Tình trạng biếng ăn thật sự nếu kéo dài sẽ làm thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể, đặc biệt là các chất dinh dưỡng thuộc nhóm 2 như protein, lysine, kẽm, kali, magiê… Khi cơ thể thiếu chất thì lại làm cho các bé càng biếng ăn hơn nữa. Vòng luẩn quẩn này quả thật làm cho các bậc cha mẹ hết sức đau đầu và lo lắng.
Tìm ra nguyên nhân biếng ăn kéo dài không dễ!
Nếu thấy rõ trẻ mắc bệnh sốt ho lở miệng hoặc sau chủng ngừa, sau một biến cố tâm lý… mà biếng ăn thì có thể đoán được nguyên nhân và có phương án tập trung khắc phục, dù cũng không đơn giản.
Tuy nhiên còn nhiều nguyên nhân khác như sai lầm về chế độ dinh dưỡng dẫn đến biếng ăn, bị ép ăn quá mức, chưa hiểu về sự tăng trưởng và phát triển sinh lý trẻ, biếng ăn bẩm sinh di truyền… thì rất khó nhận ra và thay đổi vì thuộc về quan niệm của cha mẹ. Hơn nữa tình trạng biếng ăn cũng thường có nhiều nguyên nhân phối hợp nhau.
Giải pháp nào cho trẻ?
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn phần nào tìm ra nguyên nhân, cũng như có hướng khắc phục tốt hơn tình trạng biếng ăn kéo dài của trẻ.
– Nếu trẻ biếng ăn vì bệnh thì cần tập trung trị dứt điểm khỏi bệnh cho trẻ, đồng thời cần chăm chút cho bữa ăn của trẻ hơn. Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn những món ăn yêu thích, ăn lỏng – loãng – nhuyễn mịn hơn cho dễ nuốt. Chú ý ăn bổ sung đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng sau sau khi hết bệnh. Khi khám bệnh ở bác sĩ, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn dinh dưỡng thêm.
– Không nên cho thuốc vào thức ăn nếu không có chỉ định.
– Cho ăn đúng thời điểm, phù hợp với sức nhai, cân đối giữa các loại thức ăn, vừa đủ số lượng thức ăn, tình trạng cơ thể… Chú ý các giai đoạn biếng ăn sinh lý lúc bé học lật, học bò, học đi… sẽ hơi lười ăn một thời gian nhưng sẽ qua nhanh, đừng ép ăn trẻ quá mức lúc này. Dinh dưỡng phải phù hợp sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể trẻ.
– Hãy biến bữa ăn thành một cuộc chơi và thức ăn là những đồ chơi ngộ nghĩnh, thú vị, có giá trị (nói với bé theo cách: “Cà rốt giúp con sáng mắt”, “Thịt giúp con chạy nhanh”, “Sữa làm con cao lớn”…). Hạn chế việc hò hét, ép buộc, la rầy, thậm chí dùng bạo lực để buộc trẻ ăn nhiều. Mẹ lưu ý, đừng cầm tô chén chạy theo để lừa đút cho con ăn mà phải giúp trẻ tập trung vào bữa ăn, ngồi cố định, thích thú và biết mình đang trong giờ ăn.
– Hãy thay đổi món ăn thường xuyên với nhiều cách chế biến hấp, luộc, chiên, nướng, kho, um và thể hiện trên chén, tô, dĩa, ly mới. Trẻ có thể thích ăn khô, nhưng cũng có trẻ thích ăn có “chút nước cho trơn cổ”.
– Trẻ có thể thích ăn cơm với thịt cá trộn chung, nhưng cũng có thể thích ăn không “tôm hấp chấm muối tiêu chanh”, “thịt luộc chấm nước mắm”, cá chiên… trước, rồi mới ăn cơm với canh hoặc cơm với nước tương. Bạn có thể chiều theo tính ý, sở thích này của trẻ, miễn là con ăn đủ chất.
– Khi được hỏi: “Con ăn cái này không?” thì trẻ sẽ trả lời: “Không!”. Nhưng nếu bạn hỏi: “Con ăn cái này hay cái kia?” thì trẻ sẽ rất thích và sẽ chọn một. Cho con chọn lựa, động viên, khen ngợi khi con nhai giỏi, nuốt nhanh, vờ đi làm như không thấy nếu con cố tình ho ói, làm mình làm mẩy… là những mẹo hữu ích, để mẹ có thể giúp bé hào hứng hơn với bữa ăn.
– Món gì bé không thích, hãy cho ăn trước lúc bụng đói, món gì thích có thể từ từ bổ sung sau. Ví dụ bé lười ăn cơm nhưng chịu uống sữa, hãy cho ăn cơm nhiều nhất mà bé có thể ăn, rồi cho uống sữa thêm ngay sau khi ăn để bù lượng còn thiếu hụt cho bữa chính. Một bữa ăn có thể có nhiều món, như cơm + cá chiên + canh rau + bánh bông lan + kem + sữa tươi… nếu bé chỉ ăn được mỗi thứ một ít.
– Chú ý thời gian tối đa cho một bữa ăn chính là 45 phút, tốt nhất là gói gọn trong 30 phút. Vì vậy cần cân nhắc cho ăn gì, bao nhiêu lâu… để cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.
– Không cho trẻ ăn lặt vặt mà nên tập trung thành bữa, ví dụ có thể cho ăn bánh kẹo ngay sau khi ăn xong cơm chứ không nên cho ăn trong vòng 2 giờ trước bữa chính.
– Nếu mẹ bị dị ứng thức ăn, không thích hoặc không thể ăn một loại thực phẩm nào đó, cũng nên nhớ mua về chế biến cho trẻ để đạt được sự đa dạng thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng.
– Có thể sử dụng “thuốc bổ” phù hợp để bù đắp các chất dinh dưỡng bị thiếu hụt gây biếng ăn, ví dụ lysine, sắt, kẽm… theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
Bạn thấy đấy, trị biếng ăn là một vấn đề nhiêu khê. Vì vậy, đừng vội gây áp lực cho mình phải “trị” biếng ăn cho con thành công ngay trong vài tuần, vài tháng. Hãy thật kiên trì, phối hợp nhiều biện pháp, linh hoạt thay đổi chiến thuật cho từng cá thể, từng giai đoạn điều trị. Điều quan trọng là nếu sự phát triển thể chất và tâm lý trẻ chưa tốt thì cũng phải đạt mức trung bình. Trường hợp cảm thấy con vẫn dưới mức trung bình dù gia đình đã “hết cách”, lúc này bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ dinh dưỡng và bắt đầu hành trình phối hợp cùng bác sĩ, để chữa biếng ăn theo những hướng dẫn chặt chẽ hơn cho trẻ.
BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy
(Trung Tâm Dinh Dưỡng TP.HCM)