Mẹ&Con - Bạn của chồng là những nhân vật vô cùng quan trọng. Hãy biết rằng có những khi, chồng giấu bạn nhiều chuyện nhưng vẫn có thể chia sẻ với những người bạn này. Họ là người có thể 'góp lời' giúp giải tỏa căng thẳng đúng lúc cho vợ chồng bạn, cũng có thể tác động, khích bác, khiến chồng bạn… xoay 180 độ về mặt tâm lý. 5 điều chồng rất thích vợ làm sau cuộc cãi nhau 6 bí quyết giữ chồng Khi vợ chồng cùng nhau “học nói”

Làm bạn với bạn của chồng, hiểu họ và hòa đồng được với họ là bạn đã tạo nên được một “vị thế” mới, sức mạnh mới cho mình. Hãy thử những “mẹo” này! 

1. Luôn chú trọng cách ăn mặc

Đừng xem đó là chuyện nhỏ. Nếu như bạn vô tình xuất hiện trong một buổi họp lớp với các bạn cũ của chồng với một bộ cánh xuề xòa hoặc quá sang trọng, hoặc hở hang, không phù hợp, bạn sẽ tạo nên ấn tượng xấu và trở thành đề tài để các “bạn của chồng” nhỏ to với chồng bạn khi không có mặt bạn sau đó. Hãy hiểu rõ đối tượng bạn của chồng mình (sang trọng, bình dân…), nơi mình sẽ xuất hiện cùng chồng để gặp các bạn của chồng (tiệc cưới, quán ăn bình thường, nhà riêng…) để chọn một bộ cánh trang nhã và phù hợp. Khi ăn mặc tương đối giống mọi người, bạn sẽ rất dễ hòa đồng vào “cộng đồng” của họ.

Làm bạn với... bạn của chồng 6

2. Chủ động làm quen với… “chị em phụ nữ”

Nếu trong nhóm bạn của chồng có các “chị em phụ nữ”, thật thuận tiện cho bạn! Chỉ cần bạn thể hiện một thái độ cởi mở, thân thiện, luôn nhoẻn cười, chủ động hỏi han, làm quen là chỉ cần vài chục phút sau, bạn sẽ được xem như một “người bạn mới” của nhóm ngay. Đừng ngại mình là người ít nói, tính tình khép kín, sống nội tâm hay không giỏi giao tiếp. Hãy xem họ như bạn của mình, bắt đầu bằng những quan tâm chân thật và tế nhị nhất như: hỏi tên, hỏi xem họ là bạn thế nào với chồng mình, hỏi xem họ có gia đình chưa và được mấy cháu rồi. Nếu các “chị em” ấy đã có con, câu chuyện của bạn có thể trở nên vô cùng rôm rả khi xoay quanh chủ đề chăm sóc con cái.

3. Giữ nét mặt tươi cười

Bạn của chồng đôi khi cũng… “quan sát” bạn nhiều như gia đình chồng khi coi mắt con dâu lần đầu vậy. Cũng phải thôi, vì bạn đã trở thành “một nửa” có nhiều chi phối tới cuộc đời bạn-thân-của-họ cơ mà. Vì vậy, suốt những buổi gặp gỡ, giao tiếp với bạn bè của chồng, dù có những điều không vừa ý có thể xảy ra nhưng lời khuyên dành cho bạn là nên cố gắng giữ nét mặt tươi tắn nhất, luôn mỉm cười thân thiện với mọi người. Đừng làm mất mặt chồng và mất điểm cho bản thân với mọi người bằng một bộ mặt… xụ xuống hay cái cau mày khó chịu. Nếu có chuyện gì không vừa ý, ví dụ chồng uống quá nhiều, bạn bè của chồng nói chuyện thiếu lịch sự, hãy giữ riêng những điều đó cho mình và khi về nhà sẽ khéo léo hỏi han, góp ý thêm với chồng sau.

