Sơ sinh là một giai đoạn cần nhận được sự chú ý đặc biệt và quan tâm tinh tế từ bố mẹ để có thể kịp thời nhận ra những tình trạng nguy hiểm, trong đó có thể kể đến là tình trạng trẻ sơ sinh thở nhanh. Cụ thể là gì? Hãy cùng Mẹ và Con điểm qua những thông tin quan trọng về tình trạng này ở trẻ.
Tại sao phải chú ý đến nhịp thở của trẻ?
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, 7% là số trẻ sơ sinh có các rối loạn nghiêm trọng liên quan đến hô hấp. Các rối loạn này thể hiện sớm qua việc thay đổi nhịp thở và công thở – còn gọi là sức thở của trẻ.
Tuy nhiên việc theo dõi các các dấu hiệu cảnh báo sớm về hô hấp lại không phải là điều quá phức tạp. Bạn hoàn toàn có thể phối hợp với các chuyên gia để theo dõi các bé tại nhà và nhận ra đâu là thời điểm mà trẻ cần sự chăm sóc y tế cần thiết.
Trẻ sơ sinh thở nhanh: Cách nhận biết
Ở các bé mới sinh ra, chỉ với tiếng khóc thì làm sao bác sĩ có thể biết được những bất thường của con được nhỉ? Một trong các dấu hiệu cảnh báo ở các bé nhũ nhi mà đặc biệt hữu dụng ở trẻ sơ sinh đó chính là đếm nhịp thở.
Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh
Nhịp thở hay tần số thở của trẻ sơ sinh sẽ dao động xung quanh từ 40 đến 60 nhịp/phút với các trẻ bình thường. Với một nhịp thở được tính là một lần trẻ hít vào và một lần trẻ thở thở ra.
Song hành với sự phát triển hệ hô hấp của trẻ, con số này sẽ có một chút hiệu chỉnh như sau:
- Với các bé từ 1-3 tuổi: nhịp thở dao động từ 24 – 40 nhịp/phút
- Với các bé từ 3-6 tuổi: nhịp thở dao động từ 22 – 34 nhịp/phút
- Với các bé từ 6-12 tuổi: nhịp thở dao động từ 18 – 30 nhịp/phút
- Với các trẻ từ 12 tuổi trở lên: nhịp thở được tính như người lớn 12 – 20 nhịp/phút
Tính nhịp thở để biết trẻ sơ sinh thở nhanh!
Các để biết trẻ thở nhanh hay không tương đối đơn giản. Đó chính là đếm nhịp thở của trẻ trong vòng 60 giây.
Và đây là một số nguyên tắc mà bạn cần biết để xác định đúng nhịp thở của trẻ:
- Bạn sẽ cần một chiếc đồng hồ để theo dõi thời gian.
- Nên chọn thời điểm trẻ ở trạng thái thư giãn và không quấy khóc
- Vén áo của trẻ lên và bộc lộ vùng bụng hay ngực
- Mỗi lần con hít vào (bụng và ngực nhô lên) và thở ra (bụng và ngực hạ xuống) được tính là 1 nhịp.
- Bạn có thể đếm lại 2 – 3 lần để thu được kết quả chính xác nhất
Trông đơn giản thế nhưng để đếm được nhịp thở chính xác của con trong 1 phút sẽ là một bài toán đau đầu cho nhiều bố mẹ khi chưa quen đấy. Tại sao vậy? Câu trả lời là vì trẻ sẽ không phải lúc nào cũng “ngoan ngoãn” cho bạn đếm đâu.
Ngủ, chơi, quấy có làm trẻ sơ sinh thở nhanh?
Nếu bạn đi mua đồ và chợt nhận ra mình quên đem ví và phải chạy về nhà lấy, bạn thấy tim mình đập nhanh và hơi thở trở nên gấp gáp hơn phải không? Trẻ sơ sinh thì không chạy được, nhưng sẽ có một số hoạt động của con mà cũng “mệt” tương đương như vậy.
Quấy khóc đối với trẻ sơ sinh cũng là một hoạt động “thể lực” đấy và khi quấy nhịp tim và nhịp thở của trẻ sẽ tăng cao. Nhưng khi bạn đếm nhịp thở lúc trẻ hết quấy bạn sẽ thấy giá trị này quay về ngưỡng bình thường.
Ngược lại, khi con ngủ, tần số thở của con lại chậm hơn. Bạn có thể đếm thấy trẻ có một nhịp thở rơi vào khoảng 30 nhịp/phút, hoặc đôi khi có một quãng ngưng ngắn dưới 10 giây sau đó quay lại bình thường. Việc chậm đi một chút này là thay đổi bình thường ở trẻ và bạn có thể an tâm về hiện tượng này.
Khi nào trẻ sơ sinh thở nhanh?
Bạn có thể biết trẻ thở nhanh khi nhịp thở của trẻ:
- Lớn hơn 60 nhịp/phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi
- Lớn hơn 50 nhịp/phút với trẻ từ 2 – 11 tháng tuổi
- Lớn hơn 40 nhịp/phút với trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi.
Khi bạn đếm nhịp thở thấy trẻ sơ sinh thở nhanh, hãy thực hiện việc đếm nhịp thở 1-2 lần nữa. Đảm bảo các nguyên tắc đếm nhịp thở đã được bạn chú ý kỹ lưỡng. Nếu kết quả của những lần sau cũng vẫn là trên 60 phút ở trẻ sơ sinh, thì mới xác định được trẻ sơ sinh thở nhanh.
