Đón Tết ở nhà chồng năm đầu tiên, ắt hẳn các nàng dâu mới sẽ vô cùng hồi hộp và lo lắng. Không còn ở nhà với bố mẹ, nên những thói quen ngày Tết của bạn cũng phần nhiều khác xưa. Điều này đòi hỏi bạn phải nhanh chóng thích nghi, hòa nhập với gia đình nhà chồng.
Và để có một mùa Tết đầu tiên làm dâu đáng nhớ hơn, ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn thì khi đón Tết ở nhà chồng, đừng quên một số lưu ý sau đây bạn nhé!
Có nên đón Tết ở nhà chồng?
Việc ăn Tết ở nhà chồng hay nhà vợ luôn là chủ đề khiến nhiều đôi vợ chồng cãi nhau mỗi dịp Tết đến xuân về. Trên thực tế, chẳng có bất kỳ câu trả lời nào phù hợp bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nếu gia đình hai bên ở xa nhau, bạn và chồng có thể thỏa thuận 1 năm đón Tết ở nhà chồng rồi 1 năm đón Tết ở nhà vợ hoặc trước Tết sẽ đón Tết ở nhà chồng còn sau giao thừa sẽ về nhà vợ và ngược lại.
Còn trong trường hợp gia đình hai bên cùng thành phố, ở gần nhau thì hai vợ chồng có thể luân phiên qua lại giữa hai bên gia đình để phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết chỉn chu và đầy đủ nhất có thể.
Cũng có gia đình do cả năm hai vợ chồng sống chung với nhà chồng nên sẽ đón Tết ở nhà vợ còn nếu chồng ở rể ở nhà vợ thì Tết sẽ cùng nhau về nhà chồng. Tốt nhất cả hai vợ chồng nên thảo luận với nhau xem đâu là phương án phù hợp nhất với cả hai vợ chồng.
Kinh nghiệm đón Tết ở nhà chồng nàng dâu nào cũng cần
Nếu bạn vừa về làm dâu và là năm đầu tiên đón Tết ở nhà chồng, hãy lưu ý một số vấn đề sau để đón Tết an vui, giữ trọn phận làm dâu với bố mẹ chồng và phận làm con với bố mẹ ruột, tránh làm phật lòng bố mẹ hai bên và giúp bạn thân thoải mái, nhẹ nhàng hơn:
Chuẩn bị quà Tết cho cả hai gia đình
Dù đã về sống chung một nhà nhưng bạn vẫn nên chuẩn bị quà Tết để biếu bố mẹ chồng. Điều này giúp thể hiện tâm ý hiếu thảo của bạn với bố mẹ. Ngoài ra, đừng quên chuẩn bị quà Tết gửi bố mẹ khi bạn không về thăm nhà được để bố mẹ hiểu rằng, dù làm dâu ở xa nhưng bạn vẫn luôn nhớ về đấng sinh thành.
Ăn mặc phù hợp
Đón Tết ở nhà chồng, bạn không cần phải trưng diện hay son phấn quá nhiều. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn mặc quá xuề xoà trong những ngày đầu năm mới.
Nên chọn những bộ trang phục gọn gàng, lịch sự, đẹp mắt và phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn như khi dọn nhà đón Tết thì mặc đồ thoải mái đơn giản còn khi cúng giao thừa thì trang phục cần kín đáo, là ủi phẳng phiu. Bố mẹ chồng chắc chắn sẽ hài lòng với sự tinh tế của nàng dâu mới đấy nhé.
Không so sánh quá nhiều
Khi đón Tết ở nhà chồng, bạn có thể bỡ ngỡ vì có quá nhiều điều khác lạ so với truyền thống gia đình mình. Tuy nhiên, nên thích nghi thay vì liên tục so sánh, cho rằng phải làm thế này thế kia theo như nhà mình mới đúng. Điều này sẽ dễ khiến gia đình chồng phật lòng.
Xem thêm: Bị nhà chồng khinh thường, tôi phải làm gì?
