Mẹ&Con - Vợ trẻ thì ai mà không mê. Nhưng trẻ ở đây là trẻ… con! Lấy nhau rồi nhưng tính tình không ít nàng vợ vẫn hệt như học sinh cấp 3. Hở một chút là giận, là hờn. Hễ nóng giận lên thì sẵn sàng đập tan tành mọi thứ mà chẳng cần biết mọi chuyện sẽ ra sao. Thế mới… có chuyện! Làm sao khi vợ ghen tuông bồng bột? Lấy vợ “trẻ con”, chồng nên làm gì? Nên chọn vợ có tính cách như thế nào?

Có con vẫn hệt như ngày… mới lớn?!

Hai vợ chồng anh Minh, chị Hiền đã cưới được hơn 4 năm, có một cậu con trai 19 tháng tuổi đầy kháu khỉnh. Ai nhìn vào cũng khen anh Minh có phúc. Anh năm nay 40, ở cái tuổi đã khá “cứng”, vậy mà lại cưới được một cô vợ trẻ măng, tuổi mới 22, trẻ trung, xinh xắn. Thế nhưng, chỉ “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Bốn năm cưới nhau, thực tế không ít thời gian anh căng như dây đàn với cô vợ trẻ… con.

“Hễ có gì không vừa ý là cô ấy vùng vằng bỏ ăn, giận dỗi. Có lúc tôi mặc kệ, không dỗ nữa. Cô ấy bèn gây sự, khóc lóc như mưa rồi ném cả điện thoại vào tường vỡ tan nát. Đến lúc có con, tưởng cô ấy sẽ đỡ hơn, song vẫn vậy! Về đến nhà thì mê phim đến độ dán mắt vào xem các phim tình cảm, mặc kệ bà giúp việc và tôi chăm cho thằng bé. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ nhà mình đang có hai đứa trẻ. Một là đứa con trai và hai là… vợ của mình!”, anh Minh thở dài.

Khi vợ mắc bệnh "trẻ con" 6

Quả thật, nếu được ở lại cùng vợ chồng anh Minh vài ngày, thì bất kỳ ai cũng… tá hỏa với sự “hồn nhiên” của bà mẹ trẻ. Được chồng khá chiều chuộng, hầu như chị Hiền không đụng tay đến việc nhà. Mỗi ngày của chị là thức dậy, ăn uống, đi chơi, xem phim, chơi game, chăm sơ sơ cho con cùng bà giúp việc, cuối cùng là… chờ chồng về chở đi chơi tiếp.

Nhưng đó vẫn chưa phải là điều “đáng nể”(!) nhất ở chị. Chuyện hài hước nhất là cứ mỗi lần chị đòi hỏi cái gì, nếu chồng không đáp ứng được là chị lập tức xụ mặt, giận dữ như một cô gái mới lớn. Và bất kể con còn nhỏ, nhưng hầu như tuần nào chị cũng tối thiểu 2 lần tụ họp với bạn bè để đi chơi, xem phim, karaoke đến tận khuya mới về.

Hỏi vì sao không góp ý, uốn nắn vợ dần dần, anh Minh chia sẻ: “Tôi có góp ý đó chứ! Nhưng đụng đến là cô ấy khóc lóc, vùng vằng, bảo rằng chồng ích kỷ. Rằng cô ấy chỉ mới có 22 tuổi, là tuổi mà bạn bè còn đang tung tăng vui chơi. Rằng tại tôi mà cô ấy vướng bận gia đình, chồng con sớm. Rằng bạn cô ấy đi chơi 5 buổi tối/tuần, cô ấy chỉ đi 2 buổi là… tốt lắm rồi! Thôi đành vậy, ai bảo cũng tại tôi từng yêu quá cái tính hồn nhiên, thơ trẻ của cô ấy ngày nào…!”.

Thực tế, không phải chỉ có anh Minh chịu cảnh này. Khá nhiều anh chồng tìm đến với trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình vì có cùng một nỗi “nghẹn ngào”: Vợ cưới về rồi nhưng không chịu… lớn. Anh Trung (Quận 3) tiết lộ: “Hồi chưa cưới, tôi cũng đã hơi lo lắng khi nhận ra vợ ở nhà được mẹ chiều chuộng quá mức, hầu như không biết làm bất cứ cái gì, kể cả những chuyện đơn giản như luộc rau, chiên trứng. Nhưng lúc đó tôi nghĩ, từ từ rồi cô ấy sẽ quen, khi có được một gia đình riêng, trở thành người nội tướng. Song tôi đã nhầm! Cưới rồi, cô ấy nũng nịu đòi tôi mua nhà gần nhà mẹ cô ấy vì nhớ mẹ. Tôi chiều theo. Thế là ngày ngày, mẹ cô ấy nấu đồ ăn mang qua cho con gái. Cô ấy vẫn chẳng biết làm gì. Đi làm về là tung tăng chơi đùa. Ngoài việc shopping và nhõng nhẽo với chồng thì cái gì cũng để kệ cho… mẹ làm. Ngày xưa lấy vợ vì yêu cái sự nhõng nhẽo khiến tôi cứ cảm thấy mình vững vàng, che chở cho cô ấy. Giờ mới thấy mệt mỏi dần vì tính khí này!”.

