Ngày yêu nhau, một trong những tính cách anh yêu chị nhất chính là sự hồn nhiên, vô tư, thoải mái, ít mặt nặng mày nhẹ giận hờn kiểu con gái thông thường. Bạn bè anh cũng khen: “Mày lấy em này về thì sướng nhất đời, chả bao giờ có chuyện vợ ghen tuông, đay nghiến, chuyện bé xé ra to, nói nhiều đến mệt cả đầu!”.
Từ vô tư đến vô tâm, vô lo
Tìm đến trung tâm tư vấn một buổi chiều đầu tháng 3, anh Trịnh Ngọc L. (Quận 3) bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Vợ nhỏ hơn anh 4 tuổi. Chị xinh xắn, miệng luôn tươi rói nụ cười, ai cũng khen trẻ hơn tuổi. Nhưng theo anh, không chỉ ngoại hình trẻ hơn tuổi mà ngay cả tính cách của vợ mình cũng… “trẻ” như thế.
Thời quen nhau, yêu nhau, anh vô cùng mê mẩn tính cách này. Chị “trẻ con” một cách rất thật tình chứ chẳng phải “giả nai”. Rất hiếm khi để tâm giận hờn, cái gì cũng thoải mái “cho qua”. Nếu anh không kịp đến đón, chị sẽ vui vẻ nhắn tin: “Thôi em bắt xe ôm về cũng được!” và đến tối gặp anh vẫn toe toét cười như không có chuyện gì.
Anh L. thừa nhận: “Tôi quyết định hỏi cưới cô ấy vì tình yêu và cũng vì điểm tính cách nổi bật này. Hồi còn ở nhà với bố mẹ, thấy cảnh các chị dâu hay hầm hầm giận dỗi, chiến tranh lạnh, chuyện nhỏ xíu cũng suy diễn rồi để bụng, nói nọ nói kia, giận thì giận dai cả tuần, tôi phát mệt. Vì thế, khi thấy người yêu mình luôn có một sự hồn nhiên, thoải mái, trong lành như một cô bé trẻ con, ít chấp nhặt và ít nhạy cảm theo kiểu… phụ nữ, tôi rất mừng. Thực tế tôi không phải là chàng trai quá hoàn hảo gì, nhưng trong suốt 2 năm quen nhau cho đến thời điểm cưới, tổng số lần cô ấy giận tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bảo sao tôi không trân trọng và bị hấp dẫn bởi tính cách ấy cho được!”.
Thế nhưng, cưới nhau về rồi, chung sống tiếp 2 năm, anh L. mới nhận ra sự hồn nhiên không phải lúc nào cũng… tốt. Đầu tiên là chuyện kinh tế. Thay vì như khá nhiều phụ nữ luôn tìm cách để mắt đến “ví tiền” của chồng, căn vặn tiền lương, luôn khư khư tìm cách gửi ngân hàng tiết kiệm, anh L. lúc đầu rất “nhẹ lòng” khi vợ chẳng có vẻ gì ke re cắt rắt chuyện này. Anh đưa bao nhiêu chị xài bấy nhiêu, hết thì hỏi. Chợ búa vô tư. Shopping vô tư. Nhà có 2 bộ màn cửa, chỉ cần thấy bộ khác vải đẹp hơn là chị đặt may ngay, chẳng cần tính toán. Mấy tháng đầu thấy tiền không còn một đồng (dù thu nhập của anh chị khá cao), anh nhắc chừng. Chị cười xòa: “Thì em chi dùng trong nhà không à anh. Kệ, mình kiếm ra tiền phải tiêu cho tiền nó… lưu thông chứ!”.
Anh chia sẻ với chuyên gia tư vấn: “Một vài tháng thì không sao. Nhưng kéo dài sang đến năm thứ hai mà tình trạng vẫn y như thế, thật tình tôi lo quá! Hình như cô ấy chẳng bao giờ biết lo sợ đến ngày mai là gì. Tôi hỏi em không để dành thì mai mốt sinh con, mua nhà làm sao? Cô ấy vô tư trả lời: Vậy thôi anh lo mấy chuyện đó đi. Em không lo đâu, mệt lắm! Tôi lo thì cũng được, nhưng chuyện gì tôi cũng lo, hóa ra cái cảm giác mình đơn độc trong nỗi lo một mình. Cô ấy thì vẫn hồn nhiên như đứa trẻ, không hề bận tâm suy tính cùng tôi những chuyện trong nhà!”.
