Cao răng là gì?
Cao răng hay vôi răng, thực chất là những mảng cứng bám xung quanh cổ răng, có thể xuất hiện ở ngay hoặc phía trên đường viền lợi. Chúng thường có màu vàng hoặc đen, thô cứng, có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường. Thành phần của cao răng gồm carbonat canxi và phosphate với cặn mềm, vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô.
Nguyên nhân hình thành cao răng
Ngay sau khi ăn xong, nếu răng không được chải sạch sẽ, các mảng bám thức ăn sẽ tích tụ trên bề mặt răng. Khi gặp các chất khoáng trong miệng, chúng sẽ đóng thành mảng cứng. Sau khoảng 1 tuần các mảng bám ấy sẽ biến thành cao răng.
Cao răng là những mảng cứng bám ngay hoặc trên đường viền nướu. (Ảnh minh họa)
Tác hại của cao răng
Cao răng có màu vàng xỉn, thô cứng, nặng mùi không chỉ gây mất thẩm mỹ, mà còn là nguyên nhân của các vấn đề về răng miệng cụ thể như:
– Trong cao răng chứa rất nhiều vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm nha chu, dẫn đến tiêu xương ổ răng, khiến răng dễ bị tụt nướu, ê buốt, đau đớn khi ăn uống. Nếu tình trạng kéo dài có thể khiến răng bị yếu và dễ rụng.
– Người có cao răng thường dễ mắc các bệnh viêm nướu. Biểu hiện rõ nhất của bệnh này là miệng có mùi hôi, đánh răng bị chảy máu.
– Ngoải ra, cao răng còn có thể gây ra các bệnh viêm nạp miệng, lở miệng, viêm họng, viêm amidan…
Bao lâu thì nên lấy cao răng?
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, nếu phát hiện mình có cao răng, bạn nên nhanh chóng đến gặp nha sĩ để được cạo sạch vôi răng. Thông thường, cao răng cần phải được cạo sạch định kỳ 4 – 6 tháng/lần. Nha sĩ có thể dùng dùng cụ cầm tay hoặc máy siêu âm để cạo vôi răng. Sau khi cạo, bề mặt răng sẽ trở nên láng, mịn, nhưng đi kèm đó là cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày lấy cao răng.
Cao răng cần được cạo định kỳ 4 – 6 tháng/lần. (Ảnh minh họa)
Lấy cao răng bằng nguyên liệu tự nhiên
Ngoài phương pháp cạo vôi ở các phòng khám nha khoa bằng các dụng cụ chuyên dụng, bạn có thể kết hợp một số nguyên liệu tự nhiên như: baking soda, chanh, giấm… để làm sạch răng tại nhà. Lưu ý, bạn không nên sử dụng thường xuyên, tốt nhất chỉ nên áp dụng 1-2 lần/tuần để tránh gây tổn hại đến nướu và men răng.
Baking soda + nước ấm
Cách đơn giản và thông dụng nhất là bạn hãy trộn ít bột baking soda với nước ấm. Sau khi đánh răng, bôi đều hỗn hợp này lên răng, đặc biệt là ở xung quanh đường viền nướu, kết hợp với chà xát nhẹ nhàng. Giữ hỗn hợp trên vài phút rồi súc miệng lại như bình thường.
Baking soda + vỏ chanh + muối
Trộn hỗn hợp vỏ chanh, baking và ít muối để thay thế kem đánh răng. Cách làm này giúp “đánh bay” mảng bám xung quanh cổ răng và có tác dụng làm trắng răng rất hiệu quả.
Chanh là một trong những nguyên liệu giúp loại bỏ cao răng hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Muối + baking soda + oxy già
Trộn đều 1 muỗng canh bột baking soda với nửa muỗng cà phê muối. Rửa sạch bàn chải bằng nước ấm, nhúng bàn chải vào hỗn hợp trên và chải răng thật đều trong 5 phút, sau đó súc miệng lại bằng nước ấm.
Tiếp theo, bạn hòa oxy già với nước ấm theo tỷ lệ 2:1 và dùng hỗn hợp này để súc miệng trong 1 phút. Súc miệng lại bằng nước ấm. Bạn có thể dùng bàn chải chà nhẹ nhàng cao răng rồi súc miệng lại.
Giấm và muối
Bên cạnh chanh, hỗn hợp muối và giấm ăn cũng có tác dụng làm sạch răng và mềm mảng bám hiệu quả. Trộn 2 muỗng cà phê giấm ăn với nửa muỗng cà phê muối, cho nửa chén nhỏ nước ấm vào hỗn hợp trên, khuấy đều. Dùng dung dịch này để ngậm và súc miệng sau khi đánh răng hàng ngày.
Các phương pháp trên không chỉ giúp bạn dần loại bỏ cao răng mà nó còn có khả năng khử sạch các vi khuẩn gây mùi. Nhờ đó, bạn có thể phòng ngừa các bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu và giữ hơi thở luôn thơm mát.