Me&con-Người ta thường nói trái tim phụ nữ mong manh. Xét về góc độ y học, điều này không sai. Bởi, trái tim phụ nữ, nếu bị tổn thương, thì khả năng làm mẹ cũng giảm. PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM sẽ giải đáp xung quanh vấn đề này. Tiêm gì trước khi làm mẹ?

Thưa PGS-TS, trước nay người ta vẫn cho rằng, phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu có lấy chồng thì không nên mang thai; nếu có thai, không nên sinh con… những điều này có đúng?

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Quan điểm trên khá xưa rồi. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học hiện đại, các thầy thuốc đã có nhiều phương pháp trợ giúp và theo dõi sát trong thời kỳ mang thai để có những phương pháp hỗ trợ như sinh mổ chủ động, chống suy tim… giúp người mẹ bị bệnh tim không quá nặng có thể sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, người bệnh tim chỉ nên sinh một lần thôi, vì nếu mang thai và sinh nhiều lần quá, tim sẽ phải làm việc nhiều, dẫn đến suy tim.

làm mẹ

 Nếu người phụ nữ vẫn quyết liệt muốn có con thì cần lưu ý gì? Trường hợp nào thì được mang thai và không nên mang thai? Những chị em có thể mang thai nên chuẩn bị gì về tâm lý và sức khỏe?

– Tùy theo đánh giá của bác sĩ (BS) chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân suy tim độ I-II trong phân loại của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thì có thể mang thai, còn từ độ III trở nên thì không nên.

Trong quá trình mang thai, bệnh nhân phải được theo dõi sát sao và cần chuẩn bị tâm lý có thể chấm dứt thai kỳ bất cứ lúc nào nếu thai nhi và sự mang thai ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ.

Một vấn đề nữa, bệnh tim không phải là bệnh di truyền nên mẹ bị, con có thể không bị, trừ khi quá trình mang thai làm ảnh hưởng đến yếu tố di truyền như người mẹ bị cúm, bị bệnh Rubella… và một số bệnh khác gây dị tật tim bẩm sinh cho bé.

* Một nghiên cứu ở Anh cho rằng, phụ nữ mang thai mắc bệnh tim tử vong nhiều gấp 100 lần so với phụ nữ mang thai có sức khỏe bình thường. Các tác giả nghiên cứu cũng nhận thấy có khoảng 0,9% phụ nữ mang thai ở Anh có bệnh tim. Đặc biệt, TS Mark Johnson (Đại học Hoàng gia London, Anh) cho rằng bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất đối với phụ nữ mang thai. Điều này có đúng không thưa BS?

– Hoàn toàn đúng, vì ngay ở những người bình thường khi mang thai, nguy cơ tử vong do thuyên tắc ối cũng rất cao. Ngoài ra, sản phụ còn có thể tử vong vì nhiều nguy cơ khác.

* Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi nhiều về tâm lý, nội tiết, tuần hoàn… đặc biệt sẽ xuất hiện các biến đổi của tim và mạch máu. Nhưng phần lớn chị em khi mang thai mới phát hiện ra mình có bệnh tim. Vậy, chị em trước khi chuẩn bị làm mẹ cần phải làm gì?

– Tốt nhất, trước khi kết hôn, cả vợ và chồng nên đi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, trong đó có cả khám tim mạch. Phải khám kỹ, chứ không nên khám như kiểu kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cho cán bộ nhân viên các cơ quan xí nghiệp hiện nay.

Khi mang thai, do các biến đổi về nội tiết tố như gia tăng lượng progesteron, giảm estrogen, do chèn ép của thai nhi và hệ tĩnh mạch vùng chậu nên gây ra hiện tượng phù, giữ nước nhiều, làm tăng gánh nặng cho tim, tim phải co bóp nhiều hơn nên tăng khả năng suy tim. Khi có thai, sản phụ nên nằm đầu cao và gác chân cao khoảng 30o so với thân để máu về tim dễ dàng, giảm bớt việc gia tăng sức co bóp của cơ tim.

Điểm then chốt là phụ nữ bệnh tim cần được phát hiện bệnh trước khi mang thai để được điều trị ổn định và được theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ.

Tuy nhiên, trong thai kỳ, việc chẩn đoán bệnh tim rất khó khăn vì các triệu chứng của bệnh thường bị nhầm lẫn với những triệu chứng mang thai như khó thở, mệt mỏi và ợ nóng. Đồng thời, các BS cũng ít nghĩ đến bệnh lý tim khi khám cho thai phụ. Vì thế, khi chăm sóc thai phụ có các yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, béo phì, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, thầy thuốc cần nghi ngờ bệnh tim nếu thai phụ than bị đau ngực hoặc khó thở, để chuyển bệnh nhân đến BS chuyên khoa tim mạch kịp thời.

* Xin cám ơn BS.

 

 

Tags:

Bài viết liên quan