Mẹ và Con - Để phòng chống xâm hại trẻ em, bên cạnh việc xây dựng các phuơng pháp bảo vệ trẻ thì việc dạy trẻ tự bảo vệ chính mình cũng vô cùng quan trọng.

Lạm dụng, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra hằng ngày, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả nhiều quốc gia khác, kể cả quốc gia đang phát triển lẫn quốc gia phát triển. Để phòng chống xâm hại trẻ em, không chỉ chờ vào nhà trường hay xã hội, mà bố mẹ và những người thân trong gia đình cũng có thể chủ động bảo vệ thiên thần nhỏ của mình.

Có nhiều hình thức xâm hại trẻ em mà chúng ta không nghĩ đến

Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định:

“Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.”

Theo thông tin từ Cục trẻ em, có gần 8.000 vụ xâm hại trẻ em trong cả nước từ năm 2020 đến hết tháng 9.2023. Trong đó, khoảng 80% là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, ngoài hành vi xâm hại thân thể thì còn có nhiều hình thức xâm hại trẻ khác như ngược đãi, đánh đập trẻ; chửi bới, đe dọa, lăng mạ hoặc gây tổn hại về tinh thần của trẻ; yêu cầu trẻ thực hiện các hành vi chưa phù hợp để trục lợi cá nhân; tước đoạt quyền sống của trẻ;…

Việc xâm hại trẻ em được cụ thể hóa dưới nhiều hình bối cảnh, trạng thái như xúi giục hoặc ép trẻ tảo hôn; bỏ rơi trẻ; chiếm đoạt trẻ em; mua bán, bắt có trẻ em; công bố thông tin cá nhân, bí mật của trẻ mà chưa có sự đồng ý của trẻ, bố mẹ hay người giám hộ; xâm hại tình dục; kỳ thị trẻ em vì đặc điểm tôn giáo, hoàn cảnh gia đình, ngoại hình;…

hành vi xâm hại trẻ em

Xây dựng “tấm khiên” phòng chống xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em bị xâm hại

Để bảo vệ trẻ khỏi tình trạng bị xâm hại cũng như kịp thời hỗ trợ khi trẻ bị xâm hại, bố mẹ, người thân trong gia đình hay thầy cô có thể:

Dạy trẻ hiểu như thế nào là xâm hại

Bên cạnh những yếu tố như trẻ được sống và học tập trong môi trường chưa an toàn hay công tác tuyên truyền, vận động còn chưa hiệu quả thì trẻ em chưa được giáo dục, hướng dẫn để tự bảo vệ mình cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trường hợp trẻ bị xâm hại tăng lên.

Cần dành thời gian để dạy trẻ như thế nào là xâm hại, những hành vi nào là “không được phép”, bao gồm cả việc đánh đập trẻ hay yêu cầu con làm những điều không phù hợp như trốn học, nói dối ai đó,…

Hướng dẫn trẻ về những bộ phận trên cơ thể

Sự ngây thơ và non nớt của trẻ sẽ gián tiếp làm gia tăng các vụ xâm hại trẻ em. Vì thế, bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ hiểu được về các bộ phận trên cơ thể, đâu là vùng kín, đâu là những vùng cấm mà người khác không được nhìn, sờ chạm vào.

Khi hướng dẫn, nên giải thích cụ thể và rõ ràng với trẻ để con hiểu được tầm quan trọng của việc tự bảo vệ cơ thể mình và vì sao không một ai có quyền chạm vào cơ thể của trẻ.

Dạy trẻ đề cao cảnh giác cả với những người thân thiết

Xâm hại trẻ em có thể diễn ra ở bất cứ đâu và ai cũng có thể là thủ phạm của những hành vi xâm hại này. Đây chính là điều mà bố mẹ cần dạy trẻ khi nhắc đến chủ đề bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn xâm hại.

cách phòng chống xâm hại trẻ em

Hãy giúp trẻ hiểu được, con cần đề cao cảnh giác với tất cả mọi người, cho dù đó là thầy cô, bác hàng xóm qua nhà chơi mỗi ngày hay người anh họ thân thiết của con…

Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh với con rằng kể cả những nơi như sân chơi dưới nhà, đầu ngõ, sân vườn,… đều không an toàn, đặc biệt là những nơi vắng người. Do đó, con cần đề cao cảnh giác mọi lúc, mọi nơi và với tất cả mọi người.

Đặt camera xung quanh nhà và trong khuôn viên nhà ở

Xâm hại trẻ em có thể đến từ chính người giúp việc trông trẻ hay thậm chí là những người thân trong gia đình. Do đó, nếu có điều kiện, bố mẹ có thể lắp đặt camera ngay trong nhà ở, chẳng hạn như lắp camera tại phòng khách, bếp, ban công,…

Ngoài ra, để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại, lạm dụng, bố mẹ có thể lắp camera trước cổng nhà, khu vực sân,… để luôn theo dõi các đối tượng tiếp cận trẻ.

