Mẹ và Con - Bàn chân trẻ sơ sinh không có vòm, không lõm hoặc có thể gọi là bàn chân bẹt. Điều này hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, nếu đến 2-3 tuổi chân bé vẫn không có vết lõm thì trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt.

Hội chứng bàn chân bẹt sẽ ảnh hưởng tới khả năng di chuyển cũng như xương khớp của bé. Vòm bàn chân tưởng như chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng thực tế ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể. Vấn đề bàn chân bẹt ở trẻ nhỏ đang ngày càng phổ biến. Đọc bài viết để hiểu rõ hội chứng bàn chân bẹt là gì cách điều chỉnh cũng như ngăn ngừa.

Hội chứng bàn chân bẹt là gì?

Hội chứng bàn chân bẹt là tình trạng lòng bàn chân phẳng lì. Bàn chân không có hõm cong tự nhiên hoặc có vết lõm nông. Hội chứng bàn chân bẹt là một dạng dị tật phổ biến. Chúng không chỉ ảnh hưởng tới di chuyển mà còn gây tác động xấu tới khớp liên quan như cổ chân, đầu gối, háng và lưng.

Hội chứng bàn chân bẹt có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi đi lại

Nguyên nhân gây bàn chân bẹt

Bàn chân bẹt có thể là do di truyền hoặc do các yếu tố môi trường. Nguyên nhân rất đa dạng, cụ thể:

  • Di truyền: Một số bé có gien xương khớp mềm ở bàn chân do đó mắc hội chứng bàn chân bẹt. Có thể xác định nguyên nhân là di truyền nếu bố mẹ hoặc người thân trong gia đình cũng mắc hội chứng này.
  • Đi chân đất: Do thói quen đi chân đất khiến bàn chân chịu sức ép nặng, các xương không được hỗ trợ và do đó dễ biến dạng dưới lực ép.
  • Đi dép hoặc sandal đế bằng: Khiến các dây chằng và cơ ở lòng bàn chân chậm phát triển, không hình thành được vòm.
  • Do giày không hợp: Giày dép quá chật, quá rộng hoặc đệm lót không phù hợp cũng ảnh hưởng tới hình dạng bàn chân.
  • Trẻ béo phì, thừa cân: Tình trạng này rất phổ biến khi mà số lượng trẻ em thừa cân, béo phì ngày càng tăng. Khối lượng cơ thể tạo sức ép lớn lên chân khiến các mô kết nối bị kéo giãn, gây ra hội chứng bàn chân bẹt.

Hội chứng bàn chân bẹt có thể là do di truyền

Dấu hiệu nhận biết bàn chân bẹt

Trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt khi lòng bàn chân của bé phẳng bì, có khuynh hướng áp sát xuống đất khi đứng. Ngoài ra, nếu để trẻ đứng úp mặt vào tường, bạn có thể thấy góc cạnh mắt cá chân cong khá nhiều và khớp gối có xu hướng chụm vào nhau.

Một cách kiểm tra khác là cho in hình chân lên cát hoặc dùng nước để in dấu chân trẻ thì sẽ thấy dấu chân không có hõm mà hiện toàn bộ hình bàn chân. Nếu tình trạng nặng hơn thì bé có thể bị đau chân, đau mắt cá, gối hoặc thể hiện sự vụng về khi di chuyển. Đặc biệt là bé khó chạy nhanh, đi đứng ít linh hoạt.

Hội chứng bàn chân bẹt cũng chia thành sinh lý và bệnh lý. Trường hợp bệnh lý thì là tình trạng thường gặp, tiên lượng tốt. Bàn chân bẹt bệnh lý lại thường cứng, gây mất chức năng bàn chân. Phần lớn trường hợp nặng như thế này sẽ cần can thiệp phẫu thuật.

Nếu phân loại dựa vào độ linh hoạt thì có 3 loại:

  • Bàn chân bẹt linh hoạt: Là dạng bàn chân bẹt thường gặp nhất, xuất hiện từ khi còn nhỏ tuổi và thường không có hại.
  • Bàn chân bẹt cứng: Là dạng bàn chân bẹt hiếm gặp hơn, gây đau và khó di chuyển. Bàn chân gần như phẳng lì, không tạo được độ cung.
  • Bàn chân bẹt hỗn hợp: Là dạng kết hợp giữa hai dạng trên, có cả đặc điểm linh hoạt và cứng.

Cách điều chỉnh khi trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt

Phương pháp điều chỉnh khi trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân của tình trạng này. Có thể kể đến một số cách điều chỉnh như sau:

  • Luyện thể chất: Đây là cách đơn giản, hiệu quả và thích hợp với dạng bàn chân bẹt sinh lý hoặc tình trạng bệnh lý nhẹ.  Một số bài tập vật lý trị liệu có hiệu quả rất tốt như: đứng trên ngón chân, đi trên đầu gối, đi trên mũi chân, đi trên gót chân, kéo ngón chân về phía trước, xoay ngón chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, nắm và nhả các vật nhỏ bằng ngón chân.
  • Giày chỉnh hình bàn chân bẹt: Đây là biện pháp phổ biến và hiệu quả nhanh cho các trường hợp bàn chân bẹt ở trẻ em. Giày chỉnh hình bàn chân bẹt được thiết kế đỡ vòm và gót chân, hỗ trợ và nâng cao vòm bàn chân, cải thiện tư thế và cân bằng của trẻ khi đi lại. Giày chỉnh hình nên được thiết kế riêng cho từng trường hợp và được mang theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Phẫu thuật: Đây là phương án cuối cùng hoặc chỉ dùng trong tình trạng rất nặng.

Cách điều trị hội chứng bàn chân bẹt hiệu quả

Cách phòng ngừa hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em

Để phòng ngừa hội chứng bàn chân bẹt cho trẻ em thì cha mẹ cần lưu ý tới chế độ sinh hoạt, vận động của bé. Đặc biệt nếu người nhà từng có tiền sử mắc hội chứng bàn chân bẹt thì phải theo dõi để điều chỉnh sớm cho trẻ. Một số biện pháp ngăn ngừa gồm:

  • Luôn chú ý chọn giày phù hợp với trẻ nhỏ. Giày vừa cỡ, có đệm lót ở gót chân và hõm chân.
  • Hạn chế cho trẻ đi dép hoặc xăng-đan có đế lót bằng phẳng. Nếu có thì nên chọn loại có dây đai ở gót để giữ cho bàn chân không bị lệch khi di chuyển.
  • Khuyến khích, giúp trẻ vận động đúng cách, đi lại nhiều.
  • Kiểm tra sức khỏe của trẻ thường xuyên. Nếu nghi ngờ trẻ có bàn chân bẹt, nên đưa trẻ đến khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng sau này.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bé, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng để bé phát triển ổn định. Đặc biệt tránh các thực phẩm gây thừa cân, béo phì vì sẽ tăng nguy cơ bàn chân bẹt.

Nhìn chung, hội chứng bàn chân bẹt không hiếm gặp và thường không gây nguy hiểm cho bé. Chứng bàn chân bẹt ở trẻ em có thể được điều chỉnh bằng nhiều biện pháp. Cha mẹ nên cho bé đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý đúng cách.

Bài viết liên quan