Những công dụng không thể bỏ qua
Công dụng | Vì sao |
Rất tốt cho hệ tiêu hóa | Trong đu đủ một loại enzyme có tên là papain, có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ cho hệ tiêu hóa của con người, kể cả trẻ nhỏ. Đồng thời, các chất xơ trong đu đủ có khả năng “thu gom” các độc tố gây bệnh trong kết tràng (thành phần chính của ruột già), bảo vệ cho tế bào được khỏe mạnh. Chỉ cần một miếng đu đủ mỗi ngày, bé cũng tránh được táo bón, đầy hơi. |
Ngăn ngừa ung thư | Đu đủ chứa rất nhiều các dưỡng chất như folate, vitamin C, E, beta carotene… Đây đều là những chất có năng giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa ung thư, nhất là ung thư kết tràng. |
Chống viêm nhiễm | Đu đủ có chứa 2 loại hợp chất rất quan trọng là papain và chymopapain. Đây là 2 loại enzyme tiêu hóa protein rất hiệu quả, giúp làm giảm quá trình viêm nhiễm và làm lành các vết thương. Đồng thời, như đã nói ở phía trên, đu đủ chứa rất nhiều vitamin A, C, E và beta carotene, giúp phòng ngừa viêm nhiễm ở mức cao nhất. Công dụng này rất quan trọng với trẻ em, vì trẻ em là đối tượng dễ bị vi khuẩn, vi rút tấn công. |
Bảo vệ trái tim con khỏe mạnh | Nhờ các chất chống oxy hóa rất giàu trong loại quả này mà đu đủ có tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol tạo ra bám vào thành mạch máu và gây tắc nghẽn mạch. Ngoài ra, vitamin E và C của đu đủ kết hợp tạo ra một hợp chất có tên là paraoxonase, có thể ức chế quá trình tạo ra cholesterol xấu (LDL). Đồng thời, các chất xơ có trong đó có tác dụng làm giảm mỡ máu, còn axit folic có khả năng chuyển hóa homocysteine thành các axit amino cần thiết. Nhờ đó, đu đủ có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch rất hiệu quả. |
Mang đến cho con đôi mắt tinh anh | Có lẽ không cần phải nói thêm về điều này. Nhắc đến đu đủ là nhắc đến vitamin A. Và nhắc đến vitamin A là nhắc đến công dụng làm cho đôi mắt sáng khỏe hơn. Ở tuổi còn đến trường, mắt của bé phải hoạt động rất nhiều. Cung cấp cho con những miếng đu đủ ngon lành theo đó cũng giúp mắt con tinh anh, sáng khỏe. |
Ngọt nhưng lại giúp giảm cân | Đừng ngại cho bé ăn đu đủ, kể cả trong trường hợp bé bị béo vì. Vì tuy là một loại quả ngọt, song đu đủ lại không làm tăng cân mà có tác dụng giảm béo, giảm cân rất hiệu quả. Trong 100g đu đủ chỉ chứa 32kcal. Việc ăn đu đủ sẽ giúp trẻ béo phì hạn chế sự thèm cơm và các món ăn giàu calories khác. |
Bài thuốc đông y từ đu đủ
Khi bé tiêu hóa không tốt, bạn có thể dùng 200g đu đủ xanh, bỏ vỏ, bỏ ruột, cắt miếng rồi đem nấu với thịt heo ba chỉ (100g), nêm nếm gia vị vừa dùng. Ngày cho bé ăn 2 lần, dùng liền 3-5 ngày, tình trạng tiêu hóa kém sẽ cải thiện.
Nếu bé bị táo bón, dùng 200-300g đu đủ chín, gọt bỏ vỏ, bỏ hạt, cho vào thố để hấp chín cùng một chút đường. Cho bé ăn ngày 2 lần trước bữa ăn chính. Dùng liền mấy ngày như vậy.
Trường hợp bé bị giun kim thì sáng sớm khi bé ngủ dậy, lúc bụng đang đói cho ăn một ít đu đủ chín, ăn liên tục trong vài ngày.
Những lúc bé mới ốm dậy, cơ thể yếu, ăn uống kém, có thể nấu đu đủ xanh với thịt gà, cho bé ăn cách 2 ngày 1 lần, dùng liên tục vài lần. Cơ thể sẽ hồi phục lại nhanh.
Mẹ lưu ý!
Trong đu đủ lượng beta caroten nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta caroten là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A. Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai trò là chống oxy hóa mạnh giúp chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận trường. Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100 mcg beta caroten.
