Hoa bưởi thường dùng để nấu ăn hoặc chưng cất, bảo quản để dùng quanh năm.
Nguyên liệu nấu ăn
Hoa bưởi từ xưa đã được biết đến và dùng làm nguyên liệu cho một số món ăn như:
– Hoa bưởi ướp sắn dây: Đây là một trong những thức uống phổ biến của mùa hè. Sắn dây và hoa bưởi sau khi đem phơi nắng, cho vào túi ni lông, buộc kín lại. Hương thơm của hoa bưởi sẽ quyện vào sắn dây. Khi pha chỉ cần hòa tan với nước lạnh, thêm chút đường và vài viên đá nhỏ sẽ có vị ngọt thơm và thanh mát.
Hoa bưởi ướp sắn dây. (Ảnh minh hoạ)
– Hoa bưởi ướp mía: Đây vốn là món ăn tao nhã của người Hà Nội xưa. Mía tách vỏ, cắt khúc, cho vào hộp cùng với hoa bưởi đã rửa sạch, đậy kín để vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng đồng hồ là ăn được, hương vị thơm ngon từ mía và hoa bưởi hoà quyện vào nhau thật khó lòng có thể quên được.
– Hoa bưởi còn dùng để ướp các loại hương như ướp trà, ướp bánh, cho vào những món chè ngon như chè hạt sen, chè long nhãn, chè bưởi…
Để tiện cho việc chế biến những món ăn như chè, bánh, cần đến nguyên liệu đặc trưng là hương hoa bưởi và chúng ta hoàn toàn có thể tự tay chế biến sẵn thứ nước này thay vì mua ở ngoài bằng công thức vô cùng đơn giản. Chuẩn bị 1 lọ thủy tinh sạch, rải lần lượt 1 lớp hoa bưởi tươi đã rửa sạch xen kẽ với 1 lớp đường phủ kín cho đến khi đầy lọ. Sau 10 ngày, đường sẽ tan ra, quyện vào hoa bưởi, tạo thành hương bưởi để làm nguyên liệu nấu chè hoặc làm bánh.
Chữa bệnh
Lá, hoa bưởi đều chứa tinh dầu nên thường được dùng để xông giải cảm. Hoa bưởi có tác dụng tích cực với hệ hô hấp, mùi hương bưởi giúp giải cảm, thư giãn, giảm stress, giúp tỉnh táo, minh mẫn.
– Trị cảm mạo: Dùng lá hoặc hoa, cùi bưởi, lá sả, lá duối, lá cúc tần mỗi lá một nắm (50 -100g) cho vào nồi nước đun thật sôi dùng để xông trừ cảm mạo, cho ra mồ hôi và trị các bệnh về viêm đường hô hấp.
– Tiêu đờm: Hoa bưởi 4g, hoa đậu 1 bát, nước gừng nửa thìa, đường phèn 1 thìa. Hoa bưởi rửa sạch cho vào nồi đun khoảng 10 phút sau đó bỏ bã lấy nước. Cho tiếp nước gừng, đường, hoa đậu vào rồi đun tiếp sau đó lấy ra ăn.
– Thư giãn đầu óc: Hoa bưởi và hoa sen mỗi thứ 10g chưng với trà uống có thể làm cho tinh thần thoải mái, thư giãn, ngủ ngon.
– Chữa đau dạ dày: Hoa bưởi 5g, đường phèn một thìa nhỏ. Đun trong 200ml nước, đun sôi khoảng 5 phút cho đường vào rồi đun tiếp. Lấy nước đó dùng như uống trà hàng ngày.
– Ngoài ra, hoa bưởi 12g chưng với trà uống giúp tiêu khí trệ, trị ngáp vặt.
Làm dẹp
Hoa bưởi và bạch cấp mỗi thứ 10g chưng với trà uống có thể làm đẹp. Ngoài ra, hoa bưởi có thể dùng làm tinh dầu. Tinh dầu hoa bưởi được nhiều người biết đến là có khả năng làm mượt và óng tóc, duy trì độ dài, giảm xơ gãy, làm giảm tóc gãy rụng, kích thích mọc tóc, đặc trị chứng hói đầu, phục hồi tóc bị hư tổn, giúp tóc chắc khỏe và bóng mượt.
Tinh dầu hoa bưởi có tác dụng làm đẹp. (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, trong tinh dầu hoa bưởi có chứa hàm lượng vitamin C tuyệt vời giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các tác hại từ môi trường và ánh nắng mặt trời. Không những thế, tinh dầu bưởi còn có tác dụng trẻ hóa da cực hiệu quả.
Để làm được tinh dầu hoa bưởi, cần chuẩn bị hoa bưởi, nước lọc, đá lạnh và nồi sâu lòng có nắp trũng bằng thủy tinh
Cách làm:
+ Chọn mua hoa bưởi vừa mới hái, sau đó rửa sạch, để ráo. Đặt một chiếc bát vào giữa nồi sâu lòng, rải hoa bưởi xung quanh đáy nồi sau đó đổ nước lọc xâm xấp mặt nồi so với hoa bưởi. Đậy ngược nắp nồi lại rồi đun sôi.
+ Khi nước sôi, hơi nước trong nồi sẽ bốc lên kèm tinh dầu hoa bưởi. Lúc này bạn đặt những cục đá lạnh trên nắp vung. Hơi nước gặp lạnh sẽ ngưng tụ thành những giọt tinh dầu rơi xuống chiếc bát ở trong nồi.
+ Tiếp tục đun đến khi cạn nước bạn sẽ được phần tinh dầu hoa bưởi trong bát. Đợi phần tinh dầu nguội hẳn thì cho vào lọ thủy tinh, đậy kín nắp và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần.
Phần tinh dầu này là tinh chất và đậm đặc nên mỗi lần dùng bạn chỉ cần cho vài giọt là hương thơm đã nồng nàn, quyến rũ.