Mẹ&Con – Khoảng 6-7 tháng tuổi, một ngày kia, bé bỗng sốt nhẹ, biếng ăn, quấy quả mẹ đủ kiểu và chốc chốc lại cứ cho tay vào miệng. Mẹ lo sốt vó, dỗ dành thế nào cũng không được. Rồi bỗng dưng, mẹ phát hiện ra ở lợi bé nhú lên cái mầm trăng trắng. A, hóa ra là thế! Hóa ra là… bé mọc răng rồi!

Chao be rang dau doi

(Ảnh minh họa)

Làm quen với các “bé” răng nào!

Những chiếc răng đầu tiên sẽ nhú lên vào khoảng 6-7 tháng tuổi. Tiếp đó, hàm răng sẽ “đầy đặn” dần và hoàn thiện vào thời điểm bé khoảng 2-3 tuổi. Sẽ có tổng cộng 20 chiếc răng sữa xuất hiện vào độ tuổi này. Tuy nhiên, các cột mốc thời gian bác sĩ nêu ra cho mẹ chỉ mang tính tương đối thôi. Mẹ không cần thiết phải quá lo nếu như đến 8 tháng bé mới mọc chiếc răng đầu trong trường hợp chiều cao, cân nặng của bé vẫn đúng chuẩn bình thường, bé không bị còi xương, thiếu canxi hay các vấn đề tương tự.

Những chiếc răng đầu tiên của bé thường khiến mẹ vừa mừng vừa… mệt và lo! Bởi lẽ chúng không đến một cách “êm đềm”. Thấy con mọc răng đương nhiên là mừng. Song, kèm theo đó, mẹ không khỏi căng thẳng khi thấy bé trở nên cáu kỉnh, thích cắn gặm đồ vật, khó chịu với mẹ, thường xuyên đòi mẹ phải ẵm bồng.

Khi thấy bé có các dấu hiệu này, hãy chú ý kiểm tra lợi của con. Bạn sẽ thấy có một cục cứng hoặc điểm nhọn nhô lên bề mặt lợi, sưng và khiến bé đau. Con chảy nước bọt nhiều, ngủ không thẳng giấc. Tuy nhiên, một điều quan trọng bác sĩ phải nhắc mẹ là các triệu chứng này chỉ dừng lại ở mức độ nhẹ thôi.

Nếu như bé sốt cao, tiêu chảy nặng, nôn, sổ mũi, ho… thì đó là triệu chứng của một bệnh khác (có thể xảy đến cùng thời điểm bé mọc răng). Nghĩa là mẹ vẫn cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra, xác định bệnh và điều trị chứ không được chủ quan cho rằng “bé nào mọc răng mà chả thế” rồi cứ thản nhiên xem các triệu chứng bệnh ấy như… triệu chứng mọc răng.

Bé mọc răng sẽ “khó tính” hơn? Đúng vậy! Bạn không cần căng thẳng vì điều này vì đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể bé. Chỉ cần bạn dành nhiều thời gian bên con, ôm ấp vuốt ve con, dỗ dành bé nhiều hơn, bé sẽ ổn. Nếu bé trở nên biếng ăn, bỏ ăn, cũng không cần ép bé quá mức.

Không sao cả! Bạn chỉ cần điều chỉnh thực đơn, cho con thưởng thức các món ăn có độ mát lạnh nhẹ như sữa chua, sinh tố trái cây để trong ngăn mát. Những món này sẽ khiến bé thấy dễ chịu, đồng thời vẫn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé.

Lưu ý đặc biệt quan trọng cho mẹ là bạn phải đảm bảo bản thân mình cũng phải được nghỉ ngơi đầy đủ trong những ngày bé mọc chiếc răng đầu tiên. Nghĩa là phải phân công, chia sẻ việc nhà, phải làm sao để có người cùng bạn chăm sóc bé.