Tuy nhiên nhu cầu beta caroten cũng cần vừa phải, nếu ăn quá nhiều, liên tục sẽ dẫn đến thừa và gây vàng da. Hiện tượng vàng da này sẽ mất nếu giảm lượng beta caroten ăn vào. Vì vậy, không phải cứ thấy đu đủ quá “hấp dẫn” với hàng loạt công dụng mà bạn cho con ăn… tới tấp. Bé chỉ cần một ly sinh tố đu đủ nhỏ mỗi ngày, hoặc một dĩa đu đủ vừa phần ăn tráng miệng của bé mà thôi.
Đu đủ… đủ mọi thứ!
Đúng vậy! Cái tên loại quả này cũng bao hàm “đủ” mọi thứ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Trong Đông y, đu đủ có tên mộc qua, tính hàn, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, bổ tỳ. Còn thực tế nghiên cứu cho thấy: Đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit, axit hữu cơ, Protit, 0,9% chất béo, chất xơ, canxi, photpho, magiê, sắt kẽm…
Ngoài ra trong đu đủ còn chứa nhiều vitamin. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A và vitamin C. Trong 100g đu đủ có 74-80mg vitamin C. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, mát gan.
Đu đủ có một lợi thế lớn là có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cả. Đu đủ cũng rất lành tính, không lo dị ứng. Bé ngay cả độ tuổi mới ăn dặm cũng đã có thể ăn đu đủ mà không lo bị hóc, nghẹn, khó tiêu hóa..
Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý nhỏ mà bạn cần biết khi cho trẻ ăn đủ đủ. Chẳng hạn:
– Không nên cho trẻ ăn cả hạt đu đủ bởi trong hạt đu đủ có chứa chất độc gọi là carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm bé bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh.
– Không nên cho trẻ ăn liên tục, với lượng lớn đu đủ chín hàng ngày trong thời gian dài vì sẽ khiến phần da lòng bàn tay, bàn chân bị vàng.
Trong 100g đu đủ có 74-80 mg vitamin C và 500-1.250 IU caroten. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các axit gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm.
Hỏi nhanh bác sĩ
H: Con tôi được 6 tháng. Bé đã có thể ăn đu đủ như món ăn dặm được chưa, thưa bác sĩ?
Đ: Thời điểm thích hợp nhất để mẹ cho bé ăn đu đủ là vào tháng thứ 7, lúc trẻ đã quen với chế độ dinh dưỡng ăn dặm. Tuy nhiên ở tháng thứ 6, bạn cũng đã có thể nghiền nhuyễn đu đủ hoặc xay sinh tố, chỉ đút cho bé với lượng thật ít (nửa muỗng cà phê) để bé “làm quen” với vị. Nên cho bé ăn đu đủ sớm, vì không chỉ tốt cho bộ máy tiêu hóa của con mà đu đủ còn giúp trẻ mau lớn và phòng bệnh suy dinh dưỡng nữa.
Cách chọn đu đủ
Chọn quả màu vàng đậm hoặc màu cam, không có vết thâm, không bị dập, bị nhũn và có mùi thơm. Đặc biệt những quả có hai màu da, vỏ ngoài vàng và có lốm đốm xanh nhỏ li ti là những quả ngon nhất, thuôn dài và đặc ruột.
Khi mua đu đủ về, bạn nên để trong tủ lạnh, ở ngăn mát. Cố gắng chế biến và ăn hết đu đủ trong vòng 2-3 ngày, đừng để quá lâu vì các chất dinh dưỡng trong đu đủ sẽ mất đi dần.
Một số món ăn dặm từ đu đủ
* Đu đủ nạo: Gọt sạch vỏ, bổ dọc làm 2 phần, bỏ sạch hột đu đủ. Sau đó lấy muỗng nạo đu đủ chín ở giữa, làm nhuyễn thêm một chút bằng muỗng và cho bé ăn ngay. Ăn đu đủ tươi, chín ngọt là cách rất tốt nhằm giữ nguyên đầy đủ vitamin và cho bé thưởng thức được hương vị thơm ngon.
* Sinh tố: Gọt sạch vỏ, bỏ hột, cắt đu đủ thành từng miếng nhỏ và cho vào máy xay nhuyễn, thêm một chút sữa tươi hay sữa công thức sẽ thành một loại sinh tố tuyệt ngon cho bé uống. Bạn có thể cho bé uống 1 ly nhỏ sinh tố đu đủ mỗi ngày.
* Sữa chua đu đủ, đào (dành cho bé trên 10 tháng): Bạn cắt đu đủ, đào thành từng miếng bé xíu vừa ăn với con để tập cho bé nhai. Trộn chung đu đủ, đào với sữa chua, bạn sẽ được một món trái cây trộn yaourt thanh mát, dễ ăn và rất tốt cho sức khỏe của con.