Mẹ&Con - Vợ chồng kết hôn, tương xứng được hết với nhau từ gia cảnh đến trình độ học vấn, từ công việc, đến sở thích, tính tình… thì quả là 'trong mơ'. Thực tế, có không ít đôi vợ chồng đến với nhau giữa quá nhiều khác biệt. Làm thế nào để 'một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng' trong trường hợp này? Không phải dễ! Chồng trăng hoa: Càng nhịn càng lấn tới! Tâm lý trẻ khi cha mẹ ly hôn Tôi phát hiện chồng có con riêng

“Anh ấy lệch với tôi về tất cả!”

Khi nghe chuyện vợ chồng Minh – Lan (Quận 6) đòi ly hôn, những người quen hầu như chẳng có ai bất ngờ. Mẹ Lan bảo: “Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà nó cứ nằng nặc đòi lấy anh chàng kia, bảo ba mẹ không cho thì chúng con… tự tử! Sợ quá phải đồng ý cho cưới, chứ ngay từ đầu tôi đã thấy không thể nào hợp được. Vợ đang học lên thạc sĩ, chồng văn hóa hết lớp 10. Vợ làm việc với công ty nước ngoài, tiếp xúc toàn khách hàng nước ngoài, chồng thì ngày ngày đi bỏ mối thuốc lá ở các chợ. Hỏi làm sao mà tương đồng, làm sao mà hòa hợp để chung sống lâu bền được!”.

Chia sẻ về cuộc hôn nhân “chuẩn bị vỡ” của mình, chị Lan cũng không khỏi ngậm ngùi: “Lúc yêu nhau, chúng tôi chỉ tiếp xúc rất ít lúc hẹn hò, đi chơi, nên mọi điểm lệch ấy đều nhòa đi mất giữa cảm xúc và nỗi nhớ thương. Biết anh ấy chỉ học hết lớp 10, nhưng tôi lại thương vì gia cảnh khó khăn, anh phải nghỉ học đi làm nuôi các em ăn học. Biết anh ấy chỉ đi bỏ mối thuốc lá, tôi lại nghĩ người có ý chí và chịu khó như thế thì khi gặp điều kiện tốt sẽ vươn lên mấy hồi. Suy nghĩ vậy nên tôi nằng nặc đòi cưới cho bằng được, bỏ qua hết mọi lời khuyên, thậm chí phải lo hết từ A đến Z chi phí cưới thay cho chồng trong khi mẹ tôi thì khóc lóc bảo con mình đâu phải là thứ vứt đi mà đến cưới hỏi cũng không có được chút sính lễ cho đàng hoàng, phải phép”.

ke-bang-cho-lech

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Mọi thứ lệch chỉ bắt đầu lộ diện sau những năm tháng trăng mật ngọt ngào. Chồng gia trưởng, thích ra vẻ mình hơn vợ về mọi thứ nên anh ngấm ngầm tự ái với chuyện vợ học cao. Khi ngồi với bạn bè, chỉ cần nghe ai đó khen: “Chị giỏi quá!” là anh gạt phắt đi, lên giọng: “Giỏi gì đâu! Về nhà vụng về chết đi được. Thời buổi này các cô chỉ tổ thích giỏi việc nước bên ngoài, chứ ở nhà thì đến chồng cũng phải nhảy dựng lên vì… chán ngán!”. Những câu nói ấy, một hai lần thì không sao, nhưng đến lần thứ vài chục rồi vài trăm thì khiến Lan đâm tự ái và tức giận. Cô lên tiếng trả lời: “Chán ngán thì việc gì còn phải sống chung!”. Nổi nóng, chồng đập bàn đập ghế, thể hiện “vị trí” của mình. Về nhà vợ chồng cứ thế chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng với nhau cả tháng.

Cưới chồng “lệch” mình về mọi mặt, ban đầu khi yêu chỉ có hai người thì không sao, dần dà Lan nhận ra khi sống chung thì nảy sinh vô vàn mối quan hệ phức tạp khác nữa. Đơn giản như công ty tổ chức cho nhân viên chuyến đi nghỉ mát 3 ngày 2 đêm, cho đưa vợ chồng theo cùng. Thế nhưng khi rủ chồng đi, cô phát hoảng khi nhận ra chồng mình vô cùng lạc lõng như “sinh vật lạ” giữa đồng nghiệp, bạn bè. Đến nỗi sau năm đầu tiên, Lan chẳng bao giờ dám để chồng cùng đi với mình những chuyến đi như thế nữa.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Trung tâm tư vấn trị liệu Gia đình & Trẻ em) cho biết: “Thực tế, sự chênh lệch nhau xuất hiện ở rất nhiều cặp vợ chồng. Chênh lệch về tuổi tác, lối suy nghĩ, chênh lệch về trình độ học vấn, về gia cảnh, về thói quen, công việc, sở thích… Để kê cho bằng được những chỗ lệch này hoàn toàn không dễ. Phải có đến trên 30% các cặp vợ chồng khi hội tụ quá nhiều sự chênh lệch và không biết cách giải quyết đã đi đến tan vỡ hôn nhân. Tuy nhiên, nếu biết cách, thực tế chính chỗ lệch lại có thể bổ sung lẫn cho nhau và làm cuộc sống hôn nhân trở nên phong phú hơn…”.  

