen, tôi biết ảnh luôn để dành riêng tiền chỉ để mua sắm những thứ đồ chơi công nghệ linh tinh mà anh ấy thích!”.

Đỉnh điểm của nỗi bực tức của chị là khi anh trúng số được một khoản tiền kha khá. Chị chưa kịp mừng, cũng chưa kịp bàn tính xem nên dành dụm ra sao thì anh đã thoải mái… rủ rất đông bạn bè đồng nghiệp đi nhậu một bữa tưng bừng. Khi anh về đến nhà, biết anh dùng đến hơn phân nửa số tiền chỉ cho một bữa nhậu, khao bạn bè “trúng số”, rồi thì kịp sắm cả một chiếc điện thoại iPhone mới cáu, chị nổi giận ẵm con bỏ nhà đi sang nhà bạn và gửi đơn nhất quyết đòi… chia tay!

ly-di-vi-chong-xai-sang

Tâm sự với ban hòa giải của tòa án, chị bộc bạch: “Tôi tức vì tiếc tiền thì ít, mà tức vì cái tính của ảnh thì nhiều. Vợ chồng nghèo, phải biết thương yêu lẫn nhau, tằn tiện suy tính cho cuộc sống lâu dài. Có đâu tính cách như con quan như thế, dư được bao nhiêu xài hết bấy nhiêu. Ảnh tiêu xài như vậy thì thực chất trong lòng ảnh làm gì có nghĩ đến vợ con đâu. Tôi tiếp tục chung sống làm gì khi biết mình sẽ khổ suốt đời vì cái tính vung tay quá trán, chi tiêu chẳng hề tính toán gì hết, chỉ biết nghĩ đến mình chứ chẳng biết nghĩ đến gia đình, vợ con như thế chứ!”.

Khác với hoàn cảnh chị Hạnh N., vợ chồng anh Tuấn – chị Hiền lại nghiêng cán cân “tính nhà quan” về phía… người vợ. Không đến nỗi đòi ly dị, nhưng anh Tuấn vẫn tìm đến chuyên viên tư vấn để nhờ giúp đỡ. Anh bộc bạch: “Là đàn ông, tôi cũng không muốn đo lọ mắm, đếm củ hành, tính toán từng đồng với vợ làm gì. Nhưng người ta nói đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Gia đình có bền vững, khá giả hay không thông thường chính là nhờ khả năng quán xuyến, dành dụm, chắt chiu của người vợ tay hòm chìa khóa. Nhưng ở nhà tôi thì khác hẳn…”.

Cái sự “khác hẳn” được anh kể chính là vợ anh hầu như không hề có khái niệm tằn tiện, để dành. Vợ chồng làm lương cũng kha khá, cộng lại cũng xấp xỉ 18 triệu đồng/tháng, thế mà cưới xong 2 năm trời vẫn không dư được đến… 1 xu. Anh làm bao nhiêu đưa vợ bấy nhiêu, chỉ giữ lại một khoản rất ít để “dằn túi”, cà phê cà pháo với bạn bè. Vậy mà chẳng những không đủ xài, có tháng anh còn phát hiện vợ đi vay, đi mượn của bạn bè, hàng xóm.

“Liệu cơm gắp mắm”: Một kỹ năng rất cần!  

