Xét về tâm lý học, ái kỷ được xem là một hình thức tự thổi phồng bản thân được thể hiện qua hành vi và đòi hỏi người khác cũng có cái nhìn như thế về mình, tuy nhiên người bệnh lại không có sự thấu cảm đối với suy nghĩ của người khác. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu rõ hơn về hội chứng ái kỷ này nhé.
Những gì bạn cần biết về hội chứng ái kỷ – NPD
Hội chứng ái kỷ là gì?
Hội chứng ái kỷ hay còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD) là một bệnh lý tâm thần. Theo đó, người bệnh tin rằng bản thân họ luôn nổi trội hơn người khác.
NPD là một phần của nhóm rối loạn nhân cách với các triệu chứng của cảm xúc mãnh liệt và không ổn định, đặc biệt hình ảnh bản thân được thổi phồng trong tư tưởng của họ. Bệnh thường bắt đầu trong những năm đầu trưởng thành và ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.
Người mắc hội chứng ái kỷ thường tỏ ra kiêu ngạo, coi mình là trung tâm của mọi sự chú ý và hầu như không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Đó là lý do người bệnh không ý thức được thường gặp nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như các mối quan hệ trong cuộc sống của họ.
Các dấu hiệu nhận biết mắc hội chứng ái kỷ
Những người bị NPD có ý thức rất phóng đại về tầm quan trọng của bản thân. Dưới đây là các dấu hiệu dễ nhận thấy ở những người này:
- Cảm giác bản thân rất vĩ đại, trở nên vượt trội
- Ảo tưởng về quyền lực, sắc đẹp, thành công và trí tuệ
- Phóng đại thành tích và năng lực của bản thân
- Liên tục tìm kiếm sự chú ý và ngưỡng mộ từ những người xung quanh
- Rất nhạy cảm với căng thẳng
- Tự cảm thấy mình ưu việt, đặc biệt đối với những người được coi là có địa vị “thấp hơn”
- Có sự ám ảnh về giai cấp và địa vị
- Tin rằng những người khác đang ghen tị với họ
- Luôn mong đợi được khen ngợi và công nhận cho những thành tựu
- Thiết lập mục tiêu không thực tế
- Phớt lờ khi người khác chia sẻ hoặc không có sự đồng cảm
Ngoài ra, những người bị hội chứng ái kỷ thường cảm thấy bất an khi nhận những lời chỉ trích và có thể dễ dàng cảm thấy bị tổn thương. Họ có thể không thừa nhận mình đã làm gì sai và có thể rất tức giận nếu người khác không tuân theo sự chỉ dẫn của họ.
Nguyên nhân gây ra NPD
Cũng như nhiều chứng rối loạn nhân cách khác, nguyên nhân chính xác của NPD vẫn chưa thể xác định rõ. Lý do có lẽ là sự pha trộn giữa gen, trải nghiệm thời thơ ấu và các yếu tố tâm lý, chằng hạn như nhận khen ngợi hoặc phán xét quá mức của cha mẹ, đã từng bị chấn thương tâm lý hoặc lạm dụng.
Mặc dù chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nguyên nhân gây ra NPD, nhưng các chuyên gia đều tán thành việc điều trị càng sớm thì càng có cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Những hệ lụy do hội chứng gây ra
Đôi lúc những người mắc phải hội chứng ái kỷ họ không thể tự nhận thức về chứng bệnh của mình nên sẽ dẫn đến một số ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống:
- Không có khả năng lắng nghe người khác
- Thiếu ý thức về những người xung quanh
- Người bệnh ái kỷ có xu hướng lợi dụng người khác vì lợi ích cá nhân
- Luôn muốn làm chủ cũng như kiểm soát các mối quan hệ
- Thiếu sự đồng cảm, thấu hiểu
- Hay có lòng ghen tị với những người mà họ xem là có địa vị cao hơn họ
- Dễ dàng xóa sổ hay cắt đứt một mối quan hệ nào vì vấn đề rất nhỏ hoặc những vấn đề mà họ tưởng tượng ra
Những người mắc chứng NPD thường hay xa cách xã hội và có nguy cơ cao vướng vào các chất gây nghiện. Họ có cảm giác bất an sâu sắc bên dưới vẻ ngoài kiêu ngạo.
Theo các nhà tâm lý học, nếu tự nhận thức được bệnh trạng và học cách thay đổi hành vi, người mắc chứng ái kỷ vẫn có cơ hội cải thiện tích cực các mối quan hệ.
Làm thế nào để điều trị hội chứng ái kỷ?
Hiện nay để điều trị hội chứng ái kỷ, các chuyên gia chủ yếu sử dụng liệu pháp trò chuyện, còn được gọi là liệu pháp tâm lý. Trường hợp các triệu chứng của NPD xảy ra đồng thời với trầm cảm hoặc một tình trạng rối loạn cảm xúc khác, thì có thể sử dụng các loại thuốc thích hợp để điều trị chứng rối loạn kia. Tuy nhiên, chưa có thuốc đặc trị cho NPD.
Liệu pháp trò chuyện có thể giúp người bệnh học cách liên hệ tốt hơn với người khác để các mối quan hệ trở nên thú vị, thân thiện và giàu cảm xúc hơn. Bằng cách này người bệnh không những cải thiện được các mối quan hệ mà còn giúp ích cho những lĩnh vực khác trong cuộc sống:
- Cải thiện sự hợp tác với đồng nghiệp và đối tác
- Duy trì các mối quan hệ cá nhân
- Nhận thức điểm mạnh và tiềm năng của mình để có thể chịu đựng những lời chỉ trích hoặc thất bại
- Có thể hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân
- Dám chấp nhận mọi vấn đề về lòng tự trọng
- Đặt mục tiêu thực tế cho bản thân
Vì các đặc điểm tính cách có thể khó thay đổi, nên có thể mất vài năm điều trị trước khi người bệnh cảm thấy cải thiện hoàn toàn. Trong thời gian đầu, người bệnh có thể coi việc trị liệu là lãng phí thời gian, tuy nhiên, điều quan trọng là phải tuân thủ điều trị.
Tham dự tất cả các buổi trị liệu và dùng thêm thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Theo thời gian người bệnh sẽ bắt đầu thấy sự khác biệt trong bản thân và các mối quan hệ với những người xung quanh.
Ngoài liệu pháp biểu cảm tâm lý, các biện pháp khắc phục lối sống sau đây có thể giúp ích cho quá trình trị liệu của người mắc hội chứng ái kỷ:
- Tránh rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích hành vi tiêu cực khác.
- Tập thể dục ít nhất ba lần mỗi tuần để giúp cải thiện tâm trạng.
- Tham gia các lớp trị liệu bằng thư giãn chẳng hạn như yoga và thiền, để giảm căng thẳng và lo lắng.
Việc điều trị hội chứng ái kỷ cần có thời gian. Hãy duy trì động lực bằng cách ghi nhớ mục tiêu phục hồi và nhắc nhở bản thân rằng bạn làm điều này để cải thiện những mối quan hệ đã bị tổn thương, đây là cách để bạn hài lòng hơn và quay trở lại cuộc sống đích thực của chính mình.