Làm bạn với... bạn của chồng 7

4. Đừng ra vẻ mình “quản lý” chồng

Có thể lúc ở nhà, chồng bạn nghe lời bạn răm rắp và ít khi làm điều gì trái ý vợ. Cũng có thể bạn là người thường được chiều chuộng và luôn đưa ra “quyết định cuối cùng” cho mọi việc trong nhà. Nhưng khi đến chỗ đông người, gặp gỡ bạn của chồng, tuyệt đối không bao giờ nên để lộ điều này ra. Đàn ông rất dễ tự ái và “nổi khùng” lên khi bị vợ tỏ ra “nắm quyền” trước mặt bạn bè mình. Họ sẽ có thể có những phản ứng vô cùng tiêu cực khiến bạn phải sốc đấy. Bạn bè của chồng cũng sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt khác khi bạn cứ một hai bắt chồng: “Chỉ được uống đúng 1 ly thôi”, “Về ngay, đã 10 giờ rồi!”, “Anh không nên ăn món này, rất nhiều cholesterol không tốt cho anh!”…

Người vợ khéo léo và dễ được lòng các bạn của chồng (tất nhiên được lòng cả chồng nữa) là khi bạn biết tỏ ra nhường nhịn một chút, luôn tôn trọng chồng, thậm chí “nghe lời” và “chiều chuộng” anh ấy một chút. Bạn biết điều này có ý nghĩa thế nào không? Sau này, khi vợ chồng bạn chẳng may có chuyện cãi nhau, chồng đem chuyện nhà đi kể với bạn bè và… hỏi ý kiến, chính bạn bè của chồng sẽ là người “bênh” bạn, cho rằng bạn luôn biết nhường nhịn, chẳng quá là chồng… quá đáng(!). Và chồng bạn sẽ biết nghĩ lại những lúc này.

5. Tỏ ra hào phóng trong… tiền bạc!

“Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Câu nói này luôn đúng! Bạn không cần tỏ ra quá mức hào phóng như… “ôm” luôn việc chi trả cho một bữa tiệc đông người. Nhưng ngược lại, cũng đừng “ke re cắt rắt” từng đồng. Thỉnh thoảng chồng bạn mới có một buổi gặp gỡ bạn bè hoặc mời người bạn thân đi ăn tối cùng với vợ chồng mình. Sẽ rất thích hợp nếu bạn thể hiện sự thoải mái một chút về tiền bạc, không nhìn quá lâu hóa đơn thanh toán, không “càm ràm” người phục vụ món này đắt quá so với bên ngoài.

Khi chồng bạn đóng góp với bạn bè để trả tiền cho bữa tiệc, nếu anh ấy có vui vui đóng góp nhiều hơn một chút thì bạn cũng tuyệt đối không nên tỏ thái độ. Cần biết rằng sự hào phóng (ở mức chấp nhận được) của người vợ với chuyện tiền bạc trong hoàn cảnh này thể hiện bạn rất quý các bạn của chồng mình, rất tôn trọng mối quan hệ bạn bè của chồng mình và rất sẵn sàng để tham gia vào nhóm.   

Làm bạn với... bạn của chồng 8

6. Giữ mối liên lạc như những người bạn

Sẽ tuyệt vô cùng nếu bạn có số điện thoại của vợ một anh bạn thân của chồng mình và chị em thỉnh thoảng gọi điện, nhắn tin hỏi han nhau. Sẽ rất đáng “cộng điểm” khi thỉnh thoảng bạn chọn mua tặng con trai của bạn-của-chồng một bộ quần áo xinh xinh, giống như mua cho bé nhà mình. Những việc làm nho nhỏ để giữ mối liên lạc thân tình ấy sẽ khiến dần dần, bạn thật sự trở thành những người bạn thân thiết của họ, của gia đình họ, chứ không còn đóng vai vợ-của-anh-bạn-thân của họ nữa.

Một lần nữa, đừng quên rằng bạn của chồng là những người rất quan trọng. Tiếng nói của họ trong một số trường hợp sẽ giúp làm tăng thêm sự gắn bó cho vợ chồng bạn. Chẳng có gì đáng tự hào hơn khi một người chồng nghe những người bạn thân của mình khen rằng: “Anh có một người vợ thật tuyệt vời! Nhớ mà xứng đáng với chị nhà đấy nhé!”. 

Tags:

Bài viết liên quan