Chia sẻ về chuyện vợ mình, anh Tuấn cười buồn: “Cô ấy mua cái gì cũng chọn thứ thật sang, thật xịn, chẳng cần biết gia cảnh của mình có tương thích hay không. Nệm thì chọn cái trên chục triệu đồng. Dra giường cô ấy mang về bộ cả triệu đồng, trong khi tôi bảo chỉ cần một bộ dra cotton vài trăm ngàn là cũng thích hợp cho nhà mình rồi thì cô ấy không chịu, bảo tôi không biết… tận hưởng cuộc sống. Thức ăn đi chợ, cô ấy thích gì mua nấy, không tính toán, không hề nghĩ xem như thế có quá mức tiền chợ hay không. Có hôm, thấy trông siêu thị có loại cá và loại trái cây nhập khẩu đến cả gần 150 ngàn đồng một hộp bé xíu, cô ấy cũng mua về. Tôi phàn nàn sao không mua cá bình thường, mua những loại trái cây bình thường thôi thì cô ấy bảo tôi đúng là nhà quê, chỉ biết thích những thứ… tầm thường. Giày của cô ấy khoảng chục đôi, áo quần sắm sửa chật tủ, nhưng cứ thấy bạn bè rủ, bảo cái áo kia đẹp lắm, có… 7-8 trăm ngàn đồng à, là cô ấy hí hửng mua ngay. Tôi không tiếc với vợ. Nhưng cái gì cũng phải phù hợp theo hoàn cảnh gia đình. Có ai cưới nhau 2 năm trời không dư được lấy đồng nào không? Cứ vậy rồi tới chừng có con, làm sao lo cho con chứ?”.

ly-di-vi-chong-xai-sang

Theo chuyên gia tâm lý, thật ra, bản thân “tư tưởng” tận hưởng cho hiện tại, sống là sống cho hiện tại của những người chồng, người vợ có “tính nhà quan” cũng không hẳn… xấu. Vì quả thật chính nhờ một chút “thoải mái” ấy mà cuộc sống của họ ít trăn trở lo lắng quá nhiều, có thêm niềm vui, rồi thì biết chăm sóc và chiều chuộng bản thân mình. Tuy nhiên, nếu để “tính nhà quan” này bùng phát một cách thái quá, tạo nên tâm lý ức chế giữa vợ chồng – một bên tằn tiện, một bên vung tay thì chắc chắn là… không nên.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh chia sẻ: “Việc liệu cơm gắp mắm, chi dùng vừa phải, phù hợp với hoàn cảnh của mình, luôn có một khoản phòng xa là điều rất nên làm, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Tuy nhiên, nếu chẳng may vợ chồng quá khác biệt về quan niệm và cách tiêu xài thì nên sớm ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn, chia sẻ những gút mắc với nhau. Có thể chọn cách thống nhất hàng tháng nên dành bao nhiêu phần trăm lương cho sinh hoạt hàng ngày, bao nhiêu phần trăm để dành cho con cái, bao nhiêu phần trăm cho quỹ dự phòng, bao nhiêu phần trăm cho phép chi dùng theo sở thích… Bằng cách ấy, vợ chồng sẽ ít còn hục hặc nhau chỉ vì chuyện khác biệt cách tiêu xài. Mà bản thân mỗi người cũng không cảm thấy quá bức bối vì cuộc sống gia đình, cho rằng sau khi lấy vợ lấy chồng thì mình chẳng còn được nuôi dưỡng bất kỳ sở thích cá nhân nào nữa…”.  

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý, cũng đừng nên quá cực đoan với chuyện phải dành dụm càng nhiều càng tốt. Bởi lẽ, “Thật ra mua một tấm nệm tốt tuy đắt tiền nhưng sẽ đảm bảo giấc ngủ ngon cho cả vợ chồng. Thỉnh thoảng (đừng thường xuyên) gia đình dám… chi mạnh tay thử thưởng thức một món ăn ngon dù hơi đắt tiền cũng vẫn là điều có thể hiểu và có thể thông cảm, thậm chí nên làm. Bởi lẽ những điều mới mẻ đó sẽ khiến cuộc sống gia đình trở nên nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui, thoải mái hơn về tâm lý – không phải lúc nào cũng canh cánh lo nghĩ đến chuyện tiền bạc, dành dụm cho tương lai”.

Lời khuyên ấy có lẽ cả người “con nhà lính” lẫn người “tính nhà quan” đều nên suy ngẫm. 

Tags:

Bài viết liên quan