Mẹ&Con – “Ngày trước, cầm trong tay 200 ngàn, đi chợ cho 4 người ăn, cảm thấy xông xênh, đủ món. Giờ thì với số tiền ấy, chẳng mua được thức ăn tươi, ngon, vừa ý cho cả gia đình” – chị Thanh chia sẻ.

Mỗi nhà mỗi cách tiết kiệm

Vậy mới thấy, đồng tiền ngày càng mất giá trị đáng kể. Nhiều gia đình phải cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết trước đây để giảm chi phí sinh hoạt. Từ đó, hàng loạt các chiến lược tiết kiệm được chị em nội trợ trong gia đình áp dụng triệt để. Miễn sao vừa đảm bảo kinh tế cho gia đình, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe từng thành viên. Với một số người, đó là bài toán khó.

Cứ hình dung nếu nhà bạn có 4 người, sáng mở mắt ra, đi ăn sáng bên ngoài cũng đã ngót nghét 100 ngàn, đó chỉ là ăn bình dân. Chưa kể, đôi khi ăn tiệm còn không đảm bảo vệ sinh cho cả gia đình.

Cùng hoàn cảnh ấy, chị Thanh Loan (Q.3) quyết định dậy sớm nấu ăn cho cả gia đình trước khi đưa hai nhóc đến trường và hai vợ chồng đến cơ quan. Ngặt nỗi, các con cứ “mè nheo” mẹ, đòi ăn những món ăn “tủ” của mẹ nấu nên chi phí cũng không giảm được bao nhiêu. Dù sao vẫn chất lượng hơn rất nhiều lần so với bữa ăn qua loa bên ngoài.

Riêng chị Mai (Q.1) thì chia sẻ cách tiết kiệm của mình: “Nhà ngoại ở Củ Chi, mỗi tuần tôi đưa cháu về một lần. Gần nhà ngoại, có rất nhiều vườn trồng rau, củ, quả đủ các loại. Tôi và ông xã tranh thủ mỗi dịp về thăm lại “rinh” lên một số lượng rau củ đáng kể, đủ cho cả gia đình ăn trong 1 tuần. Tuần sau lại tiếp tục như thế. Giá cả chỉ không tới một nửa giá thành ngoài chợ, siêu thị, lại tươi, ngon nên gia đình tôi rất hài lòng với cách tiết kiệm này”.

Anh Quang (Q. Tân Bình) có thói quen thưởng cho con bằng những suất phim ở rạp. Từ ngày giá cả leo thang, anh thấy tiền bạc trong sổ tiết kiệm của gia đình cứ thế vơi dần đi. Thằng bé mê xem phim nên dốc sức học để đạt số tiêu chuẩn điểm 10 trong tháng. Anh không nỡ bỏ phần thưởng đó của con. Anh tìm hiểu chương trình giảm giá của rạp hàng tuần để tranh thủ đưa con đi. Thế là tiết kiệm được thêm một khoản nho nhỏ.

Gia dinh thoi lam phat

(Ảnh minh họa)

Tiết kiệm cũng cần phải biết cách

Nếu bạn đặt mục tiêu trong năm nay là tiết kiệm nhiều hơn, thì một trong những biện pháp hiệu quả nhất là cắt giảm chi tiêu vào thực phẩm. Ở nhiều hộ gia đình, đây là khoản tiền lớn nhất nằm trong tầm kiểm soát của bạn! Ai cũng muốn được ăn ngon, nhưng điều đó lại đi kèm với việc chiếc ví của bạn mỏng đi nhanh chóng. Với một chút tư duy kế hoạch, các cách làm sáng tạo và chiến lược mua sắm phù hợp, mục tiêu này hoàn toàn sẽ nằm trong tầm tay bạn.

Vì vậy, cần một sự bền bỉ trong kế hoạch tiết kiệm của những gia đình có kinh tế eo hẹp, hoặc nhằm tránh thâm hụt kinh phí sinh hoạt của gia đình, so với thời chưa lạm phát. Việc tính toán cẩn thận sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Cùng chia sẻ một số bí quyết sau đây nhé! 

Bí quyết tiết kiệm chi tiêu

Một cuốn sổ tay

Chuẩn bị sẵn những thứ cần mua trước khi ra chợ. Điều này giúp bạn hạn chế mua những thứ gì ngoài dự tính. Không nên “mềm lòng” trước lời chào mời của người bán. Ngoài ra, một cuốn sổ tay được chuẩn bị sẵn còn giúp bạn kiểm tra được thực đơn trong tuần, nhằm mang đến cho gia đình bạn bữa ăn phong phú nhất.

