Mẹ và Con - Vào những ngày cuối năm, nhà nhà đều nô nức ra chợ xuân để tìm những loại trái cây tươi tốt bày trên mâm ngũ quả ngày Tết, dâng lên bàn thờ gia tiên, cầu mong một năm sung túc, hạnh phúc.

Mâm ngũ quả được xem là lễ vật không thể không có trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình Việt Nam vào mỗi dịp Tết. Mâm ngũ quả thể hiện ước mong năm mới sẽ có nhiều tài lộc, sung túc, đủ đầy và ấm no. Tạp chí Mẹ và Con sẽ cùng mẹ khám phá ý nghĩa cũng như cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của Bắc – Trung – Nam để so sánh những nét đặc trưng của văn hóa ba miền nhé!

Ý nghĩa mâm ngũ quả trong dịp Tết

Mâm ngũ quả vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán mang nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu sắc và đây cũng được xem là một truyền thống của dân tộc người Việt Nam. Năm cũ vừa qua, một năm mới lại đến, mọi người đều mong chờ một năm sung túc, hạnh phúc và ấm no. Những lời nhắn gửi này sẽ được thể hiện trên cách trình bày mâm ngũ quả. Bên cạnh đó, mâm ngũ quả thể hiện 5 ước nguyện của ông bà tổ tiên ngày xưa, ứng với Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Điều này chứng minh rằng, từ xa xưa, ông cha ta đã rất xem trọng những lễ vật này, gửi gắm nhiều mong đợi vào năm mới.

mâm ngũ quả ngày Tết

Ngoài ra, mâm ngũ quả ngày Tết còn được biết đến là đại diện cho ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa Thổ. Vì thế, ngũ quả sẽ được lựa chọn và trang trí thành 5 màu, mỗi màu sẽ ứng với từng hành. Chẳng hạn như: những loại trái cây màu đỏ sẽ tương ứng với hành Hỏa (thanh long, táo…); màu vàng sẽ thích hợp với hành Thổ (xoài, bưởi…); màu trắng sẽ ứng với hành Kim (lê, mận…); màu xanh sẽ phù hợp với hành Mộc (đu đủ, dưa hấu…); và những quả tối màu sẽ đại diện cho hành Thủy (nho…).

Tuy nhiên, vào những năm gần đây, các gia đình thường có xu hướng bày biện nhiều hơn 5 loại quả trên mâm ngũ quả ngày Tết. Thông thường mọi người sẽ chọn số lẻ để thể hiện sự sinh sôi nảy nở, năm mới có được nhiều may mắn, phát tài phát lộc.

Khám phá cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của 3 miền

Mâm ngũ quả miền Bắc

Một điều chắc chắn rằng người miền Bắc thường rất chú trọng đến những phong tục, tập quán của cha ông để lại. Vì thế, mâm ngũ quả luôn là một trong những lễ vật mà mọi người chú tâm chuẩn bị trước tiên. Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Bắc thường có những loại quả như: chuối, bưởi/phật thủ, đào, hồng, quýt… Mỗi loại trái cây đều mang theo những ý nghĩa, mong cầu khác nhau.

Tết miền Bắc

Để lý giải, chúng ta có thể hiểu như sau:

  • Chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc. Nải chuối được lựa chọn sẽ giống như hình bàn tay đang ngửa lên trên, tượng trưng cho sự bảo vệ, che chở gia chủ. Thông thường sẽ được trang trí đầu tiên cũng như là loại quả đặt ở phía dưới cùng của mâm.
  • Quả bưởi hoặc quả phật thủ sẽ tượng trưng cho hành Thổ, thường được đặt ở trong lòng của nải chuối. Mang ý nghĩa cầu mong phúc lộc đầy nhà, bình an vô sự.
  • Quả đu đủ thể hiện sự cầu mong một năm đủ đầy, sung túc.
  • Quả roi (mận), quả lê sẽ tượng trưng cho hành Kim, cầu mong năm mới tiền tài, công danh được như ý.
  • Quả nho sẽ đại diện cho hành Thủy, đại diện cho “hóa hung thành cát”, cầu mong biến đổi vận hạn rủi ro thành những điều may mắn, tốt đẹp.

Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Nam

Đối với người miền Nam, thông thường họ sẽ bày mâm ngũ quả theo phát âm của từng trái để khi đọc ra có thể thể hiện đúng với mong ước của năm mới. Đặc trưng nhất có thể kể đến như: cầu, sung (túc), vừa, đủ, xài, đồng điệu phát âm với những loại quả như mãng cầu, quả sung, đu đủ, dừa và xoài. Bên cạnh đó, người miền Nam cũng sẽ luôn đặt thêm một loại quả lên bàn thờ gia tiên vào dịp Tết – quả dưa hấu. Bởi lẽ, dưa hấu có vỏ xanh ruột đỏ, bày tỏ được lòng trung nghĩa của con người miền Nam.

Tết trong Nam

Bạn có thể dễ dàng thấy, trong phong tục tập quán của miền Nam – Bắc có nhiều khác biệt. Chẳng hạn như trên mâm ngũ quả của người Bắc thường trưng bày thêm chuối và quýt. Trong khi đó, miền Nam lại thường tránh những loại quả này trong ngày Tết của họ. Người miền Nam cho rằng, quả chuối có phát âm như “chúi”, mang hàm ý đi xuống không tốt, không may mắn, làm việc gì cũng xuống dốc. Quả quýt sẽ có vận hạn giống như “quýt làm cam chịu”, mang lại nhiều điều không hay.

Mâm ngũ quả của miền Trung

Xét về địa lý, do miền Trung nằm giữa hai miền Bắc và Nam nên sẽ có sự giao thoa văn hóa của cả hai miền. Có thể nói, trên mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung thường sẽ được phong phú về loại quả hơn, không nhất thiết phải 5 loại. Họ sẽ sử dụng nhiều loại quả với các tầng ý nghĩa khác nhau, không có quá nhiều kiêng cử như quả chuối với cầu mong sự chở che, bảo vệ; bưởi sẽ mang đến tài lộc, may mắn; dưa hấu sẽ là sự trung nghĩa, sắt son;… Không những thế, họ còn cho thêm nhiều loại quả khác như táo, lê, nho đen để tượng trưng cho Hỏa, Kim, Thủy trong ngũ hành.

mâm ngũ quả miền Trung

Trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam đã gìn giữ bao đời nay. Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà, người người đều nô nức ra chợ xuân và lựa chọn những loại trái cây phù hợp để dâng lên ông bà, tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và cầu mong sự sung túc, bình an. Hy vọng bài viết trên, Mẹ và Con đã chia sẻ được những thông tin thú vị về bản sắc văn hóa đẹp đẽ đáng tự hào này của dân tộc. Chúc các bạn có một năm mới an khang, thịnh vượng!

Bài viết liên quan

Thực hiện tự kỷ ám thị

Luật hấp dẫn tiền bạc: Cách để dòng chảy tiền bạc vô tận

Mẹ và Con - Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn có được sự giàu sang, thịnh vượng. Vì tiền bạc sẽ giúp cuộc sống bớt lo toan, nặng nề đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên sức lực có thể rất lâu và vất vả để đạt được những thành tựu đấy. Nếu biết đến luật hấp dẫn tiền bạc - một trong những bí mật vũ trụ mà ít người nói cho bạn biết sớm hơn, chắc chắn cuộc đời bạn sẽ thay đổi ngoạn mục!