Uốn vợ “trẻ con”!

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý Hồn Việt (TP.HCM) cho rằng, đa phần những cô vợ “trẻ con” này đều chỉ mới vượt qua độ tuổi 20 và có chồng cách biệt nhiều tuổi, vào khoảng 30-40. Những khác biệt tuổi tác càng khiến làm rõ nét hơn cái sự “trẻ con” ấy. Người đàn ông tuổi này mong muốn có gia đình ổn định, cuộc sống ấm êm. Thế nhưng, các cô gái ngoài 20 gần như thuộc một thế hệ khác, sinh ra trong gia đình ít con, quen được bố mẹ chăm lo, nuông chiều nên mang sự hồn nhiên, vô tư vào cuộc sống hôn nhân.

Các ông chồng chững trạc không hiểu được những cô gái hiện đại thích cuộc sống hưởng thụ, ít phải lo toan và thất vọng khi thấy người đầu ấp tay gối không chăm lo cho gia đình, thậm chí trì hoãn cả việc sinh con để rảnh rang, nhàn tản. Chính những khác biệt quá lớn về cách sống, cách nghĩ khiến cho vợ chồng dễ lục đục, vợ thì nản chồng vì cho rằng mình bị mất đi sự tung tăng bay nhảy như bạn bè, tự nhiên rước “nợ” vào thân. Chồng thì buồn phiền vì có vợ cũng như không. Vợ chỉ biết chơi bời, không biết lo toan, chỉ như một đứa trẻ trong gia đình.

Khi vợ mắc bệnh "trẻ con" 7

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, để khắc phục những điều này, dù ở bất kỳ tuổi nào, trước khi kết hôn cũng nên tham gia một lớp học tiền hôn nhân, để chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cho cuộc sống gia đình. Không nên bước… đại vào cuộc sống hôn nhân, trong khi vẫn giữ nguyên tâm lý và cách sống như thời còn độc thân.

Ngoài ra, với những cô vợ có phần “trẻ con”, người chồng nên nhẹ nhàng, tế nhị, để họ có thể dần thích ứng với cuộc sống gia đình. Bởi hầu như tất cả mọi phụ nữ, dù trẻ con hay “người lớn”, dù chững chạc hay hồn nhiên thì đều có một điểm chung: Một khi cảm nhận được tình yêu, sự mong chờ từ chồng, vì người mình yêu, họ có thể sẵn sàng điều chỉnh bản thân.

Như câu chuyện của vợ chồng anh Tuấn – chị Thy (Quận 8). Lấy vợ khi vợ mới qua khỏi tuổi 20 vì “vỡ kế hoạch”, sau một năm chung sống, anh Tuấn phát ngán ngẩm với cô vợ hồn nhiên, có con mà vẫn suốt ngày tung tăng điệu đàng, chỉ quan tâm đến cân nặng, chăm sóc da dẻ, áo quần sành điệu. Nhưng thay vì gắt gỏng hoặc “mặc kệ” vợ, từ những góp ý của các chuyên gia tâm lý, anh vui vẻ tập cách cho vợ vào bếp cùng mình, chia sẻ với vợ những lo âu của anh. Mưa dầm thấm lâu. Chính vì cảm nhận được tình yêu của chồng, được chồng hướng dẫn cho từng chút một từng việc phải làm và luôn động viên, khuyến khích, khen ngợi không ngừng nên chỉ một thời gian, chị Thy đã đảm đang lên thấy rõ.

Giờ, nói về vợ mình, anh Tuấn tự hào: “Cô ấy đã biết cách lập sổ thu chi gia đình, cân nhắc mọi thứ, biết cách quán xuyến cơm nước. Quan trọng hơn, cô ấy đã biết cách cùng tôi chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống! Với tuổi ngoài 20, vậy là đáng khen lắm rồi!”. 

Tags:

Bài viết liên quan