Trẻ nhút nhát kém tự tin – những biểu hiện này tưởng chừng như vô hại nhưng lại có tác động không nhỏ tới quá trình phát triển tâm lý của bé về lâu dài. Trong bài viết này, các mẹ hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu những nguyên nhân, biểu hiện thường gặp và hệ lụy của việc thiếu tự tin để áp dụng những phương pháp giúp con cải thiện sớm.
Trẻ nhút nhát kém tự tin thường có biểu hiện gì?
Bất kỳ ai cũng phải trải qua những khoảnh khắc hoài nghi về bản thân, thiếu tự tin và dè dặt trước mọi chuyện. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cha mẹ cần để ý đến những hành vi dưới đây của con để kịp thời tìm cách xử lý khi trẻ nhút nhát kém tự tin:
- Thiếu sự chủ động trong mọi việc, không muốn làm người tiên phong.
- Dùng những cụm từ và cách biểu đạt tiêu cực để nói về bản thân.
- Thường xuyên so sánh bản thân với những bạn bè đồng trang lứa và nghĩ mình kém cỏi hơn.
- Để ý quá mức đến ánh nhìn và thái độ đánh giá của người khác về bản thân.
- Tâm trạng thay đổi thất thường, có khi trở nên buồn bã, tức giận, chán nản và thu mình hơn.
- Khó kiểm soát sự bình tĩnh, dễ kích động.
- Không thích giao lưu với những người khác, thích ở một mình.
- Cố gắng tìm cách lẩn tránh những cuộc hội thoại có sự tham gia của nhiều người.
- Khó chấp nhận lời khen hoặc sự chê bai từ người khác.
- E ngại và không dám thử những thói quen, thử thách mới.
- Dễ từ bỏ và nói “Con không thể” mỗi khi gặp nhiệm vụ khó khăn.
- Khó có thể chấp nhận thất bại, không thể đối mặt và vượt qua thất bại.
- Có xu hướng đổ lỗi cho những yếu tố khác khi làm sai chuyện gì.
- Không còn hứng thú với những sở thích cũ.
- Kết quả học tập bỗng dưng sa sút.
Trẻ nhút nhát kém tự tin vì nguyên nhân gì?
Tính cách được hình thành từ môi trường sống, việc trẻ nhút nhát và thiếu tự tin cũng bắt nguồn từ nhiều tình huống trong đời sống hàng ngày. Một số nguyên nhân có thể khiến trẻ ngày càng khép mình hơn là:
So sánh bản thân với người khác
Độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi là lúc trẻ bắt đầu biết tự so sánh mọi thứ của bản thân với những bạn bè cùng trang lứa. Hành vi phát sinh có thể do yếu tố bản năng và nhận thức xã hội.
Theo chuyên gia tâm lý học, những hành vi con tự so sánh với người khác là một trong những cuộc đấu tranh tâm lý gay gắt nhất mà con phải đối mặt. Sau khi so sánh, một số trẻ sẽ hiểu rõ năng lực bản thân hơn, trong khi một số khác lại có cảm giác thấp kém, dần trở thành đứa trẻ nhút nhát kém tự tin
Cảm thấy bản thân không đủ giỏi
Tâm lý này thường xuất hiện ở những bạn nhỏ đã đến tuổi đi học hoặc bị so sánh với người khác về các mốc phát triển nhận thức. Khi con nhận thấy nỗ lực của mình không có kết quả tốt như người khác, con sẽ sinh ra cảm giác thiếu tự tin. Đặc biệt với những trẻ ở độ tuổi đi học và biết rõ mình thích môn gì, lĩnh vực gì, tình trạng này rất đáng lo ngại.
Ví dụ, bé có thể không quan tâm nếu bị điểm xấu ở một môn học mình không yêu thích. Tuy nhiên, khi con không có kết quả tốt ở lĩnh vực yêu thích, con sẽ hoài nghi về năng lực bản thân.
Cha mẹ quá bảo bọc
Nhiều gia đình chọn cách bảo bọc con quá mức vì lo ngại những tác động bên ngoài có thể làm tổn thương con. Hành động này vô tình làm trẻ nhút nhát kém tự tin, rụt rè hơn trước những thử thách mới. Con e ngại và không dám dấn thân, trải nghiệm những thói quen mới lạ. Đôi khi, hành động bảo bọc quá mức của cha mẹ còn khiến con trở nên ỷ lại và sợ hãi mọi thứ nhiều hơn.
Xem thêm: 6 dấu hiệu cho thấy bạn đang bảo bọc con quá mức
Hoạt động hàng ngày xoay quanh các thiết bị công nghệ
Nhịp sống bận rộn khiến đôi khi cha mẹ phải dỗ bé chơi ngoan bằng cách cho con xem các chương trình trên tivi, điện thoại hoặc máy tính bảng.
