Mẹ và Con - Hành trình nuôi dạy con luôn có những cột mốc đáng nhớ vui buồn xen lẫn. Đặc biệt là giai đoạn tuổi dậy thì, cột mốc vô cùng nhạy cảm cho cả con lẫn bố mẹ. Đây cũng là độ tuổi quyết định rất lớn đến cả thể chất lẫn tâm lý của con trẻ sau này. Vì vậy, việc ghi nhớ những lưu ý khi con dậy thì là điều cần thiết giúp bố mẹ cùng con vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn.

Tuổi dậy thì được xem là giai đoạn cơ thể phát triển nhất trong cuộc đời mỗi người. Khi bước vào giai đoạn này, thể chất sẽ phát triển rõ rệt nhất. Trẻ sẽ có phần hơn hoang mang khi vài bộ phận có sự phát triển “vượt mức”.

Sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất

Ở thời điểm này, bố mẹ nên thường xuyên tâm sự với con về các chủ đề dậy thì, chia sẻ với trẻ những điều trẻ sẽ gặp phải khi vào giai đoạn quan trọng này. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng đừng quên nói chuyện với trẻ về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản nhé! Vì nếu không được trang bị kiến thức kịp thời, trẻ sẽ dễ phạm phải các sai lầm không mong muốn. Người cùng giới sẽ dễ chia sẻ về các vấn đề “khó nói” này hơn. Nên bố nên tâm sự với con trai và để phần “tư vấn” con gái cho mẹ. 

Con không còn nhỏ nữa…

Bên cạnh việc thay đổi lớn về thể chất thì tâm lý của trẻ cũng thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là hành động với bố mẹ sẽ không còn thân thiết và tự nhiên như trước. Trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ khi bố mẹ thể hiện hành động tưởng chừng “quen thuộc” như: ôm hôn, bẹo má… Phản ứng này sẽ rõ hơn, thậm chí có phần khó chịu khi mẹ thể hiện tình cảm với con trai hay bố với con gái. 

trẻ dậy thì

…nhưng con vẫn chưa đủ lớn!

Ở giai đoạn này trẻ sẽ cố gắng thể hiện hành động của mình để trông trưởng thành hơn, tuy nhiên suy nghĩ của trẻ vẫn còn non nớt. Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên tâm sự với con về chuyện ăn mặc, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân… để không trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu.

Con dễ mắc các hội chứng tâm lý

Giai đoạn tuổi dậy thì trẻ có sự thay đổi “bất ngờ” về thể chất, tâm sinh lý. Chính sự thay đổi “bất ngờ” khiến trẻ dễ mắc các hội chứng tâm lý hơn các giai đoạn phát triển khác. Những thay đổi tưởng chừng như bình thường như: vỡ giọng, mọc ria mép, chiều cao tăng vượt bật, xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt… khiến trẻ dần hình thành trạng thái cảm xúc nhạy cảm. Lúc này, nếu trẻ bị tác động bằng lời nói thái độ từ bạn bè, thầy cô… hay cả bố mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng và dẫn đến hội chứng tâm lý.

Những hội chứng tâm lý thường gặp ở trẻ dậy thì:

  • Rối loạn cảm xúc
  • Stress
  • Rối loạn tâm lý – hành vi
  • Rối loạn ăn uống
  • Lạm dụng chất kích thích hay thuốc lá

Ở giai đoạn “chuyển giao” từ một đứa trẻ sang người trưởng thành, con sẽ rất nhạy cảm và rất cần sự tôn trọng, đồng cảm và thấu hiểu từ phụ huynh. Chính vì vậy, khi thấy con xuất hiện các dấu hiệu dậy thì bố mẹ hãy luôn bên cạnh chia sẻ những kiến thức cần thiết cũng như chỉ cho con biết dậy thì là giai đoạn cần thiết mà ai cũng sẽ trải qua.

Con trai và con gái có thời điểm dậy thì khác nhau bố mẹ nhé!

