Mẹ và Con - Giáo dục con tuổi dậy thì cần sự kiên nhẫn và chút khéo léo. Bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh cảm thấy dễ dàng hơn khi dạy con ở độ tuổi ẩm ương này.

Nhiều bậc phụ huynh xem nhẹ vấn đề giáo dục tuổi dậy thì, vì phần lớn đều cho rằng nó là quá trình phát triển tự nhiên. Cũng chính vì chủ quan với những thay đổi của con trong giai đoạn “ẩm ương” này mà nhiều trẻ phải tự trải qua những tác động tiêu cực về tâm, sinh lý do không có sự điều hướng kịp thời của ba mẹ. 

giáo dục tuổi dậy thì

Cung cấp kiến thức và trò chuyện cùng con 

Bởi vì không thể tự mình lường trước biết được những gì có thể xảy ra và có khả năng thay đổi cuộc sống mình nên nhiều trẻ đã không có nhận thức đúng đắn và phát triển “lệch lạc”. Vì vậy, vai trò của ba mẹ lúc này sẽ là những người thường xuyên trò chuyện cùng con, cảnh báo, nói trước cho con biết và giải thích cho con hiểu chính xác, cặn kẽ về những gì sắp xảy ra trong độ tuổi dậy thì.

Khoảng thời gian từ 8 – 15 tuổi sẽ diễn những sự thay đổi hormone ở buồng trứng đối với bé gái và tinh hoàn đối với bé trai. Đây cũng chính là thời điểm mà các bé có những biến động về mặt sinh lý, tình cảm. Do vậy, khi con đến độ tuổi này, chúng ta nên chuẩn bị cho con kiến thức liên quan. Khi có sự hiểu biết chính xác, các bé sẽ không còn sợ hãi, mang tâm lý hoang mang, cũng như còn có khả năng tự chăm sóc mình, và sẵn sàng kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh khi cần thiết.

dậy thì

Giúp con nhận thức về những thay đổi của cơ thể 

Con bạn sẽ so sánh cơ thể của mình với bạn bè và có thể cảm thấy lo lắng về sự phát triển của bản thân. Điều tốt nhất bạn nên làm là thể hiện sự hiểu biết và giải thích về sự tự nhiên của tiến trình phát triển và vẻ đẹp đa dạng về hình dáng và kích cỡ. Từ đó, các bé hiểu được lý do vì sao mà cơ thể mình có sự thay đổi rõ rệt và sẽ không mang cảm giác tự ti khi nhận thấy gương mặt nổi nhiều mụn, ba vòng trên cơ thể nảy nở hơn, lông tóc mọc nhiều hơn,…

Cụ thể đối với các bé gái, mẹ cần dạy cho con biết về kỳ kinh nguyệt đầu tiên, nó sẽ có những triệu chứng gì và cách xử lý ra làm sao. Song song với việc bổ sung kiến thức cho bé, mẹ cũng nên chuẩn bị các vật dụng đặc biệt hỗ trợ cho kỳ kinh nguyệt và hướng dẫn con cách sử dụng và chăm sóc bản thân.

Đối với bé trai, cung cấp kiến thức về những thay đổi sinh học còn rất cần thiết với trẻ. Bố mẹ đừng ngại khi để con tiếp xúc với các thông tin liên quan, hoặc thậm chí có thể giảng, dạy cho con về mùi cơ thể, tone giọng nói trở nên trầm hơn, kích thước của tinh hoàn và dương vật phát triển rõ rệt… 

Lắng nghe tâm sự của con 

giúp con dậy thì thành công

Ngoài những sự phát triển vượt bậc về vóc dáng, cơ thể, giai đoạn này cũng diễn ra hàng loạt những thay đổi về mặt tâm tính. Có thể con bạn sẽ trở nên “ta đây” muốn chứng tỏ bản thân và nhận được nhiều sự chú ý từ những người xung quanh. Hoặc bạn cũng có thể bắt gặp một số diễn biến tâm trạng khác thường của bé như: dễ tự ái, bất cần, dễ bốc đồng, nổi nóng, dễ tổn thương và trở nên tự ti…

Dù là bất kỳ sự thay đổi nào đi chăng nữa thì khi hiểu được tâm lý “bấp bênh” của con trong thời gian này, chắc hẳn ba mẹ nào cũng nên mở lòng lắng nghe tiếng nói của con, chắt lọc những mong muốn của trẻ và cho phép con được “thử” những điều mình muốn trong giới hạn cho phép và có thể kiểm soát được. Nếu những thay đổi tâm lý này không được sâu sát kịp thời, lâu dần sẽ trở thành hàng rào ngăn cách tình cảm giữa bạn và con cái. Cách duy nhất để hiểu con và gần con nhất là trở thành những người “bạn tri kỷ” lắng nghe con thật nhiều.