Nấu ăn tại nhà

Nấu cho gia đình và cả vợ chồng bạn khi đến cơ quan. Ngoài những buổi đi ăn với khách để giữ mối quan hệ, bạn nên chủ động chuẩn bị cơm trưa cho cả hai vợ chồng. Điều này có vất vả nhưng giúp bạn hạn chế chi tiêu một cách đáng kể, mà còn giúp bạn và ông xã có bữa trưa vừa ý nữa đấy!

Quản lý tiền theo từng tháng

Dù hai vợ chồng bạn đi làm hay kinh doanh, ít nhất cũng cần phải kiểm tra con số chi tiêu từng tháng. Với hình thức đó, bạn sẽ cân bằng được mức chi tiêu hợp lý cho gia đình mình. Tập làm quen bằng cách ghi lại những con số chi tiêu hàng ngày của gia đình bạn. Thời điểm đầu không quen, bạn sẽ thấy khó chịu và không cần thiết, nhưng khi đã quen, điều này trở nên dễ dàng và rất hiệu quả cho việc tiết kiệm của bạn.

Người giữ chìa khóa

Hiện nay, có những gia đình trẻ sống theo kiểu tiền ai nấy xài. Mỗi tháng cả hai chỉ việc trích ra một số quy định nào đó là vốn chung, còn lại không ai biết nguồn thu, chi của ai. Thậm chí, thỉnh thoảng có dịp đi ăn cùng, còn tị nạnh (vui) nhau chuyện ai trả tiền. Tình huống này nằm trong những cặp vợ chồng trẻ, sống thoáng.

Tuy nhiên, khi có con, mọi thứ lại khác. Một trong hai phải là người giữ chìa khóa chung cho gia đình. Mọi nguồn thu chi cần minh bạch. Nếu tiền ai người nấy giữ, mạnh ai người ấy tiêu thì còn đâu là một gia đình thống nhất và hòa thuận? Đó là chưa kể đến việc tị nạnh nhau người chi nhiều, người chi ít. Rồi thì chỉ trích nhau, lên án nhau thiếu trách nhiệm với gia đình.

Mua sắm theo nhu cầu

Trong thời kỳ lạm phát, mọi thứ đều phải cần điều chỉnh lại một chút. Thay vì bình thường, chỉ cần lương rủng rỉnh trong túi là bạn nghĩ ngay ra món nào đó mà mình thích, như dàn âm thanh, lò vi sóng, iPad… Khi mua bất cứ thứ gì, bạn cần hỏi lại mình: thứ đó có thật sự cần không; sẽ phục vụ gì cho công việc, cuộc sống; nếu không có, liệu có ảnh hưởng đời sống hàng ngày không… Khi đã trả lời hết những câu hỏi và tìm ra giải đáp có thật sự cần không hãy mua. Không vì sở thích, hay mua để đó bạn sẽ bị hao hụt tài chính đáng kể.

Chú ý đến vật dụng gia đình

Từ quạt, bóng đèn, tivi, nước… là những thứ bạn rất dễ dàng tiết kiệm. Có những gia đình có thói quen về đến nhà là bật tivi, không cần biết có xem hay không. Chỉ bật cho có tiếng nói. Bỏ được thói quen đó, bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền điện mỗi tháng. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay đều có các loại bóng đèn, quạt tiết kiệm điện. Đó cũng là cách giúp bạn giảm chi tiêu trong hàng tháng. Đừng nghĩ đó là những vấn đề lặt vặt. Nhiều cái “lặt vặt” cộng lại, bạn sẽ thấy là một con số đáng suy nghĩ đấy! 

Làm thêm

Quỹ thời gian của bạn chưa đến nỗi dày đặc công việc. Vậy ngại gì bạn không tranh thủ tìm thêm cho mình một công việc nho nhỏ, vừa kiếm thêm thu nhập vừa giúp bạn tránh sự nhàm chán trong công việc cũ đã quen thuộc. Mỗi tháng có thêm một khoản thu nhập nhỏ, giúp bạn “bù lỗ” vào tình hình leo thang của giá cả thị trường, tốt quá còn gì!

Thức ăn thừa

Thay vì đổ bỏ những thức ăn thừa, bạn hãy khéo léo chế biến thành món mới cho bữa sau. Ví dụ, từ món thịt luộc còn dư, bạn chế biến thành món thịt xào dưa chua cho bữa kế. Với tài nội trợ của bạn, không những sẽ có bữa ăn ngon mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể cho bữa sau.

Tags:

Bài viết liên quan