Cùng phụ giúp công việc nhà cửa
Nàng dâu mới đón Tết ở nhà chồng được xem là một thành viên trong gia đình. Vì thế, bạn không thể giữ tâm lý chỉ là khách hay người ngoài mà không phụ giúp dọn dẹp, chuẩn bị Tết. Tốt nhất nên thức dậy sớm, cùng giờ với mọi người và giúp đỡ mọi người trong việc nấu ăn, dọn dẹp hay trang trí nhà cửa, hoặc đi chợ mua sắm cùng mẹ chồng,…
Bạn không cần phải một tay làm tất cả nhưng tốt nhất vẫn nên hỗ trợ, phụ giúp. Với những công việc không biết làm hoặc không chắc chắn, bạn có thể nhờ mẹ chồng chỉ dạy để học hỏi thêm. Điều này không chỉ giúp bạn ghi điểm trong mắt gia đình chồng mà còn gia tăng sự kết nối giữa bạn và các thành viên trong nhà.
Bàn bạc với chồng về số tiền biếu bố mẹ và tiền lì xì ngày Tết
Vì cả hai đã về chung một nhà nên khi chuẩn bị đón Tết, bạn và chồng cần bàn bạc với nhau, thống nhất xem số tiền biếu bố mẹ hai bên là bao nhiêu. Ngoài ra, bạn nên hỏi chồng về các thành viên nhí trong gia đình để chuẩn bị số lượng phong bao lì xì phù hợp. Có thể hỏi ý kiến chồng về việc bỏ phong bao lì xì bao nhiêu là được.
Luôn tươi tắn, thân thiện
Một điều quan trọng cần lưu ý khi nàng dâu mới đón Tết ở nhà chồng chính là nên giữ được nét tươi tắn và thân thiện của mình, đặc biệt là khi tiếp xúc và đón tiếp họ hàng, bạn bè nhà chồng. Những ngày đầu năm mới thì ai chẳng thích gặp một cười vui vẻ, luôn giữ được nụ cười trên môi và thân thiện, nhiệt tình với mình phải không nào?
Nhớ tên mọi người
Vì là lần đầu tiên đón Tết ở nhà chồng, có thể sẽ có những người họ hàng mà bạn vừa mới gặp 1-2 lần. Tuy nhiên, hãy cố gắng nhớ tên mọi người và những đặc điểm, sở thích của mọi người. Bạn có thể nhờ chồng hỗ trợ, nhắc khéo nếu quên để tạo được ấn tượng tốt trong năm đầu đón Tết xa nhà.
Ứng xử đúng mực
Việc thân thiện, nhiệt tình là điều cần làm. Tuy nhiên, bạn không nên hồ hởi quá mức mà bỏ qua các giới hạn, phép tắc. Đón Tết ở nhà chồng, đặc biệt là trong năm đầu tiên sẽ không thể thoải mái như khi đón Tết ở nhà bố mẹ đẻ.
Do đó, bạn nên cẩn trọng lời nói và hành động của mình. Tránh hỏi các vấn đề nhạy cảm, kể xấu mẹ chồng với họ hàng hay đem chuyện vợ chồng ra để tán gẫu,… Những hành động như ngồi gác chân lên ghế, ngủ nướng đến trưa trong khi cả nhà đang dọn dẹp, ăn mà không mời người lớn,… cũng nên hạn chế để tránh làm phật lòng gia đình nhà chồng.
Thân thiện với những đứa trẻ
Nhiều người cho rằng trẻ con thì chẳng có liên quan gì đến tình cảm giữa nhà chồng và nàng dâu. Nhưng nếu bạn thân thiện với những đứa trẻ và được những đứa trẻ yêu mến thì bố mẹ chồng cũng sẽ “ưng bụng” hơn rất nhiều về con dâu của mình đấy!
Chuẩn bị “đáp án” cho những tình huống có thể xảy ra
Khi ở nhà chồng và đón Tết, bạn nên chuẩn bị sẵn lời chúc Tết cho bố mẹ chồng, họ hàng xem nên nói gì để mọi người hài lòng. Ngoài ra, khi giao tiếp, bạn cũng có thể được hỏi những câu như khi nào hai vợ chồng dự định cưới, đi làm lương cao không, có tính sinh con trong năm nay không,…
Hãy chuẩn bị sẵn đáp án cho một vài tình huống để tránh bị động và dẫn đến việc bối rối không biết làm gì khi đón Tết ở nhà chồng bạn nhé.
Đón Tết ở nhà chồng năm đầu tiên thường khó tránh khỏi sai sót, dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười. Để mọi việc thuận lợi hơn thì hãy ghi nhớ ngay những bí quyết mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ bạn nhé.