Mẹ&Con - Bên cạnh những giải pháp gợi ý đã nhắc đến ở bài viết“Kén cá chọn canh”, xin nhắc thêm mẹ rằng đừng hò hét và biến những bữa ăn thành trò “ép buộc”. Điều đó không thể thay đổi tâm lý, khẩu vị cũng như thói quen của con được.

Cách bạn cần làm là thay đổi không khí bữa ăn, tạo sự tò mò, hào hứng của trẻ để thử… “nhấm nháp tí tẹo” món mới, và thay đổi phương pháp chế biến.

Lam gi khi con so mon moi

(Ảnh minh hoạ)

Nên nhớ, hầu hết trẻ đều rất nhạy cảm và thích thú với sự động viên, khen ngợi của mọi người. Chỉ cần bé làm được một chút thay đổi, dù nhỏ nhất, chẳng hạn như bé vẫn đòi ăn món cũ nhưng chịu “nếm” thêm 1-2 muỗng món mới, bạn cũng đã nên nhân cơ hội đó để khuyến khích, khen ngợi bé rồi. Nhiều giọt nước sẽ giúp đầy ly. Nhiều lần bé “nếm thử” như thế sẽ giúp bé nhận ra hương vị của món mới cũng không đến nỗi nào, từ đó giảm thiểu thói quen kén cá chọn canh, chỉ chịu ăn vài ba món.

Khi bé tiếp cận với bất kỳ món ăn mới nào lần đầu tiên, cho dù đó là món cực kì đắt tiền, bố mẹ nóng lòng muốn con ăn được nhiều (cho đáng sự “hi sinh” bố mẹ dành cho con) thì lời khuyên cho bạn là chỉ nên để bé cảm thấy an toàn, tự mình muốn thử, nhấm nháp với mức thật ít trước cho đến khi bé cảm thấy thích thú hơn và muốn thử nhiều hơn. Nếu bé đã ăn thử vài muỗng và không chịu thử nữa thì sao? Bạn có thể hỏi bé tại sao con không thích? Món ăn có gì khiến con khó chịu không, thay vì ép trẻ. Ví dụ nếu bé cho bạn biết rằng bé không muốn ăn vì món đó cay, vì món đó đắng quá… lần sau, bạn đừng nêm tiêu hoặc đừng cho các loại củ quả tạo vị đắng vào quá nhiều nữa.

Bạn lưu ý thêm một chi tiết rất thú vị nữa là: Kén ăn đôi khi còn thuộc về vấn đề tâm lý, bé muốn khẳng định sự độc lập của mình (ở khoảng 3-5 tuổi). Lúc này, bé không chịu ăn một món nào đó vì cách làm này ẩn chứa ngầm thông điệp: “Mẹ không thể bắt con làm điều con không muốn!”. Hãy thông cảm và chấp nhận chuyện này vì “khủng hoảng tuổi lên 3” là một giai đoạn quan trọng, nhất thiết phải có để bé trưởng thành, độc lập hơn. Bạn hãy giả tảng như chẳng quan tâm gì nhiều đến chuyện bé không chịu ăn hay chỉ ăn món nào đó. Cứ dọn nhiều thứ khác nhau lên bàn (những món bạn muốn bé ăn), sau đó “hỏi ý kiến” bé: “Con muốn ăn thịt hay rau xào? Con muốn ăn canh hay chan nước cá?”. Ví dụ thế! Bé sẽ chọn một món, cảm thấy “hài lòng” vì mình khẳng định được sự độc lập của bản thân, biết cách học quyết định, trong khi mẹ cảm thấy hài lòng vì con có chọn món nào thì đó cũng chính là những món mẹ muốn con ăn hôm ấy!

 

 

Một vài em nhỏ có khẩu vị nhạy cảm hơn so với các bé khác. Có thể con bạn không ăn thứ gì đó vì bé không thích hình dáng, màu sắc hay mùi vị của chúng. Bạn có thể chiều theo nếu bé từ chối một vài món nhưng lại dễ tính với các món khác. Bởi vì sẽ chẳng sao cả nếu ví dụ bé không ăn được khổ qua nhưng lại ăn rất ngon lành mọi loại bầu, bí, canh rau khác.

Tags:

Bài viết liên quan