Xem thêm: Lạm dụng tình dục trẻ em: Đừng để quá muộn mới phát hiện, mẹ ơi

Căn dặn trẻ về việc không được ở riêng với người khác hay đi với người khác

Đặc biệt, một điều quan trọng khi phòng chống xâm hại trẻ em chính là việc căn dặn trẻ là không được phép ở một mình hay đi với người khác (ngoài bố mẹ) nếu chưa có sự đồng ý của bố mẹ. Điều này sẽ phần nào giúp trẻ tránh được rủi ro bị xâm hại.

Dạy trẻ cách xử lý khi người khác thực hiện hành vi không phù hợp với trẻ

Để phòng chống xâm hại trẻ em, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách xử lý khi một ai đó thực hiện hành vi không phù hợp. Cụ thể, nếu một ai đó, kể cả người thân trong gia đình hay bố mẹ, thầy cô có những hành vi này thì con cần phản kháng bằng cách cố gắng bỏ trốn, la lớn lên để cầu cứu những người xung quanh.

phòng chống xâm hại trẻ em

Hướng dẫn con các số điện thoại quan trọng

Hiện nay, một số dòng điện thoại dành riêng cho trẻ em có chức năng thiết lập các số điện thoại khẩn. Chẳng hạn như khi con bấm phím 1 sẽ gọi cho bố, phím 2 sẽ gọi cho mẹ, phím 3 sẽ gọi 113,…

Nên hướng dẫn trẻ cách thực hiện gọi đến các số điện thoại này trong tình huống bị người xấu tấn công. Ngoài ra, bố mẹ cũng đừng quên để trẻ học thuộc số điện thoại bố mẹ và 113 để có thể gọi ngay khi có cơ hội.

Nhận biết các bất thường ở trẻ

Một đứa trẻ bị lạm dụng hoặc xâm hại có thể cảm thấy tội lỗi, xấu hổ hoặc bối rối. Trẻ có thể ngại nói với bất kỳ ai về việc bị lạm dụng, đặc biệt nếu kẻ bạo hành là cha mẹ, người thân hoặc bạn bè của gia đình. Đó là lý do tại sao việc chú ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ vô cùng quan trọng để sớm phát hiện các vấn đề xâm hại trẻ em ngay khi trường hợp vừa xảy ra hay ở mức độ nhẹ.

Trẻ bị xâm hại có thể có các dấu hiệu như:

  • Rút lui khỏi bạn bè hoặc các hoạt động thông thường
  • Những thay đổi trong hành vi – chẳng hạn như hung hăng, giận dữ, hiếu động thái quá
  • Có những thay đổi trong kết quả học tập, thường là tiêu cực như kết quả học tập giảm sút, không thuộc bài,…
  • Đột nhiên có thái độ sợ sệt hoặc ghét bỏ ai đó mà trước đây trẻ từng gặp và cư xử bình thường
  • Trầm cảm, lo lắng hoặc sợ hãi bất thường
  • Đột ngột mất tự tin
  • Rối loạn giấc ngủ và thường xuyên gặp ác mộng
  • Có hành vi nổi loạn hoặc thách thức
  • Trốn học
  • Tự làm hại bản thân hoặc cố gắng tự tử

Các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể tùy thuộc vào loại xâm hại trẻ em và có thể khác nhau. Hãy nhớ rằng các dấu hiệu cảnh báo chỉ có thế gợi ý việc trẻ bị xâm hại chứ không hoàn toàn đồng nghĩa với việc trẻ đang bị xâm hại.

xâm hại trẻ em

Dạy trẻ biết cách chia sẻ nếu chẳng may bị xâm hại

Rất nhiều trường hợp xâm hại trẻ em không được phát hiện sớm. Kẻ xấu nhởn nhơ thực hiện hành vi đồi bại của mình nhiều lần do trẻ bị xâm hại nhưng do tâm lý sợ bị bố mẹ trách phạt hay bị kẻ xấu đe dọa nên đã im lặng chịu đựng.

Vì thế, bố mẹ cần để trẻ hiểu rằng việc bị lạm dụng hay xâm hại không phải là lỗi của mình và sẽ không ai có quyền làm tổn thương trẻ khi con nói ra việc này. Như vậy, trẻ sẽ có nhiều khả năng tố cáo kẻ phạm tội hơn.

Cho dù bạn là bố mẹ hay người lớn khác trong cuộc đời của một đứa trẻ, bạn vẫn có thể chung tay góp phần giúp phòng chống xâm hại trẻ em, giúp nâng cao hạnh phúc trong cuộc sống của trẻ. Đừng thờ ơ mà hãy cùng góp phần tạo nên lá chắn để không một trẻ em nào bị xâm hại, lạm dụng bạn nhé!

Bài viết liên quan