Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghe đến hiệu ứng đà điểu - một vấn đề mà nhiều người mắc phải hiện nay? Hiệu ứng đà điểu rất thường xảy ra mỗi khi bạn phải đối diện với những tình huống khó khăn hay rủi ro. Cùng xem đó là gì bạn nhé.

Bạn có bao giờ cảm thấy lo lắng, sợ hãi trước một vấn đề nào đó và quyết định né tránh toàn bộ thông tin liên quan đến vấn đề này? Nếu có, bạn không đơn độc bởi ngày nay, rất nhiều người đang mắc hiệu ứng đà điểu – một dạng né tránh thông tin.

Hiệu ứng đà điểu là gì?

Hiệu ứng đà điểu (ostrich effect) lần đầu tiên được dùng vào năm 2006. Hiệu ứng này được dùng như một thuật ngữ chỉ tình trạng con người lờ đi những khó khăn, thử thách thay vì đối đầu với chúng. Những người rơi vào hiệu ứng đà điểu thường né tránh, giả vờ như vấn đề không tồn tại, phớt lờ mọi thông tin liên quan đến rủi ro hay thử thách mà mình sắp hoặc đang phải đối diện.

Hiệu ứng này đã chỉ ra một mặt tối của con người khi thiếu tự tin hoặc không đủ can đảm để xử lý các vấn đề khó, các thử thách và chọn cách trốn tránh. 

Do đà điểu thường chôn đầu xuống đất để tránh nguy hiểm. Mặc dù đà điểu chôn đầu xuống đất để bảo vệ mình trước bão cát hoặc đào đất bảo vệ trứng nhưng vì suy nghĩ không nhìn thấy nguy hiểm nghĩa là nguy hiểm không tồn tại đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người nên người ta đã dùng từ hiệu ứng đà điểu để nói lên tình trạng hèn nhát, trốn tránh không dám đối diện với thử thách của con người. 

Hiệu ứng đà điểu không chỉ được dùng để nói về những người phớt lờ đi khó khăn, từ chối tiếp nhận thông tin về rủi ro mình đối diện mà còn dùng để chỉ những người không thích đối diện với sự thật nếu sự thật gây mất lòng. Họ chấp nhận sống trong ảo tưởng và tránh né sự thật để không cảm thấy đau lòng hay bứt rứt.

Hiệu ứng đà điểu là gì

Tại sao con người mắc phải hiệu ứng đà điểu?

Chúng ta thường dễ rơi vào “bẫy” hiệu ứng đà điểu bởi:

  • Không có khả năng giải quyết vấn đề: Chúng ta chọn cách phớt lờ để trì hoãn vấn đề càng lâu càng tốt vì chúng ta không đủ khả năng để đối diện và giải quyết vấn đề xảy ra.
  • Sợ thất vọng và làm những người xung quanh thất vọng: Những người không dám đối diện với thông tin xấu vì họ sợ những thông tin này có thể làm họ thất vọng. Hoặc họ sợ những người xung quanh sẽ thất vọng vì họ không làm tốt như kỳ vọng của mọi người nên tìm cách trốn tránh.
  • Ngại thử thách: Những người có xu hướng thích an toàn, sợ thử thách cũng thường có hiệu ứng đà điểu, hèn nhát không dám đương đầu với sự thật và luôn cố gắng để phớt lờ vấn đề nhằm giữ an toàn cho bản thân. 
  • Sự lười biếng: Một nguyên nhân khác dẫn đến hiệu ứng đà điểu chính là sự lười biếng. Chính sự lười biếng khiến chúng ta không muốn gạt bỏ sự thoải mái vốn có để tiếp nhận những khó khăn, thử thách sắp xảy đến. 
  • Do nỗi đau trong quá khứ: Những sai lầm, tổn thương trong quá khứ có thể khiến một người trở nên mất niềm tin, sợ thất vọng. Vì thế, họ chọn cách không đối diện với sự thật mà chỉ tin những gì mình muốn tin, nghe những gì mình muốn nghe. 

Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng đà điểu là do sự sợ hãi và tâm lý bên trong chúng ta không đủ mạnh mẽ để đối diện với nguy hiểm, thử thách hay khó khăn.

Biểu hiện của hiệu ứng đà điểu

Hiệu ứng đà điểu được xem như một vấn đề tâm lý. Biểu hiện rõ rệt ở những người có hiệu ứng này chính là sự trốn tránh, tìm mọi cách để không phải đối diện với vấn đề. Họ có thể từ chối nghe nhận thông tin tiêu cực liên quan đến vấn đề mà họ phải đối diện, họ có thể phớt lờ, tự trấn an bản thân rằng mọi thứ vẫn đang hoàn toàn bình thường,…

Biểu hiện của hiệu ứng đà điểu

Những người mắc hiệu ứng đà điểu có thể vì bảo vệ bản thân mà làm ảnh hưởng đến người khác, chẳng hạn như chấp nhận từ bỏ lợi ích chung chỉ vì không muốn phải làm một việc gì đó rủi ro. Họ chọn cách bỏ qua những gì khó khăn mặc dù điều đó vô tình làm họ mất đi quyền lợi của mình hay thậm chí mất cả quyền lợi của những người xung quanh.