Giúp vợ chín chắn hơn
Thực tế, không phải chỉ có vợ chồng anh Ngọc L. mới gặp phải tình cảnh này. Anh Thuận C. (Quận 5) cũng hay lắc đầu kể với bạn thân về cô vợ “không chịu lớn” của mình như thế. “Ưu điểm của những người vợ này là rất ít khi làm chồng mệt đầu vì những lo lắng quá xa xôi. Ở bên cô ấy, mình thấy rõ bản lĩnh đàn ông khi được đóng vai trò chở che, chăm sóc, lo lắng, giúp đỡ, cho cô ấy tựa vào. Sự hồn nhiên của cô ấy khiến tôi nhẹ thở, đôi khi còn thú vị, bật cười. Thế nhưng về lâu dài, người vợ hồn nhiên đúng là thiếu đi sự sâu sắc, chu toàn, thiếu đi độ nhạy cảm chồng chưa nói đã hiểu, như một nội tướng, một chỗ dựa tinh thần để chồng yên tâm mà… làm việc lớn, hoặc quay về bên vợ mỗi lúc gặp gian nan!”.
Song, may mắn là điều chỉnh việc này không quá khó như nhiều đức lang quân tưởng. Bởi lẽ không như những tính cách “khó sửa” khác, sự hồn nhiên, vô lo là điều có thể thay đổi dần theo thời gian (cũng hệt như một đứa trẻ đến lúc phải “trưởng thành” vậy, hơi chậm hơn so với người khác nhưng chắc chắn rồi cũng xảy ra). Huống chi, theo lời chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh: “Tạo hóa ban cho người phụ nữ một độ nhạy cảm và tinh tế hơn người, để có thể thấu hiểu được con và thực hiện thiên chức làm mẹ. Do đó, chắc chắn nếu chồng giúp sức một chút, người phụ nữ sẽ chín muồi, sâu sắc và biết lo xa, tính toán dần. Theo tôi, một người phụ nữ hồn nhiên, vô tư có thể do điều kiện sống lúc còn con gái khá tốt, ít phải bận tâm điều gì. Sự vui vẻ, thoải mái, ít lo xa cho tương lai, ít để bụng chuyện gì trong cá tính thực tế là một ưu điểm. Chỉ cần tránh để vô tư đến mức… vô tâm, không biết nghĩ cho người khác là được”.
Để giúp vợ trở nên bớt “vô tư” hơn, theo chuyên gia tư vấn Minh Hạnh, có thể dần đặt vào tay vợ cụ thể từng “trọng trách”. Ví dụ khi chuẩn bị mua một căn hộ nhỏ, thấy vợ vẫn hồn nhiên: “Anh tính sao em nghe vậy!”, anh Trọng N. (Quận 2) đã phải phì cười, bảo với vợ rằng: “Tiền của mình đang không đủ, thiếu đến 200 triệu. Giờ em phải cùng anh tính xem nên chọn nhà nào, vay mượn ra sao, kế hoạch trả nợ thế nào để còn chuẩn bị chứ!”. Ban đầu, vợ anh vẫn lắc đầu nguầy nguậy, nhưng sau một thời gian được kéo vào cuộc, cùng tính toán với chồng, chị nhận ra chuyện gì hai vợ chồng cùng bàn tính cũng vui hơn.
Chuyên gia tâm lý Minh Hạnh chia sẻ: “Chỉ cần chồng đừng thấy vợ quá sức trẻ con mà tự mình âm thầm gánh hết tất cả mọi việc, chỉ cần chồng luôn nhẹ nhàng, chủ động kéo vợ cùng bàn tính mọi việc trong nhà, một thời gian chắc chắn vợ sẽ đủ sức để hiểu và chia sẻ cùng những nỗi lo toan của chồng. Tính cách của người vợ hồn nhiên thường ít giận và dễ lắng nghe những góp ý. Chồng nên nắm bắt được lợi thế này để kiên trì và khéo léo giúp vợ hiểu rằng mình rất cần một người cùng chung vai sẻ chia mọi lo toan, khó khăn trong cuộc sống. Bằng cách đó, sẽ đến lúc chồng yên tâm rằng mình không hề đơn độc trong việc lèo lái con thuyền gia đình cùng một… cô bé vô lo!”.