Luôn kích thích con suy nghĩ tích cực 

Không có nhiều bậc cha mẹ thật sự quan tâm và dành thời gian “tưới tắm” cho mảnh đất tâm hồn của con. Trong đó tư duy tích cực sẽ là nền tảng xây dựng nên sự tự tin, từ đó giúp con thoải mái khám phá thế giới và đối diện với những thử thách cuộc đời bằng tâm thế nhẹ nhàng hơn. 

dậy thì thành công

Trong độ tuổi dậy thì, trước những khủng hoảng của sự thay đổi, tâm lý của trẻ dễ “tụt dốc”, bi quan và rồi sẽ dẫn đến việc mất dần niềm tin cho bản thân mình. Suy nghĩ tích cực nhắc nhớ về những điều tươi đẹp mà con nên hướng về trong cuộc sống để thích ứng với trở ngại và vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.

Tạo điều kiện cho con phát triển tự lập 

Tuổi dậy thì cũng là lứa tuổi đánh dấu một cột mốc trưởng thành quan trọng, ở giai đoạn này, phần lớn cái tôi cá nhân sẽ được đánh thức mạnh mẽ. Rất nhiều bạn trẻ muốn thể hiện sự mạnh mẽ, độc lập trong suy nghĩ và hành động của mình. Ba mẹ sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy ở con có sự chống đối và bài xích những tư tưởng hoặc cách giáo dục mà chúng ta vẫn thường răn dạy chúng.

Thay vì bắt buộc, gò ép con vào một khuôn khổ mà bạn vẫn luôn nghĩ là đúng, thì hãy cho con có quyền đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm trước những hành động của chúng. Chẳng hạn như cho con tự quyết định về quần áo, cách chăm chút ngoại hình, việc học tập,… Lúc này, bạn đóng vai trò như một người quan sát trung lập, luôn bên cạnh và cho con lời khuyên, hoặc lời động viên, an ủi mà không nhất thiết trực tiếp “tham chiến” vào từng quyết định của chúng, Đây là cơ sở cho việc hình thành tư duy độc lập cho bé mà không cần truyền tải lý thuyết suông. 

Thúc đẩy con tìm hiểu về bản thân và theo đuổi đam mê

Đừng để trẻ lớn lên mà chính bản thân chúng không thật sự hiểu mình là ai và mình muốn gì. Nhiều bạn trẻ bộc bạch phải tuân theo lời của ba mẹ, làm theo nguyện vọng của ba mẹ, mà ước mơ và khát vọng của chính họ đã bị lu mờ hoặc không nắm bắt kịp thời. Ba mẹ nào cũng có ý định tốt dành cho con mình, nhưng cách truyền đạt tình thương và cách dạy có thể sai lệch, không tốt cho con. 

Bạn nên âm thầm theo dõi về năng khiếu và sở trường của con, tạo không gian cho bé phát huy triệt để khả năng của mình. Nếu con chưa thể tìm ra được điểm mạnh, ba mẹ sẽ là những người cùng con khơi dậy ý thức về tài năng của bản thân. Mỗi đứa trẻ đều có vai trò riêng của nó trong cộng đồng mà nó lớn lên và sinh sống, vậy nên thúc ép trẻ phát triển theo một hướng khác mà chúng không thuộc về sẽ vô tình tạo nên sự thất bại ở cả hai phía, ở bạn và ở con sau này. 

Ngoài ra, để giúp con vượt qua giai đoạn dậy thì, bạn cũng đừng quên việc thường xuyên khen ngợi con bạn vì những nỗ lực, thành tích và hành vi tích cực của chúng. Luôn đặt mình vào vị trí của con bạn và cố gắng thấu hiểu. Và hãy luôn bình tĩnh khi con bạn bộc phát cơn giận dữ và chờ cho đến khi trẻ bình tâm rồi hãy khuyên dạy về những điều nên làm.

Bài viết liên quan