Khám tiền hôn nhân nếu ở giai đoạn hơn 10 năm trước thì còn khá xa lạ với các cặp đôi, nhưng trong những năm gần đây thì việc này luôn nằm trong “to do list” (danh sách cần làm) khi chuẩn bị lễ cưới. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu về “bước đệm” quan trọng trước hôn nhân này nhé!
Khám tiền hôn nhân là gì?
Khám tiền hôn nhân hay khám sức khỏe tiền hôn nhân là một gói dịch vụ bao gồm những xét nghiệm cần thiết để biết chính xác nhất tình trạng sức khỏe của cả vợ và chồng. Gói khám này sẽ đánh giá lại tình trạng sức khỏe của những cặp đôi sắp kết hôn, kiểm tra xem cả hai có đang mắc phải bệnh di truyền, bệnh truyền nhiễm nào không… Việc làm này giúp ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh cho cả vợ/chồng và con cái sau này. Việc kiểm tra sức khỏe là rất cần thiết đối với bất kỳ cặp đôi nào, qua đó có thể hiểu rõ về yếu tố di truyền của bản thân và có biện pháp điều trị hoặc phòng ngừa cần thiết.
Thời gian “chuẩn” nhất để khám sức khỏe tiền hôn nhân
Như Mẹ và Con đã chia sẻ, tư duy hiện đại hơn nên nhiều cặp đôi đã vượt được những rào cản tâm lý từ hai bên gia đình và quyết định khám sức khỏe trước khi kết hôn. Không còn quan niệm xưa cũ là khám sức khỏe trước khi kết hôn là không tin tưởng lẫn nhau, hay sợ sức khỏe ảnh hưởng đến hạnh phúc của riêng một cá nhân nào. Thăm khám trước khi kết hôn thể hiện phần nào trách nhiệm của bạn đối với người bạn đời và cả con cái sau này.
Theo các chuyên gia y tế, 3 – 6 tháng là khoảng thời gian tốt nhất để các cặp đôi kiểm tra sức khỏe toàn diện, đồng thời sàng lọc khả năng sinh sản để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân hạnh phúc. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường thì 3 – 6 tháng là khoảng thời gian đủ để điều trị bệnh và đưa sức khỏe về trạng thái cân bằng nhất để có thể tiến đến kết hôn và hoàn thành kế hoạch sinh con mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái.
Khám tiền hôn nhân gồm những gì?
Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm
Những bệnh truyền nhiễm có thể lây qua đường tình dục như HIV, viêm gan A, viêm gan B… thường có triệu chứng nhận biết không rõ ràng, rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu của bệnh. Nếu không được phát hiện sớm có thể lây sang vợ hoặc chồng và lây từ mẹ sang con, trở thành gánh nặng đối với cuộc sống gia đình. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến hôn nhân tan vỡ và ảnh hưởng trực tiếp đến con cái sau này.
Tuy nhiên, nếu chẳng may mắc phải những căn bệnh này, các cặp đôi có thể ngăn chặn việc lây nhiễm chéo thông qua các xét nghiệm tiền hôn nhân. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau. Việc phát hiện và điều trị sớm cũng giúp giảm nguy cơ vô sinh, hiếm muộn hay sảy thai cho các cặp vợ chồng. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm cũng hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Kiểm tra sức khỏe sinh sản
Theo thống kê, có 1/3 nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn đến từ nam giới, 1/3 nguyên nhân đến từ nữ giới và số còn lại do sự kết hợp của cả bố và mẹ hoặc không rõ nguyên nhân. Ngoài những tác nhân liên quan đến di truyền bẩm sinh thì môi trường ô nhiễm, chất lượng sống không đảm bảo cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản ở 2 giới.
Vì vậy, không chỉ nữ giới mà nam giới cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc xét nghiệm tiền hôn nhân. Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại đã mang đến cơ hội làm cha mẹ cho nhiều cặp đôi vô sinh hiếm muộn. Điều quan trọng nhất là cần xét nghiệm tiền hôn nhân sớm để tăng khả năng chữa trị khỏi và tránh ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Cho nữ giới:
- Soi tử cung, kiểm tra vòi trứng…
- Siêu âm tuyến vú
- Soi tươi dịch âm đạo
- Kiểm tra hormone sinh dục: Estrogen, LH, FSH, progesterone (ở nữ)
Cho nam giới:
- Xét nghiệm tinh dịch đồ
- Xét nghiệm dịch niệu đạo
- Nội tiết tố sinh dục
Cho cả nam và nữ:
- Kiểm tra và phát hiện những bệnh lý di truyền của bản thân
- Sàng lọc di truyền: Sàng lọc người lành mang gen bệnh giúp dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con cái sau này
Xét nghiệm máu
Đây là một xét nghiệm cơ bản nhưng có vai trò rất quan trọng nhất là với sức khỏe của phụ nữ và thai nhi sau này. Thông qua xét nghiệm máu, người mẹ có thể biết rõ số lượng, chất lượng các dòng tế bào máu và tình trạng thiếu máu của cơ thể. Từ đó, có thể chuẩn bị tốt nhất cho quá trình mang thai. Nếu cơ thể thiếu máu sẽ không đủ cung cấp oxy và các dưỡng chất đến nhau thai ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Nhưng nếu phát hiện sớm nhờ khám tiền hôn nhân bạn sẽ được bác sĩ tư vấn những lưu ý khi chăm sóc cơ thể, dùng thuốc nếu cần.
