Mẹ và Con - Trung bình, phụ nữ ở độ tuổi 30 có nhiều khả năng mắc hội chứng tiền kinh nguyệt nhất. Và hội chứng này đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống của chị em phụ nữ mỗi tháng...

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau và có thể khiến chị em phụ nữ cảm thấy khó chịu. Hầu hết phụ nữ, trên 90%, cho biết họ gặp một số triệu chứng tiền kinh nguyệt và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của họ.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome – PMS) là sự kết hợp của các triệu chứng về thể chất và cảm xúc mà nhiều phụ nữ gặp phải sau khi rụng trứng và trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Các nhà nghiên cứu cho rằng PMS xảy ra trong những ngày sau khi rụng trứng vì nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu giảm đáng kể nếu bạn không mang thai, thường trong khoảng một hoặc hai tuần trước kỳ kinh.

Các triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt biến mất trong vòng vài ngày sau khi phụ nữ bắt đầu có kinh khi nồng độ hormone bắt đầu tăng trở lại.

Một số phụ nữ khi tới ngày dâu không có bất kỳ dấu hiệu nào của PMS hoặc chỉ có các triệu chứng rất nhẹ. Đối với những người khác, các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt có thể nghiêm trọng đến mức khiến họ khó thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi làm hoặc đi học.

PMS sẽ biến mất khi bạn không còn kinh nguyệt nữa, chẳng hạn như sau khi mãn kinh. Sau khi mang thai, PMS có thể quay trở lại nhưng bạn có thể có các triệu chứng PMS khác.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt

Các triệu chứng PMS của mỗi phụ nữ có thể khác nhau và có thể thay đổi theo từng tháng. Bạn có thể gặp một số triệu chứng liên tục hàng tháng nhưng cũng có thể các triệu chứng chỉ xảy ra 1-2 lần trong đời.

Các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt được chia làm 2 nhóm:

Các dấu hiệu và triệu chứng về cảm xúc và hành vi

  • Căng thẳng hoặc lo lắng
  • Tâm trạng chán nản
  • Dễ khóc hơn
  • Thay đổi tâm trạng và dễ cảm thấy khó chịu hoặc tức giận
  • Thay đổi khẩu vị và thèm ăn
  • Khó ngủ (mất ngủ)
  • Cảm thấy xa cách với xã hội và mọi người xung quanh
  • Kém tập trung
  • Thay đổi ham muốn tình dục (có thể cảm thấy hứng thú hơn hoặc không có nhu cầu quan hệ)

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt

Các dấu hiệu và triệu chứng thể chất

  • Đau khớp hoặc cơ
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Tăng cân do giữ nước
  • Đầy bụng
  • Đau vú
  • Da nổi mụn
  • Táo bón hoặc đau bụng tiêu chảy
  • Không dung nạp rượu

Đối với một số người, nỗi đau thể xác và căng thẳng tinh thần đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Bất kể mức độ nghiêm trọng của triệu chứng như thế nào thì triệu chứng tiền kinh nguyệt cũng thường biến mất trong vòng bốn ngày sau khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt.

Ai có nguy cơ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt?

PMS có thể xảy ra với bất kỳ chị em phụ nữ nào trong giai đoạn từ lúc có kinh đến khi mãn kinh. Các thống kê cho thấy, cứ 4 phụ nữ thì có đến 3 người gặp phải các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt vào một thời điểm nào đó trong đời. Đối với hầu hết phụ nữ thì các triệu chứng đều nhẹ.

Ít hơn 5% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc phải dạng PMS nghiêm trọng hơn, được gọi là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD). Và hội chứng tiền kinh nguyệt có thể xảy ra thường xuyên hơn ở những phụ nữ:

  • Có mức độ căng thẳng cao
  • Gia đình có tiền sử trầm cảm
  • Có tiền sử cá nhân bị trầm cảm hoặc trầm cảm sau sinh

Ai có nguy cơ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt

Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt

Tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa thể xác định chính xác và đầy đủ về lý do tại sao phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhưng các bác sĩ đặt ra giả thuyết rằng đây có thể là do sự thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt thay đổi theo sự dao động nội tiết tố và biến mất khi mang thai và mãn kinh. Một số phụ nữ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác bởi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người là khác nhau.