Các yếu tố khiến trẻ sơ sinh thở nhanh
Thở nhanh là một phản ứng sinh lý “đáp ứng” với một hoạt động gắng sức của trẻ. Tương tự như chúng ta khi hoạt động thể lực, khi cơ thể sử dụng nhiều oxy thì việc tăng nhịp thở sẽ bù lại lượng oxy đã tiêu hao.
Một số rối loạn về thiếu oxy lúc sinh cũng như yếu tố nguy cơ từ mẹ cũng góp phần vào việc thở nhanh của con, có thể kể đến như:
- Sinh non
- Sinh mổ
- Hội chứng hít ối phân su (khi trẻ hít phải dịch phân su khi chuyển dạ)
- Mẹ thiểu ối (tình trạng ít nước ối trong thai kỳ)
- Nhiễm trùng bào thai hay nhiễm trùng ối
- Tiểu đường thai kỳ ở mẹ
Một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh thở nhanh
Ở các bé mới sinh, cơ thể còn non nớt và dễ mắc phải các rối loạn hô hấp hơn những trẻ lớn. Một số nguyên nhân thường gặp có biểu hiện tăng nhịp thở trong độ tuổi này mà bạn không thể bỏ qua, bao gồm:
Cơn tăng nhịp thở thoáng qua ở trẻ sơ sinh
Một số bé khi sanh sẽ có đợt tăng nhịp thở thoáng qua, nhịp thở sẽ lớn hơn 60 nhịp/phút, nhưng thường dưới 120 nhịp/phút.
Biểu hiện tăng nhịp thở này sẽ tự khỏi trong vòng 72 giờ đầu sau sinh. Thường thì mẹ sinh mổ sẽ dễ gặp tình trạng này hơn mẹ sinh tự nhiên đấy.
Viêm phổi khiến trẻ sơ sinh thở nhanh
Một trong những nguyên nhân mà bố mẹ cần phải chú ý đó là viêm phổi trẻ sơ sinh. Khi trẻ sơ sinh thở nhanh, bạn sẽ cần phải chú ý các dấu hiệu gợi ý viêm phổi để đưa trẻ đến cơ sở y tế phù hợp.
- Trẻ bỏ bú, nôn ói mọi thứ
- Trẻ sốt, vật vã, li bì
- Tiếng thở rít, khò khè
- Rút lõm lồng ngực
- Thở phập phồng cánh mũi
- Thở rên, thở mệt
- Trẻ tím (ở chi, môi) – dấu hiệu thiếu oxy nguy kịch
Ở một số trẻ, biểu hiện của viêm phổi giai đoạn sớm đôi khi chỉ là thở nhanh. Vì thế nên việc theo dõi nhịp thở của bố mẹ là một điều rất quan trọng.
Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ
Tình trạng tăng áp phổi dai dẳng xảy ra khi tim của trẻ sơ sinh vẫn còn giữ chức năng như lúc nằm trong bụng mẹ. Phổi con chưa kịp thích ứng với môi trường mới. Gây ra tình trạng tăng nhịp thở, tăng nhịp tim và da hơi xanh thẫm vì thiếu oxy nhẹ.
Một số rối loạn cấu trúc bẩm sinh
Một số bất thường bẩm sinh có thể góp phần làm trẻ sơ sinh thở nhanh. Những bất thường này có thể ở tim, phổi, cấu trúc vùng mũi hầu của trẻ hoặc ở đường thở của con. Những nguyên nhân này có thể tự khỏi khi lớn lên hoặc không. Vì thế các bé sẽ được tầm soát và theo dõi bởi các bác sĩ để kịp thời can thiệp hỗ trợ.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Khi trẻ sơ sinh thở nhanh có kèm theo dấu hiệu rối loạn hô hấp, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi gần nhất để đánh giá và can thiệp.
Một số biểu hiện rối loạn hô hấp của trẻ sơ sinh bạn cần lưu ý:
- Tiếng thở khác thường: trẻ có tiếng thở rên, khò khè, thở rít,…
- Thở phập phồng cánh mũi: cánh mũi của trẻ phồng lên khi hít vào
- Rút lõm thành ngực: dấu này quan sát ở giữa khe sườn hoặc dưới xương ức, bạn sẽ thấy các cơ ở ngực lõm vào, gợi ý tình trạng trẻ đang thiếu hô và cố gắng thở.
- Đổi màu da: Trẻ con khi thiếu oxy sẽ thể hiện lên màu da của mình. Thay đổi bắt đầu từ màu nhợt nhạt ở da, ở môi, ngón tay hoặc lưỡi. Nặng hơn chút là khi chúng chuyển dần sang trắng bạch hoặc xanh tím, tím
Ngoài ra, ở một “thiên thần nhỏ” ở bất kỳ tháng tuổi nào có thay đổi nhịp thở, kiểu thở thì bạn sẽ cần lưu ý khi:
- Thay đổi nhịp thở, kiểu thở kéo dài vài phút liên tục
- Thay đổi nhịp thở, kiểu thở kèm sốt
- Bất kỳ biểu hiện sốt nào ở trẻ dưới 2 tháng
- Thay đổi nhịp thở, kiểu thở sau khi tắm hoặc uống nước
- Thay đổi nhịp thở, kiểu thở sau khi ăn (thường kèm sặc sụa)
- Thở nhanh hoặc chậm kèm theo li bì, khó gọi dậy
- Thay đổi nhịp thở, kiểu thở ở trẻ sơ sinh có người chăm sóc trực tiếp nhiễm COVID-19, hoặc trẻ đã được xác định nhiễm COVID-19
Thở nhanh là tình trạng sinh lý nhưng đôi khi cũng là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Hiểu được những quy cách xác định đúng nhịp thở sẽ giúp cho bố mẹ có thể theo dõi và chăm sóc con tốt hơn khi trẻ sơ sinh thở nhanh.