Không chỉ riêng Việt Nam, các bậc phụ huynh trên toàn thế giới đang đối diện với nỗi lo lắng khi số ca trẻ em mắc hội chứng phổi trắng cũng như các bệnh lý hô hấp ngày càng tăng cao. Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo về cách chủ động phòng ngừa các bệnh lý hô hấp.
Hội chứng phổi trắng và các bệnh hô hấp bùng phát ở nhiều nơi
Trong tháng 11, Trung Quốc ghi nhận hàng loạt các trường hợp trẻ em mắc hội chứng viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma pneumoniae, rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, adenovirus, virus cúm,… Khoogn chỉ vậy, tại Malaysia hay Singapore, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng diễn biến phức tạp, số ca bệnh gia tăng từ 50-100%.
Cuối tháng 11, Campuchia ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người. Tính trong năm 2023, tại Campuchia đã có 6 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 ở người và trong đó có 3 ca tử vong.
Tại Pháp, Hà Lan, Đan Mạch hay Ireland, số ca trẻ bị viêm phổi do nhiễm khuẩn mycoplasma cũng đang gia tăng chóng mặt. Cụ thể, số ca trẻ mắc bệnh tại Đan Mạch đã tăng gấp 3 lần kể từ tháng 10.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc các bệnh hô hấp. Thống kê tại bệnh viện Bạch Mai, 30-40% bệnh nhi đang điều trị viêm phổi tại đây nhiễm mycoplasma.
Hội chứng phổi trắng là gì?
Hội chứng phổi trắng là một thuật ngữ được dùng để mô tả các bệnh lý đường hô hấp khiến phổi xuất hiện những mảng trắng (hiển thị qua ảnh chụp X-quang). Một số chuyên gia còn cho biết, thuật ngữ này được dùng để nói đến các bệnh hô hấp đang lây lan tại Trung Quốc do khuẩn mycoplasma và các loại virus, vi khuẩn các gây nên.
Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi, nghẹt mũi, nhảy mũi, sổ mũi, chảy nước mắt, thở khò khè, nôn mửa, tiêu chảy,…
Các chuyên gia cho biết, căn bệnh không phải là do vi khuẩn hoặc virus mới gây ra. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Johns Hopkins – tiến sĩ Amesh Adalja, đợt bùng phát viêm phổi lần này vẫn tuân theo chu kỳ bùng phát như bản chất của mycoplasma từ trước – khi mọi người đang hồi phục sau đợt cúm mùa hoặc sau đợt mắc các bệnh do virus khác.
Bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thời gian cách ly kéo dài, mọi người không được phơi nhiễm tự nhiên với các loại virus, vi khuẩn trong từ 1-2 năm vừa qua, làm cho khả năng miễn dịch trước các mầm bệnh theo mùa cũng thấp hơn. Đặc biệt, trẻ em được sinh ra trong hai năm đại dịch Covid-19 xuất hiện là nhóm dễ chịu tổn thương nhất bởi trẻ gần như trải qua đợt giãn cách xã hội từ khi chào đời, chưa hoặc hiếm trải qua bất kỳ loại bệnh truyền nhiễm nào, từ đó không thể củng cố hệ miễn dịch của cơ thể.
Điều này cũng lý giải vì sao hội chứng phổi trắng gia tăng cao hơn ở Trung Quốc – quốc gia từng phong tỏa chặt chẽ trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.
Bộ Y tế nước ta cũng cho biết, hiện Việt Nam đang bước vào giai đoạn mùa Đông Xuân. Đây là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có những thay đổi thất thường làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh hô hấp.
Nguy cơ mắc hội chứng phổi trắng do các bệnh hô hấp gây nên cũng cao hơn do dịp cuối năm, nhu cầu du lịch, giao thương giữa các quốc gia, các tỉnh thành tăng cao. Không chỉ trẻ em mà người có bệnh lý nền, người cao tuổi cũng thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Phòng ngừa hội chứng phổi trắng và các bệnh lý đường hô hấp
Để phòng ngừa hội chứng phổi trắng và các bệnh lý đường hô hấp, góp phần hạn chế lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, cần lưu ý:
- Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, người dân khi ra ngoài, đặc biệt là tại các địa điểm tập trung đông người như trên phương tiện công cộng hay tại các cơ sở y tế cần đeo khẩu trang.
- Duy trì việc rửa tay thường xuyên. Nên rửa tay với dung dịch sát khuẩn tay hoặc xà phòng và nước sạch. Đặc biệt lưu ý rửa tay sau khi ho, hắt hơi, chạm vào các đồ vật công cộng như tay nắm cửa, nút bấm thang máy,…
- Khi ho hoặc hắt hơi, cần đưa tay hoặc dùng khăn che miệng và mũi.
- Súc miệng, họng với nước súc miệng kháng khuẩn.
- Tránh đưa tay lên tiếp xúc với mắt, mũi, miệng,…
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cố gắng ăn chín, uống chín. Đảm bảo an toàn thực phẩm khi nấu nước, đặc biệt là khi giết mổ gia súc gia cầm cũng như chế biến các sản phẩm từ gia súc gia cầm.
- Vệ sinh môi trường, vệ sinh không gian sống và các khu vực xung quanh nhà ở. Với các gia đình có trẻ em, cần vệ sinh khu vực chơi của trẻ và đồ chơi của trẻ.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng chống lại sự xâm nhập và gây hại của các mầm bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người có các triệu chứng mắc bệnh hô hấp như ho, khó thở, sốt,… Khi tiếp xúc cần đeo khẩu trang và lưu ý rửa tay, súc miệng, vệ sinh,… sau khi tiếp xúc.
- Nếu có các dấu hiệu bệnh, nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh và chữa bệnh sớm luôn hiệu quả hơn việc để bệnh diễn tiến nặng, lây lan cho những người xung quanh. Tuy nhiên, việc hiểu và phòng ngừa bệnh không đồng nghĩa với việc cần phải lo lắng quá mức. Cứ hãy bình tĩnh và thực hiện theo những biện pháp phòng ngừa bệnh lý hô hấp để bảo vệ sức khỏe bạn nhé!