Để có thể “kê bằng” chỗ lệch…

Chồng 44 tuổi, vợ mới tròn 27 nhưng vợ chồng anh Tuấn – chị Nhiên (Quận 11) vẫn có 5 năm chung sống “mưa thuận gió hòa” và có đủ cả hai đứa con 1 trai, 1 gái xinh xắn, kháu khỉnh. Chị Nhiên chia sẻ: “Lệch nhau nhiều lắm. Đàn ông tuổi của ảnh đã điềm đạm, chín chắn vô cùng. Trong khi tính tôi thì nhiều lúc vẫn… ham vui, thích đi chơi, thích tụ tập bạn bè, thích khoe hình gia đình trên facebook. Ban đầu, tôi rất khó chịu khi ảnh cứ chỉnh tôi hết cái này đến cái khác. Ví dụ tôi thích gì mua nấy theo kiểu của các cô gái trẻ, thì ảnh lại khuyên tôi nên suy nghĩ, cân nhắc, biết cảnh tổ chức và quản lý tài chính gia đình. Khi tôi khoe hình vợ chồng “tình tứ” với nhau, hay đưa chuyện giận hờn lên facebook, thì ảnh lại căn dặn tôi có gì vui / không vui chỉ nên nói với ảnh thôi, rằng cách của tôi có thể gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình… Ban đầu tôi khá bướng bỉnh, tự ái, không nghe. Nhưng mưa dầm thấm lâu. Được cái ảnh cư xử rất… người lớn, đúng kiểu bao dung và nhẹ nhàng, như khuyên nhủ vậy. Riết rồi tôi thay đổi lúc nào không hay, thấy mình trưởng thành và giỏi giang, chín chắn hơn lên nhờ ảnh!”.

Quả thật, sự chênh lệch của vợ chồng rất dễ gây nên những cơn sóng gió, tự ái, cãi vã trong gia đình. Tuy nhiên, nếu khéo léo lắng nghe nhau, điều chỉnh một cách tinh tế thì dần dần, không những vợ chồng trở nên hòa hợp, thông cảm, thấu hiểu mà còn có thể tạo nên một sự sinh động, mới mẻ trong cuộc sống của mình.

ke-bang-cho-lech

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Như chị Tuyết Mai, chị là người miền Tây, quen nấu ăn khá ngọt. Đến khi lập gia đình, lại gặp một anh… miền Bắc, không thể quen được với vị “ngọt ngọt” trong những món ăn. Chị kể: “Chỉ riêng một chút lệch nhỏ xíu này, mà ông xã mình từng… bỏ cơm, rồi bực tức bảo sao nói hoài em không đổi cách nấu, nấu vậy ai ăn. Mình tự ái lắm, nhưng nghĩ lại, đây chỉ là một chút lệch nhau rất nhỏ thôi. Chẳng lẽ mình dở đến mức không biết cách kê lại cho bằng. Nghĩ vậy nên mình tập chỉnh sửa và cứ nhiệt tình hỏi ảnh: Em đổi rồi đó, anh thấy vừa miệng chưa, nếu vẫn chưa thì mai em… thử tiếp. Mình nhún nhường nói với ảnh là tại em quen cách nấu này từ nhỏ tới giờ rồi, từ từ em điều chỉnh. Ông xã nhận ra thiện ý của mình, dần dần, ảnh chịu khen ngon. Ngay cả những món mình nấu chưa vừa miệng, ảnh vẫn ăn và bảo: Còn hơi ngọt, bữa sau em đừng bỏ đường. Vậy đó! Rồi từ từ, đến khi mình nấu được chuẩn vị mà ảnh muốn thì ảnh lại vui vẻ dẫn mình đi ăn món… hủ tíu miền Tây! Ảnh nói: vợ hi sinh, ráng tập nấu cho chồng rồi thì chồng cũng phải ráng… tập ăn, để thỉnh thoảng đi ăn món miền Tây với vợ chứ!”.

Công thức “kê cho bằng” những chỗ lệch hóa ra cũng không quá khó. Chỉ cần biết dẹp bỏ tự ái, chỉ cần đặt mình vào vị trí của người kia, chỉ cần nỗ lực học hỏi những điều mình chưa biết và nói cho người bạn đời của mình hiểu những khó khăn của bản thân mình một cách chân thành, vậy là đã có thể hóa giải rất nhiều khác biệt.

Trên đời không có ai hoàn hảo. Nhưng đừng quên rằng với những chỗ lệch, chỉ cần tình yêu thương chân thành và nỗ lực của cả hai cũng đã đủ “kê bằng” lại cho nhau. 

Tags:

Bài viết liên quan