Mẹ&Con – Việc thăm khám định kỳ giúp mẹ bầu biết được tình hình phát triển của thai nhi để có những hướng xử lý kịp thời, đảm bảo cho một thai kỳ an toàn và thành công Kiến thức cho bầu sắp chuyển dạ Cách ăn uống thông minh dành cho bầu 1001 chuyện về nhau thai

Buổi khám thai đầu tiên

Khi phát hiện chậm kinh khoảng  7 – 14 ngày và que thử thai lên 2 vạch, mẹ nên đi khám thai để kiểm tra thai nằm trong hay ngoài tử cung, số lượng thai bao nhiêu… Đặc biệt, đối với những mẹ có kinh nguyệt không đều hay quên ngày kinh cuối thì buổi khám thai đầu tiên sẽ giúp mẹ có được thông tin về tuổi thai một cách chính xác. Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra được ngày dự sinh cho mẹ.

Buổi khám thai lần hai

Bước vào tuần thai thứ 7 hoặc thứ 8, mẹ nên đi khám thai lần hai. Lúc này, mẹ sẽ được siêu âm xác định tim thai, kích thước túi ối, chiều dài phôi thai để xem thai nhi có phát triển tương xứng với tuổi thai hay không. Ngoài ra, mẹ bầu cũng được kiểm tra cân nặng, huyết áp để nhận biết tình trạng ốm nghén có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Trong buổi khám thai này, bà bầu cũng sẽ được tư vấn và kê đơn các loại thuốc phù hợp với sức khỏe và sự phát triển của em bé.

Buổi khám thai lần ba

Đây là mốc khám thai thứ ba trong lịch siêu âm và khám thai cho bà bầu. Thời gian đi khám là vào khoảng tuần thai thứ 12 – 13. Trong lần khám này, thai nhi sẽ được sàng lọc dị tật bẩm sinh do một số bất thường của nhiễm sắc thể bằng cách đo độ mờ da gáy. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn và điều chỉnh đơn thuốc, chế độ ăn uống của mẹ hợp lý hơn.

Buổi khám thai lần bốn

 kham-thai

Ảnh minh họa.

Bước sang tuần thai từ 14 – 17, mẹ bầu cần đến bác sĩ thăm khám. Thời điểm khám thai lần này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu của mẹ để làm các xét nghiệm sàng lọc Triple test chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh Down và dị dạng nhiễm sắc thể ở thai nhi.

Mẹ lưu ý, trước khi đi khám thai, mẹ nên tự kiểm tra tình trạng thai máy của thai nhi bằng cách nằm hoặc ngồi yên, sờ tay lên bụng. Khi đi khám, mẹ hãy cho bác sĩ biết những thông tin như: Mẹ có cảm nhận được thai máy không? Thai máy ít hay nhiều? Thai máy yếu hay mạnh?… Những thông tin này sẽ giúp bác sỹ hiểu rõ tình trạng của thai nhi, từ đó đưa ra những chỉ định thích hợp trong sinh hoạt, ăn uống của mẹ hàng ngày.

Buổi khám thai lần năm

Bước vào tuần thai thứ 22 mẹ bầu nên đi khám lần năm vì đây cũng là mốc thời gian quan trọng trong lịch siêu âm và khám thai cho bà bầu.

Lần khám này, mẹ nên lựa chọn siêu âm 4D để chẩn đoán tình trạng của em bé, khảo sát các dị tật ở tim, gan, phổi, sứt môi, hở hàm ếch… Lý do mẹ nên kiểm tra vào khoảng tuần thai này là vì lúc này thai nhi đã gần như hoàn thiện các bộ phận nhưng vẫn còn nhỏ và nước ối nhiều nên sóng siêu âm có thể phát hiện một số bộ phận bị khuất lấp. Nếu để qua thời điểm thăm khám này, kích thước thai nhi sẽ lớn dần khiến cho một số bộ phận bị che lấp khiến cho sóng siêu âm không tiếp cận được gây khó khăn trong việc quan sát, chẩn đoán. Bên cạnh đó, nếu phát hiện thai nhi dị tật, mẹ có thể sẽ được chỉ định bỏ thai và việc này nên diễn ra trước tuần thai thứ 28 để an toàn cho mẹ.

Ngoài ra, vào thời điểm này, mẹ bầu có thể sẽ được tiêm phòng uốn ván mũi đầu tiên hoặc mũi nhắc lại nếu sinh con lần 2. Sau đó, tiêm mũi 2 cách mũi 1 chừng 1 tháng.

Buổi khám thai lần sáu

Ở tuần thai 31 – 32, mẹ vẫn tiến hành siêu âm, thăm khám lần cuối về dị tật thai. Khám thai vào thời điểm này, bác sĩ sẽ xem xét ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ… để tiên lượng cuộc vượt cạn sắp tới diễn ra dễ dàng hay khó khăn.

Buổi khám thai lần bảy

Bước sang tuần thai thứ 36, mẹ bắt buộc phải thăm khám để được bác sĩ đưa ra tiên lượng về cách thức sinh phù hợp: sinh thường hay sinh mổ và kiểm tra tình trạng em bé lần cuối trước khi chào đời. Sau lần khám cuối cùng này, rất có thể mẹ sẽ bước vào giai đoạn chuyển dạ. Tuy nhiên, có một số mẹ bầu vẫn có thể tiếp tục thai kỳ tới tuần thứ 40 – 42. Nếu nằm trong số này, mẹ nên đến bác sĩ kiểm tra mỗi tuần/1 lần hoặc bất cứ khi nào thấy đau bụng, ra máu để theo dõi thai nhi và tình trạng cổ tử cung.

Trên đây là lịch siêu âm và khám thai định kỳ dành cho bà bầu. Mẹ bầu nên ghi nhớ lịch này để lên kế hoạch đi thăm khám đầy đủ và đúng thời gian. Lời khuyên cho mẹ là nên đi khám thai vào buổi sáng, khi chưa ăn gì để các xét nghiệm về máu cũng như nước tiểu đạt kết quả chính xác. Do cần nhịn đói để tiến hành các xét nghiệm nên mẹ bầu hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ như một chiếc bánh ngọt, một quả trứng luộc hay một hộp sữa nhỏ… và dùng ngay sau khi lấy máu và nước tiểu. Tránh để cơ thể đói lả dẫn đến tụt đường huyết, ngất xỉu, mẹ nhé!

Chúc mẹ có một thai kỳ thuận lợi! 

Tags:

Bài viết liên quan