Khi nào thai nhi quay đầu?
Thai nhi khi hình thành trong bụng mẹ sẽ nằm ở tư thế đầu hướng lên trên, chân hướng xuống dưới. Gần đến ngày sinh, hầu hết thai sẽ quay đầu ngược lại, chân hướng lên trên, đầu hướng xuống dưới để chuẩn bị cho hành trình chào đời.
Thời điểm thai nhi quay đầu ở mỗi thai phụ khác nhau. Tuần thai thứ 36 chính là mốc thời gian để xác định ngôi thai quay đầu. Nếu là con đầu lòng, bé sẽ quay đầu trong tuần thứ 35 của thai kỳ. Nếu là con thứ 2 trở đi thì thời điểm quay đầu sẽ trễ hơn, nằm trong khoảng tuần thứ 36, 37.
Tuần thai thứ 36 sẽ là thời gian để căn cứ tình trạng thai nhi quay đầu (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp phổ biến. Ngoài ra, cũng có không ít thai nhi quay đầu sớm hoặc muộn hơn mốc thời gian này.
Quá trình quay đầu của thai nhi
Vào tuần 35 – 37 của thai kì, bé sẽ cuộn mình và chúc đầu xuống dưới khung xương chậu, quay mặt về lưng mẹ để sẵn sàng cho hành trình chào đời.
Tùy theo trường hợp, vị trí ngôi thai sẽ ổn định theo nhiều tư thế khác nhau. Có thể là ngôi đầu, ngôi mông hoặc ngôi chân… Tuy nhiên, dù đã ổn định ngôi thai, một số bé vẫn tiếp tục di chuyển cho đến khi mẹ chuyển dạ.
Ngôi thai thế nào là tốt nhất?
Trong quá trình thai nhi quay đầu, ngôi thai tốt nhất là ngôi trước chỏm đầu, nghĩa là đầu bé chúc xuống dưới khung chậu, mặt quay về lưng mẹ, phần gáy quay về bụng mẹ. Ở tư thế này, giúp cho bé đi vòng qua hông dễ dàng ra ngoài hơn trong quá trình sinh nở.
Không có ngôi thai xấu, chỉ có ngôi thai ở vị trí không thuận lợi cho việc sinh thường diễn ra suôn sẻ. Nếu đến ngày sinh mà bé vẫn chưa quay đầu thì mẹ bầu sẽ sinh ngôi thai ngược. Có khoảng 3% các ca sinh đẻ có ngôi thai ngược, tức là đưa mông về phía tử cung của mẹ, hoặc trường hợp thai nhi đã quay đầu nhưng phần gáy lại quay về cột sống của mẹ dẫn đến ngôi sau. Các trường hợp ngôi sau và ngôi thai ngược, bác sỹ sẽ khuyến khích nên sinh mổ để an toàn cho thai nhi.
Những khó khăn khi trẻ không quay đầu thai
Ở vị trí ngôi thai ngược hoặc ngôi thai sau, quá trình vượt cạn thường diễn ra khó khăn hơn, chẳng hạn như chứng đau lưng dữ dội. Thời gian chuyển dạ kéo dài hơn mong đợi. Khả năng dùng các thủ thuật khác để hỗ trợ việc lấy thai là rất cao. Trong thời điểm vừa bắt đầu chuyển dạ, ối nhanh chóng bị vỡ, dễ gây suy thai nếu không sinh nở kịp sẽ gây nguy hiểm đến sự an toàn tính mạng của trẻ.
Ngôi thai ngược khiến việc sinh thường của mẹ bầu diễn ra khó khăn (Ảnh minh họa).
Làm gì để thai nhi quay đầu?
Để thai nhi quay đầu thuận lợi, trong quá trình mang thai mẹ nên có những thói quen và thực hiện một số động tác hỗ trợ cho việc quay đầu của bé dễ dàng hơn.
Khi ngồi, mẹ luôn để đầu gối thấp hơn hông. Nếu ngồi ghế, ngồi ô tô… nên dùng một miếng đệm lót để hông cao hơn đầu gối. Tránh ngồi nhiều, thường xuyên giải lao, đi lại không nên ngồi lâu một chỗ.
Khi nằm ngủ, nên nằm ở tư thế nằm nghiêng để bé dễ dàng xoay được người, khi nằm ngửa, bé sẽ không thể quay đầu xuống phía hông.
Tập động tác bò 4 chân mỗi ngày hoặc lau sàn nhà sẽ giúp cho quá trình chuyển dạ trở nên dễ dàng hơn. Khi bạn lau sàn ở tư thế bò, gáy của bé sẽ dần dịch chuyển về phía bụng thay vì “dính” vào cột sống của mẹ.
Mẹ bầu thực hiện động tác bò 4 chân vào những tuần cuối thai kì để việc quay đầu của thai nhi dễ dàng hơn (Ảnh minh họa).
Nên tập các bài thể dục phối hợp cả tay và chân mỗi lần khoảng 10 phút giúp thai nhi quay đầu dễ dàng và có ngôi thai thuận lợi. Với những trường hợp có ngôi thai không thuận lợi, cách tập luyện như vậy cũng giúp em bé di chuyển lại về tư thế tốt hơn.
Các mẹ bầu nên cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn và bổ sung năng lượng trong quá trình mang thai đặc biệt là những tuần cuối thai kì để giúp bé quay mặt về phía lưng.