Giai đoạn dậy thì của các bé trai thường sẽ diễn ra muộn hơn bé gái từ 1 – 2 năm nên cùng độ tuổi các bé gái sẽ có phát triển hơn về mặt thể chất. Lúc này bố mẹ đừng hoang mang vì sao vì sao con trai mình lại thấp hơn bé gái đồng trang lứa hay ngược lại nhé! Nhiều bố mẹ thường mắc sai lầm ở giai đoạn “nhạy cảm” này là tăng cường bổ sung dinh dưỡng quá mức với mong muốn là con của mình cao bằng bạn bè trang lứa… tuy nhiên việc này có thể gây ra tình trạng thừa cân, béo phì đấy!

Bố mẹ chỉ cần bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho con, bên cạnh đó hạn chế cho con dùng thức ăn nhanh, đồ ăn vặt đóng gói sẵn…

tâm lý khi trẻ dậy thì

Tuổi “ẩm ương” con muốn thử mọi thứ

Bước vào giai đoạn tuổi dậy thì trẻ rất dễ thay đổi cảm xúc, thậm chí là rất nhanh. Nhiều trẻ có “hàng rào” tâm lý mỏng rất dễ bị tác động bởi lời nói bên ngoài. Trẻ có thể thay đổi từ vui sang buồn, từ buồn sang tự ái hay tủi thân chỉ bởi một câu nói nào đó mà bố mẹ vẫn thường “trêu” con vào giai đoạn trước dậy thì. 

Hơn nữa ở độ tuổi này bé không còn tin tưởng tuyệt đối vào mọi lời nói của bố mẹ. Trẻ bắt đầu bị tác động bởi yếu tố xung quanh (bạn bè, người thân, hàng xóm…) nên bắt đầu muốn thử những việc từng bị cấm như: thức uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích… Đây là điều khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu khi con vào giai đoạn “ẩm ương”.

Con muốn có nhiều cái “riêng”

Giai đoạn tuổi dậy thì thường diễn ra  từ khoảng 10 – 16 tuổi. Đây là cột mốc rất quan trọng trong thời kỳ phát triển của con, vì trẻ sẽ “tạm biệt” tuổi thơ và “xin chào” tuổi trưởng thành hay nói đúng hơn trẻ sẽ bước vào giai đoạn tuổi nổi loạn. Ở giai đoạn này, tâm sinh lý của trẻ sẽ biến đổi liên tục và rất nhanh. Nhiều bố mẹ đã khó chấp nhận khi trẻ muốn tự quyết định mọi chuyện và muốn được không gian riêng.

Điều này hoàn toàn hợp lý vì khi trẻ bắt đầu chập chững trường thành sẽ dần nhận ra mình đã không còn nhỏ nữa, cần mọi người tôn trọng những khoảng không cá nhân. Vì vậy, bố mẹ hãy là người “hiểu chuyện” và dần thay đổi mọi thứ nhé! Một vài việc bố mẹ nên thực hiện ngay khi con bước vào giai đoạn dậy thì là:

  • Gõ cửa trước khi vào phòng con
  • Tôn trọng cách sắp xếp lịch học của con
  • Hỏi ý kiến con trước khi dọn dẹp phòng

Tuy đây chỉ là những hành động nhỏ nhưng sẽ giúp trẻ thấy thoải mái và được tôn trọng hơn. Hơn nữa sẽ tránh được những tranh cãi không đáng có.

Trẻ biết rung động đầu đời

Thêm một lưu ý quan trọng mà bố mẹ cần nhớ để không bỡ ngỡ khi con dậy thì là con đã biết yêu rồi đấy! Khi bước vào giai đoạn này, trẻ sẽ xuất hiện những rung động đầu đời trước người trẻ thích. Chính vì những rung động tuổi “ẩm ương” này nên nhiều bố mẹ lo lắng trẻ sẽ dễ sa ngã vì vậy đặt ra nhiều quy tắc hà khắc để con phải làm theo ý mình. Tuy nhiên đây là phương pháp rất dễ “phản” tác dụng, vì trẻ bây giờ đã có suy nghĩ độc lập không còn phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Thậm chí nhiều trường hợp vì cấm đoán của bố mẹ trong chuyện tình cảm, trẻ suy nghĩ bốc đồng dẫn đến những hành động nguy hiểm đến bản thân.

