Mẹ và Con - Hưng cảm là một bệnh thần kinh trái ngược với trầm cảm, khiến người bệnh phấn khích tột độ, không kiểm soát được hành vi...

Chúng ta thường cho rằng một người cười thật nhiều vì họ đang cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, bạn có biết, cười quá mức đôi khi cũng là một biểu hiện bệnh lý thần kinh đặc biệt, được gọi là hưng cảm.

Hưng cảm là gì?

Hưng cảm là một bệnh lý thần kinh trái ngược với trầm cảm, đặc trưng là tình trạng người bệnh hưng phấn quá mức. Người mắc chứng hưng cảm vẫn có thể gặp các dấu hiệu rối loạn thực thể như sụt cân, mất ngủ, thèm ăn, gia tăng tần suất quan hệ tình dục,… Tuy nhiên, người bệnh thường tăng hoạt động, khí sắc, bản thân luôn trong trạng thái phấn chấn quá mức,…

Tùy theo từng người mà người bệnh có thể bị hưng cảm một giai đoạn hoặc hưng cảm hỗn hợp (kết hợp với trầm cảm), hưng cảm kéo dài,…

Hưng cảm là gì

Các mức độ hưng cảm

Hưng cảm có bao nhiêu mức độ? Theo Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (ICD), bệnh có 3 mức độ chính là nhẹ – vừa – nặng. Mỗi mức độ bệnh sẽ có những biểu hiện và cách điều trị khác nhau.

Triệu chứng

Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh bao gồm:

  • Năng lượng cao hơn bình thường, khi quan sát sẽ thấy người bệnh có thể hát hỏ, cười nói một cách vô cùng vui vẻ nhưng có thể trở nên kích động, cáu gắt một cách đột ngột.
  • Có thể ngủ chỉ vài giờ/ngày, nhu cầu ngủ suy giảm.
  • Nói to, nhanh và nói rất nhiều.
  • Dễ bị phân tâm.
  • Luôn trong trạng thái bồn chồn, không thể ngồi yên một chỗ, không cảm thấy mệt mỏi (nhưng thường cũng không làm được việc gì hoàn chỉnh).
  • Tăng ham muốn và nhu cầu quan hệ tình dục, trở nên suồng sã.
  • Có nhiều ý tưởng và hành vi vượt ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
  • Gia tăng các hành vi rủi ro như đầu tư mạo hiểm, tiêu xài hoang phí, mua sắm quá mức cần thiết,…
  • Thèm ăn, ăn nhanh và nhiều,…

Những người mắc hội chứng hưng cảm thường không thể tự nhận thấy thay đổi của bản thân và không tin vào góp ý từ bạn bè, người thân xung quanh. Sau giai đoạn hưng cảm, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy hối hận, chán nản và tự trách vì những hành động mình đã làm.

triệu chứng bệnh hưng cảm

Và ngoài những biểu hiện phổ biến kể trên, người mắc chứng hưng cảm còn có thể có những triệu chứng nghiêm trọng hơn, tách rời thực tế như:

  • Hoang tưởng, có những suy nghĩ phi thực tế, cho rằng mình là người có địa vị cao hoặc có năng lực phi thường. Thậm chí nhiều người còn cho rằng mình là thần thánh và có thể có những phép thần thông quảng đại.
  • Có ảo giác về thị giác hoặc âm thanh.
  • Tâm lý liên tục thay đổi đột ngột.

Nguyên nhân gây nên chứng hưng cảm

Hưng cảm được xem là 1 dạng rối loạn cảm xúc và chưa có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy người có tiền sử gia đình mắc bệnh cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Ngoài ra, những yếu tố liên quan đến sự mất cân bằng não bộ, nghiệm ma túy, nghiện rượu, thiếu ngủ, ngộ độc thuốc, mắc bệnh lý ác tính,… đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nguyên nhân gây nên chứng hưng cảm

Chẩn đoán và điều trị bệnh hưng cảm

Chẩn đoán

Làm sao để chẩn đoán được một người có mắc chứng hưng cảm hay không? Chúng ta không thể tự kết luận một người có mắc bệnh hay không mà cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất người bệnh, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc mà người bệnh đang dùng và cả các chất kích thích nếu có.

Vì chứng hưng cảm có những triệu chứng tương đối giống với một số bệnh lý khác nên bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi người bệnh, ghi nhận biểu hiện bệnh trong một thời gian (thường trên 1 tuần).

Điều trị

Để điều trị hưng cảm thì bác sĩ tâm lý có thể tiếp xúc, trò chuyện với người bệnh. Trong quá trình trò chuyện, bác sĩ sẽ giữ thái độ nhẹ nhàng nhất và cố gắng để hạn chế tối đa những lời nói gây kích thích tâm trạng của người bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc uống để ổn định tâm trạng và chống loạn thần. Người bệnh có thể được chỉ định dùng nhiều loại thuốc khác nhau cho đến khi bác sĩ tìm được loại thuốc phù hợp nhất. Trong quá trình điều trị bằng thuốc, cần uống thuốc đều đặn và đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng để đảm bảo được phục hồi nhanh hơn.

Song song với việc uống thuốc thì người mắc chứng hưng cảm có thể được chỉ định thực hiện thêm các liệu pháp tâm lý thay thế. Các trường hợp nặng thì người bệnh cần phải ở lại bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để điều trị nội trú.

Cải thiện chứng hưng cảm

Bên cạnh việc dùng thuốc hay thực hiện các liệu pháp tâm lý thì với người mắc chứng hưng cảm, có thể thay đổi lối sống để giảm thiểu triệu chứng bệnh. Một số vấn đề khi xây dựng lối sống lành mạnh mà bạn cần lưu ý bao gồm:

  • Hạn chế dùng caffein và các chất kích thích
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cố gắng bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục để giải tỏa năng lượng
  • Tránh các tình huống gây căng thẳng hoặc kích động về mặt cảm xúc
  • Thường xuyên trò chuyện cùng người thân, bạn bè
  • Ghi chép lại nhật ký để kiểm soát hành vi khi hưng cảm
  • Tham gia các hoạt động ngoài trời để giải phóng năng lượng

điều trị hưng cảm

Cũng như trầm cảm, hưng cảm là một bệnh tâm lý và có thể gây nên nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống của chúng ta. Do đó, không nên chủ quan mà hãy đến bệnh viện ngay khi nhận thấy bản thân có những biểu hiện bất thường hoặc khi được mọi người xung quanh góp ý về những hành vi bất thường của bản thân bạn nhé!

Bài viết liên quan