Và nếu phải đứng trước những tình huống, những lựa chọn khó khăn thì người có hiệu ứng đà điểu có thể sẵn sàng đẩy người khác lên “đầu chiến tuyến” để thay mình đối diện với áp lực, thử thách. 

Những người có hiệu ứng đà điểu cũng thường là những người cố chấp, có quyết định cảm tính và chủ quan, từ chối tiếp nhận lời góp ý từ người khác vì sợ phải thay đổi. Do đó, họ cũng sẽ cố tình lờ đi những vấn đề tiêu cực, luôn củng cố niềm tin rằng suy nghĩ hay quyết định, hành động của họ là đúng. Những người này thường chỉ tiếp nhận những lời nói hay thông tin tốt đẹp, đúng ý họ.

Tác hại của hiệu ứng đà điểu

Hiệu ứng đà điểu chính là rào cản khiến chúng ta ngày càng hèn nhát và không dám đối diện với sự thật. Không có áp lực, chúng ta cũng không còn nỗ lực để phấn đấu, để hoàn thiện chính mình.

Vì thế, những người mắc hội chứng đà điểu hay bị giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi, không thể tiến bộ mà ngày càng tồi tệ và tiêu cực hơn. Hiệu ứng đà điểu dễ khiến con người trở nên hèn nhát, chây lười, không thực tế, chỉ ở trong “vỏ ốc” của chính mình và dễ dàng thất bại nếu gặp khó khăn.

Xem thêm:

Tâm lý né tránh cũng khiến con người trở nên bất an, luôn luôn lo lắng sợ những điều tồi tệ sẽ đến với mình. Bên cạnh đó, họ cũng dễ đánh mất những mối quan hệ xung quanh vì sự lảng tránh, từ chối lời khuyên, góp ý từ mọi người. 

Nhìn chung, hiệu ứng đà điểu sẽ dễ khiến bạn rơi vào trạng thái tích cực độc hại, phớt lờ đi sự tiêu cực và theo đuổi niềm vui giả tạo. Con người cũng dần trở nên ích kỷ hơn, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, bất chấp sự thật. 

tác hại của hiệu ứng đà điểu

Lâu dần, hiệu ứng đà điểu sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của bạn và khiến bạn dễ mắc các căn bệnh tâm lý như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu,…

Cách vượt qua hiệu ứng đà điểu

Để vượt qua hiệu ứng đà điểu và những tác hại của chúng, mỗi người đều cần: 

Chấp nhận đối mặt với sự thật

Chấp nhận những sự thật đang diễn ra, nhìn thẳng vào thực tế thay vì chỉ nhìn vào niềm tin của bản thân chính là điều đầu tiên giúp bạn vượt qua hiệu ứng đà điểu. Lúc này, bạn sẽ nhìn nhận đúng được điều gì đang diễn ra và bạn cần làm gì, thay đổi như thế nào. 

Bằng cách đối mặt với sự thật một cách không lo sợ hay trốn tránh, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và tự tin hơn. Chính việc đối mặt này cũng sẽ giúp bạn dễ dàng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. 

Chấp nhận rủi ro, thử thách

Chấp nhận rủi ro và thử thách chính là chìa khóa để bạn vượt qua hiệu ứng đà điểu. Dù cho mọi thứ có diễn ra không theo ý bạn muốn nhưng đó cũng chính là cách để bạn trở nên trưởng thành hơn.

Vì thế, thay vì ở mãi trong vòng an toàn của mình, bạn cần hiểu rằng mọi khó khăn cũng đều có giá trị của nó và việc đương đầu với khó khăn chính là cách để bạn rèn luyện để trở nên tốt hơn. 

Lắng nghe

Lắng nghe và cân nhắc tiếp thu ý kiến từ mọi người, dù đó là những đóng góp tích cực hay những lời phê phán chê bai. Thay vì từ chối, phản ứng với mọi góp ý thì bạn nên tiếp nhận, chọn lọc và tiếp thu những góp ý đúng về mình.

Tập luyện thiền định, thể dục thể thao

Tập thể dục vận động giúp bạn được giải tỏa về mặt tinh thần và khi tinh thần được giải tỏa thì bạn cũng trở nên thoải mái hơn, làm việc hiệu suất hơn và minh mẫn hơn. Từ đó bạn sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn và có thêm năng lực lẫn dũng khí đối đầu với khó khăn thay vì chọn cách né tránh chúng. 

Thăm khám bác sĩ tâm lý

Hiệu ứng đà điểu là một vấn đề tâm lý. Vì thế, nếu cảm thấy đang mắc kẹt với những suy nghĩ của hiệu ứng này, bạn có thể đến gặp bác sĩ tâm lý để được thăm khám, tư vấn. 

Hiệu ứng đà điểu, sự tích cực độc hại khiến chúng ta từ chối nhận những thông tin tiêu cực và trở nên thụt lùi, khó phát triển. Nếu bạn cũng đang rơi vào trạng thái trốn tránh này, hãy mạnh mẽ vượt qua bạn nhé!

Bài viết liên quan