Bố mẹ nên chuẩn chuẩn bị tâm lý để đón nhận tính cách mới của con

Không ít phụ huynh đã bộc bạch với Mẹ và Con thông qua fanpage Tạp chí Mẹ và Con rằng họ đã rất sốc vì khi bước vào giai đoạn dậy thì con như thành một người hoàn toàn khác. Nhiều bố mẹ không còn nhận ra đứa con của mình. Vì trong thời gian ngắn trẻ có thể từ hoạt bát vui vẻ với mọi người lại thành một người trầm mặc ít nói hơn hay ngược lại. Điều này khiến nhiều bố mẹ chưa vững tâm lý dễ xuất hiện cảm giác hụt hẫng, mất mát và cố gắng “uốn nắn” con lại thành những cô bé cậu bé như ngày trước. Tuy nhiên phương pháp này không những không mang đến kết quả tốt mà còn vô tình khiến trẻ rơi vào khủng hoảng khi phải đối mặt với thay đổi của cơ thể mà không có sự đồng cảm từ gia đình.

Vì vậy, bố mẹ hãy dùng tâm lý thoải mái nhất để cùng con đón nhận giai đoạn dậy thì sắp tới. 

“Bình thường hóa” tuổi dậy thì của con

Thay vì hoang mang lo lắng khi con xuất hiện “dở chứng” tuổi dậy thì, bố mẹ nên dùng thái độ tích cực và bình thường hóa mọi chuyện khi đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn tuổi dậy thì. Sau đây là những vấn đề bố mẹ nên tập làm quen từ trước khi con bắt đầu vào giai đoạn dậy thì.

Trẻ ương bướng hơn

Không còn gì tuyệt hơn nếu trẻ bước vào giai đoạn dậy thì nhưng vẫn giữ được tính cách như trước là lễ phép, ngoan ngoãn với bố mẹ và mọi người xung quanh. Tuy nhiên đây chỉ là những trường hợp hiếm vì tâm lý thay đổi nhiều trẻ trở nên ương bướng và khó chịu với mọi thứ hơn, nhưng bố mẹ đừng quá lo lắng nhé! Hãy xem đây là giai đoạn tập đi thứ 2 của trẻ, chắc hẳn sẽ có những lần vấp ngã, những khó khăn… nhưng cũng chính bằng tình yêu thương của bố mẹ mà trẻ đã vượt qua giai đoạn đó một cách dễ dàng. Vì vậy, thay vì mang tâm lý hoang mang và tự đặt “ngàn câu hỏi vì sao”  về sư thay đổi của con. Bố mẹ hãy dùng phương pháp hợp lý để hỗ trợ con vượt qua giai đoạn này.

dậy thì

Con đặt nhiều câu hỏi về cơ thể, thậm chí là chuyện người lớn

Nhiều bố mẹ rất lo khi liên tục nhận được câu hỏi về cơ thể thậm chí là chuyện người lớn. Tuy nhiên bố mẹ nên mừng hơn lo, vì chắc hẳn trẻ đã rất tin tưởng bố mẹ mới dám đặt những câu hỏi nhạy cảm như vậy. Vì trên thực tế, trẻ sẽ không thể tâm sự cùng bạn bè đồng trang lứa vì đa phần trẻ đều không có kiến thức nên không thể tư vấn cho nhau. Hay nguy hiểm hơn nhiều đối tượng xấu lợi dụng vào điều này để truyền kiến thức sai lệch nhằm thực hiện nhiều hành vi xấu với trẻ.

Thế nên bố mẹ hãy tỏ ra thật bình thường nhất có thể, xem đây là chuyện mà ai cũng đã từng trải qua. Đồng thời dùng kiến thức mình có được để giải đáp các thắc mắc của trẻ nhé!

Dậy thì là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong hành trình phát triển của trẻ. Chính vì vậy, việc tìm hiểu những kiến thức liên quan để hỗ trợ trẻ phát triển là điều rất cần thiết.

Bài viết liên quan