Mặc dù các chương trình dành cho trẻ trên Internet ngày nay rất đa dạng, bổ ích nhưng khi xem quá nhiều, trẻ có thể bị thiếu đi sự nhanh nhạy, lanh lợi. Từ đây, trẻ nhút nhát kém tự tin và dần trở nên khép mình, ngại giao tiếp và chỉ chú tâm vào những thiết bị công nghệ.
Trẻ bị sang chấn tâm lý do bị bắt nạt
Đôi khi, con có thể gặp phải những tình huống bị lép vế trước bạn bè cùng trường, lớp hoặc trong sân chơi. Tình huống tưởng chừng đơn giản này lại gây ra nhiều hệ lụy về sau. Nó có thể khiến con cảm thấy mất tự tin vào bản thân và sợ hãi mọi thứ xung quanh.
Sự kém tự tin gây tác động đến tâm lý trẻ như thế nào?
Sự tự tin sẽ là chìa khóa để con dám bước ra khỏi “vùng an toàn”, khám phá những điều kỳ thú của thế giới xung quanh. Tuy nhiên, thật không may, đứa trẻ thiếu tự tin và nhút nhát sẽ e dè trước những điều này. Ngoài ra, con còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực như:
- Khó hòa nhập: Trẻ có thể không cảm thấy thoải mái khi giao tiếp và ở trong một môi trường có nhiều người lạ. Con sẽ có xu hướng tránh né sự tương tác với mọi người. Về lâu dài, con sẽ bỏ lỡ mất nhiều hoạt động xã hội và giảm đi cơ hội được học những cái mới.
- Mất niềm tin vào bản thân: Trẻ sợ sệt và nhút nhát sẽ luôn nhìn nhận bản thân con theo cách tiêu cực. Ngay cả biểu hiện bên ngoài của trẻ cũng khiến cha mẹ lo lắng, chẳng hạn như vai sụp xuống, nét mặt buồn, thần thái u ám, đôi mắt không có sức sống,…
- Không có động lực phấn đấu: Trẻ tự ti sẽ lo sợ và không dám đối mặt với thất bại. Điều này có thể khiến con “chùn bước” trước những thách thức trong tương lai, không có niềm tin và ý chí để bắt đầu bất kỳ mục tiêu nào.
Những phương pháp giúp trẻ tự tin hơn mỗi ngày
Khi nhận thấy con bắt đầu có những biểu hiện của sự nhút nhát, khép mình và thiếu tự tin vào bản thân, cha mẹ nên áp dụng ngay một số phương pháp sau để giúp con cải thiện tình trạng này.
- Thể hiện tình cảm với bé rõ ràng hơn: Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn khi cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Con sẽ cảm thấy bản thân là một người đặc biệt và dần mở lòng, tin tưởng vào bản thân hơn.
- Không nên phê bình con quá gay gắt: Cha mẹ nên kiềm chế sự nóng giận, giữ sự bình tĩnh khi chỉ ra lỗi sai của con. Đôi khi tâm trọng nóng nảy khiến cha mẹ nói ra những lời gay gắt với con. Điều này có thể khiến bé trở nên sợ hãi và khép mình hơn.
- Khen ngợi những nỗ lực của con: Cha mẹ hãy trân trọng sự cố gắng và thành quả con đạt được. Một lời khen chân thành và động viên, khích lệ sẽ khiến con cảm thấy vui vì những nỗ lực đã bỏ ra. Từ đó, trẻ sẽ có động lực cố gắng hơn.
- Giúp con tìm ra điểm mạnh của bản thân: Những bạn nhỏ tự ti có xu hướng phê phán bản thân và không biết mình giỏi ở điểm nào. Tuy vậy, nếu cha mẹ cùng con khám phá bản thân để tìm ra thế mạnh cũng như điểm yếu, trẻ sẽ dần tự tin hơn và ngày càng phát huy ưu điểm đó.
- Khuyến khích con thể hiện cảm xúc: Trẻ nhút nhát thiếu tự tin hay che giấu cảm xúc và sống nội tâm. Cha mẹ hãy gần gũi, chia sẻ nhiều hơn để con cảm thấy thoải mái mở lòng và lạc quan hơn. Với những vấn đề khiến con cảm thấy tiêu cực, cha mẹ hãy cùng con phân tích để hiểu hơn về cảm xúc của bản thân.
- Cùng con đối mặt với sai lầm: Nhiều trẻ có thái độ cầu toàn đơn giản chỉ vì sợ sai. Cha mẹ hãy động viên con chấp nhận cả điểm mạnh và hạn chế của bản thân. Chỉ khi con mở lòng với điểm yếu của mình, con mới dần dạn dĩ và tự tin hơn.
Trẻ nhút nhát kém tự tin là điều không cha mẹ nào mong muốn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không xử lý khéo léo, con sẽ càng trở nên khép mình hơn. Hy vọng, những thông tin hữu ích trên đây có thể giúp cha mẹ hiểu hơn về tâm lý và hành vi của trẻ, từ đó áp dụng những cách cư xử phù hợp để con cảm thấy được khen ngợi và dần tự tin hơn.