Nghệ thuật chi tiêu Kakeibo hoàn toàn ngược lại với nhịp sống hiện đại, nó khuyến khích người phụ nữ sống chậm lại để đưa ra quyết định cẩn trọng và sáng suốt hơn trong chi tiêu. Nếu bạn là một người rất muốn tiết kiệm nhưng lại không biết cách “thu chi” như thế nào cho hợp lý, hãy cùng Mẹ&Con quản lý chi tiêu theo phương pháp Kekeibo của Nhật Bản. Chắc chắn bạn sẽ rất hài lòng đấy!
‘Kakeibo’: Phương pháp tiết kiệm tiền của người Nhật
Nguồn gốc của Kakeibo:
Kakeibo, phát âm là “kah-keh-boh”, được dịch là “sổ cái tài chính hộ gia đình”. Được phát minh vào năm 1904 bởi một phụ nữ tên là Hani Motoko (nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản). Kakeibo là một phương pháp đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại giúp quản lý chi tiêu một cách hiệu quả!
Có một số người không phải đau đầu vì những khoản chi “khủng” hàng tháng, họ có thể sống tối giản với những vật dụng cần thiết và biết cách lên kế hoạch chi tiêu kỹ lưỡng. Ngược lại, một số khác thì rơi vào tình trạng “tiền làm không đủ ăn”, tiền chi ra vượt cả mức thu nhập mà không thể kiểm soát. Đặc biệt là chị em phụ nữ, chúng ta thường có nhiều nhu cầu cũng như sở thích khác nhau như mua sắm quần áo, mua vật dụng gia đình, mua tã sữa cho con… Dù xuất phát từ nhu cầu nào thì việc quản lý tài chính một cách chặt chẽ cũng mang lại lợi ích lâu dài dành cho bạn. Vì thế mà Kakeibo ra đời và giúp mọi người đưa ra các quyết định chi tiêu thông minh và hợp lý.
Không cần đến công nghệ – bạn chỉ cần bút và một cuốn sổ
Giống như tất cả các hệ thống kế toán, ý nghĩa đằng sau những cuốn sổ Kakeibo là giúp bạn nắm chắc dòng tiền bằng cách giữ một cuốn sổ cái. Tuy nhiên, điều khiến Kakeibo trở nên khác biệt là nó không liên quan đến bất kỳ phần mềm thiết lập ngân sách, ứng dụng hoặc trang tính Excel nào. Tương tự như việc ghi nhật ký, Kakeibo muốn giúp bạn nhìn nhận lại toàn bộ lịch sử chi tiêu. Điều đó mang đến những thay đổi tích cực bằng cách khuyến khích bạn có nhận thức hơn về những thói quen chi tiêu vô bổ.
Kekibo và những câu hỏi chi tiêu
Theo phương pháp Kakeibo, bạn phải tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây trước khi mua bất kỳ món đồ nào không cần thiết
- Tôi có thể sống nếu thiếu món hàng này không?
- Với mức thu nhập của mình, tôi có đủ khả năng chi trả không?
- Sau khi mua về, tôi sẽ sử dụng nó chứ?
- Nhà tôi có không gian dành cho món đồ này không?
- Lần đầu tiên tôi thấy nó trong hoàn cảnh như thế nào? (Tôi đã nhìn thấy nó trong một tạp chí. Tôi đã bắt gặp nó sau khi lang thang vào một cửa hàng quà tặng vì buồn chán.)
- Tình trạng cảm xúc của tôi hôm nay thế nào? (Bình tĩnh? Căng thẳng? Phấn khích? Cảm thấy tồi tệ về bản thân?)
- Sau khi mua nó, tôi sẽ cảm thấy thế nào? (Hạnh phúc? Hứng thú? Thờ ơ? Và cảm giác này kéo dài bao lâu?)
Tại sao phải đặt câu hỏi chi tiêu?
Kakeibo rất hay trong việc buộc bạn phải suy nghĩ về hành vi mua hàng của mình và động cơ thúc đẩy bạn mua chúng. Nói cách khác, Kakeibo giúp bạn chiến thắng bản thân và đối diện với thực tế tài chính của bản thân. Bạn phải đặt “nhu cầu” và “mong muốn” của mình lên cán cân chi tiêu, từ đó hạn chế những lần chi tiêu quá đà. Vì vậy nên chi tiêu thông minh – hợp lý chính là kết quả của Kakeibo.
Kakeibo không làm bạn tách biệt khỏi niềm vui tận hưởng của cuộc sống. Bạn hoàn toàn có thể mua sắm và tiêu tiền vào những gì mình cho là cần thiết. Thế nhưng, Kekibo đơn giản đưa ra cho bạn những lời khuyên bằng cách khuyến khích bạn đối diện với nhu cầu thực tế. Và để đạt được mục đích của Kakeibo, bạn hãy theo đuổi một cách lâu dài và bền bỉ thay vì ép buộc bản thân thay đổi quyết liệt trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này chỉ khiến bản dễ cảm thấy áp lực và nhanh chóng bỏ cuộc thôi!
Mẹ&Con hy vọng gia đình bạn có thể quản lý chi tiêu thành công cùng Kakeibo. Ngoài ra, bạn có thể tham kháo chi tiết các cách thực hiện Kakeibo tại đây nhé!