Hơn nữa, sự dao động của serotonin, một chất hóa học trong não (dẫn truyền thần kinh) được cho là đóng vai trò quan trọng trong trạng thái tâm trạng, có thể gây ra các dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt. Lượng serotonin không đủ có thể góp phần gây ra trầm cảm tiền kinh nguyệt, cũng như gây mệt mỏi, thèm ăn và khó ngủ.

Và mặc dù trầm cảm đơn thuần không gây ra tất cả các triệu chứng PMS nhưng cần lưu ý rằng, nhưng người mắc hội chứng tiền kinh nguyệt nặng có nguy cơ bị trầm cảm và ngược lại.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì

Làm sao để giảm bớt sự khó chịu do hội chứng tiền kinh nguyệt?

Một số biện pháp có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng do hội chứng tiền kinh nguyệt gây nên, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên trong suốt tháng: Tập thể dục có thể giúp giảm các triệu chứng như trầm cảm, khó tập trung và mệt mỏi. Bạn có thể tập aerobic, chạy bộ, bơi lội,… hoặc chơi các môn thể thao phối hợp.
  • Chọn thực phẩm lành mạnh: Nên tránh thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine, muối và đường trong hai tuần trước kỳ kinh để làm giảm nhiều triệu chứng do hội chứng tiền kinh nguyệt gây nên. Bạn nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây cũng như cố gắng đa dạng hóa các loại thực phẩm.
  • Ngủ đủ giấc: Nên cố gắng ngủ khoảng tám giờ mỗi đêm. Thiếu ngủ có liên quan đến trầm cảm và lo lắng và có thể làm cho các triệu chứng PMS như ủ rũ trở nên tồi tệ hơn.
  • Tìm những cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng: Nếu bạn đang cảm thấy áp lực, căng thẳng thần kinh, bạn có thể thử nói chuyện, tâm sự với bạn bè hoặc viết nhật ký. Ngoài ra, tập yoga, massage, đi xem phim,… cũng có tác dụng giúp thư giãn.
  • Đừng hút thuốc: Trong một nghiên cứu về hội chứng tiền kinh nguyệt được thực hiện thì những phụ nữ hút thuốc có nhiều triệu chứng PMS hơn và các triệu chứng PMS nặng hơn so với những phụ nữ không hút thuốc. Do đó, tốt nhất bạn nên nói không với thuốc lá.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn có thể giúp điều trị một số triệu chứng PMS. Với thuốc không kê đơn, bạn có thể chọn các loại thuốc như Ibuprofen, Naproxen, Aspirin,… Các loại thuốc này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng như chuột rút, nhức đầu, đau lưng và đau ngực. Một số phụ nữ nhận thấy rằng dùng thuốc giảm đau không kê đơn ngay trước khi kỳ kinh bắt đầu sẽ giúp giảm bớt cơn đau và chảy máu trong kỳ kinh. Ngoài ra, nếu tình trạng của bạn nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống lo âu, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc,…
  • Bổ sung dưỡng chất: Các nghiên cứu cho thấy một số vitamin và khoáng chất nhất định có thể giúp giảm một số triệu chứng khó chịu vào những ngày trước kỳ kinh. Các nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích của canxi, vitamin B6, magie, axit béo,… trong việc đẩy lùi các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Làm sao để giảm bớt sự khó chịu do hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là nỗi ám ảnh của nhiều chị em trước mùa dâu khi phải trải qua những triệu chứng cực kỳ khó chịu. Hãy thử những cách trên để có thể cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.