Nếu không, bạn sẽ rất dễ quá mệt mỏi, stress quá mức với những quấy quả của con, lo lắng khi con sốt, con bỏ ăn, bỏ ngủ, khóc lóc… Nhớ là, hễ bạn stress thì bé sẽ mất bình tĩnh theo. Chưa kể có nhiều mẹ kiềm không nổi cảm xúc của mình, trong lúc mất bình tĩnh còn quát lên với con hay đánh vào mông bé. Điều đó sẽ khiến cả hai mẹ con bạn thấy việc mọc răng trở thành chuyện “kinh khủng” nhất trên đời.

Sẽ là bất thường khi…

Nếu bé được 12 tháng tuổi mà vẫn chưa thấy răng nào mọc thì cần hỏi ý kiến bác sĩ, vì đây là trường hợp mọc răng quá chậm, có thể do chế độ dinh dưỡng thiếu chất, bé bị còi xương, thiếu canxi, thiếu vitamin D…

Chăm sóc khi bé mọc răng

Bé mọc răng rất dễ sụt cân. Do đó, bạn cần chăm sóc đặc biệt cho chế độ ăn của con. Chia ra thành nhiều bữa, cho bé ăn mỗi bữa một ít. Có thể chọn bột, sữa, cháo loãng nghiền thật nhuyễn. Bổ sung thêm vào đó là sữa chua, trái cây nghiền.

Thông thường, do một enzyme phóng thích khi bé mọc răng nên sẽ xuất hiện dấu hiệu bé đi ngoài với phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày. Hiện tượng này không phải tiêu chảy nên bạn cứ cho con ăn uống như bình thường.

Trừ trường hợp bé tiêu chảy, phân nhiều nước, bé đi ngoài quá nhiều lần mới cần đưa bé đến bác sĩ (vì đây có thể là tiêu chảy do nguyên nhân khác chứ không do mọc răng nữa).

Một dặn dò khác cho mẹ là đừng bao giờ nghĩ việc chăm sóc răng miệng chỉ được thực hiện khi… bé đã có đủ 20 chiếc răng sữa. Ngay khi “bé” răng đầu tiên bắt đầu nhú lên, bạn đã phải nghĩ đến chuyện vệ sinh răng miệng tốt cho bé rồi. Nên cho bé uống nước lọc sau khi ăn bất cứ món gì, sau đó lau răng cho bé bằng một miếng vải mềm, sạch.

Để thiên thần bé bỏng của bạn đỡ quấy, có thể chọn cho con các món “đồ chơi” chuyên dụng, để bé có thể gặm, nhai cho đỡ khó chịu. Đặc biệt chú ý bỏ hết những đồ chơi có cạnh vuông, cạnh sắc nhọn vì nếu bé cho những thứ này vào miệng sẽ làm tổn thương đến lợi và răng của bé.

Bạn tự hỏi, liệu những dấu hiệu “đáng mệt” này sẽ kéo dài trong bao lâu? Câu trả lời là: Bạn đừng lo, nó chỉ kéo dài vài ngày thôi. Nếu trên một tuần lễ mà bé yêu của bạn vẫn quấy khóc vật vã, bỏ ăn bỏ ngủ, có các dấu hiệu sụt cân thì nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra, tìm hiểu xem có nguyên nhân nào khác không.

Mẹo cho mẹ

Làm gì để giúp bé khi bé mọc răng?

– Nên cho bé uống nhiều nước.

– Nên cho bé “gặm” một vật mềm và mát lạnh, đảm bảo vệ sinh.

– Chỉ cho bé sử dụng thuốc giảm đau nếu có chỉ định của bác sĩ.

– Ôm ấp, vỗ về, chơi đùa cùng bé để giúp bé quên đi chuyện mọc răng.

Thông thường, bé gái mọc răng sớm hơn!

Thể trạng của bé không liên quan đến thời điểm bé mọc răng. Nhưng có một điều thú vị là thông thường, bé gái sẽ mọc răng sớm hơn bé trai.

Nếu bạn hoặc chồng bạn ngày còn bé có hiện tượng mọc răng trễ thì bé có thể “di truyền”, mọc răng chậm vào khoảng tháng 9, tháng 10. Điều này vẫn được xem là không sao. Tuy nhiên, nếu đến 12 tháng tuổi bé vẫn chưa mọc răng thì cần đưa bé đến bác sĩ để xác định nguyên nhân.

Tags:

Bài viết liên quan