Theo đó, bố của bé Cao Ngọc B. 4 tuổi (Long An) cho biết, khoảng tháng 8/2016 trong lúc chơi với bà ngoại, bé thổi kèn đồ chơi rồi vô tình nuốt phải lõi kèn. Sau đó, bố mẹ đưa bé đến bệnh viện khám và chụp X-quang nhưng các bác sĩ không phát hiện có gì bất thường. Vì thế mọi người trong nhà đều nghĩ chiếc kèn đã theo đường tiêu hóa thải ra ngoài.
Chiếc kèn nhựa “trú ẩn” trong cuống phổi bên phải của bé Cao Ngọc B.
Tuy nhiên, 3 tháng gần đây bé thường xuyên bị viêm phế quản, ho nhiều và xuất hiện triệu chứng khó thở. Đặc biệt mỗi lần bé ho, từ trong phổi phát ra âm thanh như tiếng kèn kêu. Cảm thấy bất an và lo lắng nên gia đình quyết định đưa bé B. đến bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính, kết quả cho thấy trong cuống phổi bên phải của bé có dị vật. Đến lúc nội soi lấy ra thì đó là một chiếc kèn nhựa gắn trong các đồ chơi. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi đã dần hồi phục và ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, chiếc kèn nằm trong phổi dễ gây viêm nhiễm nội tạng xung quanh, việc lấy ra cũng khó khăn. Nếu lấy được dị vật thì cũng để lại những vết loét, sẽ gây tình trạng như xuất huyết, mà xuất huyết trong phổi thì rất khó cầm hoặc gây lủng cây phế quản đường thở, lan ra nhiễm trùng trung thất rồi lên tim. Tuy nhiên bệnh nhi B. rất may mắn là không bị như vậy.
Trẻ nhỏ hay ngậm đồ chơi trong miệng, khi hít sẽ sặc vào trong phổi, nếu cấp cứu không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Hóc kèn như bé B. là trường hợp hy hữu. Nguyên nhân là do chiếc kèn được gắn không chắc nên khi trẻ hít mạnh sẽ chạy thẳng vào phổi. Rút kinh nghiệm từ trường hợp của bé Cao Ngọc B., các bậc phụ huynh cần phải hết sức cẩn trọng khi để trẻ chơi các loại đồ chơi có kích thước nhỏ hay các thực phẩm dễ gây hóc như nhãn, đậu phộng…
Được biết, mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 30-40 trẻ nuốt dị vật, trong đó có 3-5 ca dị vật chui vào phổi và đã có trường hợp tử vong.