Xét nghiệm máu cũng đánh giá được sự tương thích về nhóm máu của các cặp vợ chồng. Trường hợp người vợ có nhóm máu Rh(-) kết hôn với chồng có nhóm máu Rh(+) phải được chăm sóc và theo dõi nghiêm ngặt trong suốt thai kỳ. Bởi lúc này, kháng thể trong máu của người mẹ có thể phá hủy các tế bào máu của thai nhi làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu.
Xét nghiệm các bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh di truyền ở gen trội thì đứa trẻ có 50% nguy cơ bị mắc bệnh. Nếu bố hoặc mẹ mang bệnh bất thường ở gen lặn thì trẻ có 25% nguy cơ mắc bệnh di truyền của cả bố mẹ, 50% nguy cơ mắc bệnh của cả bố mẹ và chỉ có 25% trẻ khỏe mạnh bình thường.
Các vấn đề về bệnh di truyền cũng có tỷ lệ khác nhau ở trẻ nam và nữ như bệnh mù màu hay máu khó đông. Đây là những căn bệnh liên quan đến đột biến gen trên nhiễm sắc thể giới tính. Các bệnh như tim bẩm sinh, hở hàm ếch… xảy ra do sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường.
Thông qua xét nghiệm tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện nhiễm sắc thể đồ, đánh giá cây gia phả của cả vợ và chồng giúp phát hiện những bất thường trong nhiễm sắc thể, tiên lượng tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh di truyền hoặc dị tật bẩm sinh. Qua đó, bác sĩ cũng giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị sẵn tâm lý, theo dõi và sàng lọc gen xấu để tìm cách can thiệp đúng thời điểm.
Xét nghiệm các bệnh mãn tính
Những bệnh lý mãn tính cần được theo dõi thường xuyên và điều trị sớm để tránh diễn biến xấu. Đặc biệt, việc xét nghiệm bệnh mãn tính có ý nghĩa lớn đối với nữ giới bởi một số bệnh như: tiểu đường, tim mạch có thể đe dọa đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Xét nghiệm tiền hôn nhân giúp các cặp đôi xác định rõ tình trạng các bệnh lý mãn tính, mang lại cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn và quan trọng nhất là giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Những lưu ý khi khám tiền hôn nhân
Để quá trình khám sức khỏe tiền hôn nhân diễn ra nhanh chóng và có kết quả chính xác bạn cần ghi nhớ những lưu ý sau đây:
- Mang theo đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như: Chứng minh thư, hộ chiếu, bảo hiểm… Thực tế, ở các bệnh viện, buổi sáng thường gặp tình trạng đông đúc, quá tải. Do đó, bạn nên chuẩn bị đủ giấy tờ cần thiết để được khám sớm, tránh mất thời gian cũng như chờ đợi
- Xét nghiệm máu: Tuy rằng không phải xét nghiệm máu nào cũng bắt nhịn ăn, nhưng đa phần các xét nghiệm quan trọng như xét nghiệm glucose máu, Test Triglyceride, xét nghiệm cholesterol… đều yêu cầu nhịn ăn trước thời điểm lấy máu khoảng 10 tiếng. Tốt nhất, mẫu máu nên được lấy vào buổi sáng, khi chưa ăn uống. Bạn vẫn có thể uống nước lọc bình thường
- Trước khi siêu âm bụng đặc biệt là siêu âm phần phụ, tuyến tiền liệt, bạn sẽ phải uống thật nhiều nước rồi nhịn đi tiểu khoảng 1 tiếng sau đó mới làm siêu âm. Bởi khi bàng quang đầy sẽ tạo môi trường truyền âm thuận lợi cho sóng siêu âm. Từ đó kết quả sẽ được chính xác nhất.
- Với phụ nữ, kiểm tra nước tiểu, phân và phiến đồ âm đạo, cổ tử cung nên được tiến hành ít nhất 5 ngày trước kỳ kinh tới hoặc 5 ngày sau kỳ kinh nguyệt trước đó. Không nên đi khám khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt, đang đặt thuốc âm đạo…
- Kiêng quan hệ tình dục, không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn đối với cả nam và nữ
- Để thoải mái và thuận tiện khi thăm khám, tránh mặc quần bò quá chật, mặc váy liền thân. Nên chọn những trang phục thoải mái nhất
- Với bệnh nhân tiểu đường: Không được dùng thuốc hoặc insulin vào buổi sáng khi đến khám
- Với bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp: thì vẫn dùng theo đơn hàng ngày
Khám tiền hôn nhân được xem là bước đệm quan trọng giúp bạn có một hôn nhân hạnh phúc sau này. Chính vì vậy, đừng quên nói chuyện nghiêm túc với người ấy về vấn đề này trước khi kết hôn nhé!