Mẹ và Con - Sự thờ ơ, vô tâm của một người hay một nhóm người đối với những vấn đề của xã hội chính là biểu hiện rõ rệt nhất của hiệu ứng bàng quan - một thực trạng vô cùng phổ biến hiện nay.

Vì sao có những người luôn thờ ơ với công việc chung của tập thể? Vì sao có những người luôn vô tâm với những vấn đề xung quanh họ? Theo các chuyên gia tâm lý, đây chính là dấu hiệu của hiệu ứng bàng quan.

Hiệu ứng bàng quan là gì?

Hiệu ứng bàng quan là một khái niệm trong tâm lý xã hội mô tả hiện tượng một cá nhân có xu hướng không thể hiện trách nhiệm cá nhân khi ở trong một nhóm hay một cộng đồng. Khi một người cảm thấy rằng có nhiều người khác có thể chịu trách nhiệm hoặc hành động, họ có thể trở nên ít chủ động hơn và kém can đảm hơn trong việc hành động hoặc giúp đỡ người khác.

Ví dụ điển hình về hiệu ứng bàng quan là khi một sự cố xảy ra trên đường phố và có nhiều người chứng kiến. Mặc dù nhiều người có thể thấy và biết rằng cần phải can thiệp hoặc gọi cảnh sát, họ có thể giả định rằng người khác đã hoặc sẽ làm điều đó. Do đó, không ai thực sự hành động.

Một trong những trường hợp nổi tiếng liên quan đến hiệu ứng bàng quan là vụ giết người Kitty Genovese tại New York vào năm 1964, khi nhiều người hàng xóm nghe thấy hoặc chứng kiến cuộc tấn công nhưng không can thiệp hoặc gọi cảnh sát.

Nguyên nhân của hiệu ứng bàng quan

Sự vô tri đa nguyên

Hiệu ứng bàng quan xuất phát do nguyên nhân một ai đó cho rằng mình đang suy nghĩ, hành động khác biệt so với đám đông. Vì thế, họ sẽ chọn cách thờ ơ, im lặng với chính suy nghĩ khác biệt của mình để cố gắng hoà chung vào đám đông. Họ sợ rằng sự khác biệt của mình sẽ bị đám đông chỉ trích, dè bỉu.

Một ví dụ điển hình thường thấy chính là học sinh trong lớp học. Khi giáo viên giảng bài và tất cả mọi người đã hiểu bài thì nếu có một học sinh duy nhất không hiểu cũng sẽ ngại không yêu cầu giáo viên giảng lại bài, sợ rằng bạn bè sẽ cười nhạo mình.

Sự phân tán trách nhiệm

Một nguyên nhân khác có thể giải thích cho hiện tượng bàng quan chính là sự phân tán trách nhiệm. Khi có nhiều người trong một nhóm, chúng ta cho rằng mọi người cần phải gánh vác chung trách nhiệm này chứ đó không phải là trách nhiệm của mình. Chính suy nghĩ này đã khiến chúng ta dễ trở nên lười biếng hơn và thờ ơ hơn với những công việc chung.

Hoặc khi bạn chứng kiến một tai nạn giao thông xảy ra. Khi chỉ có một mình bạn, bạn sẽ nhanh chóng hành động để đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu. Tuy nhiên, nếu trên đường có nhiều người cùng chứng kiến, bạn sẽ cho rằng những người khác đã hoặc sẽ làm việc đó nên bạn không cần phải làm và cũng không có cảm giác tội lỗi với sự thờ ơ của mình.

Chính sự phân tán trách nhiệm đã dẫn đến hiện tượng bàng quan, bởi không ai muốn là người khởi xướng, là người chịu trách nhiệm mà chỉ muốn đùn đẩy cho những người xung quanh. Đó chính là suy nghĩ thường thấy ở những người không có đủ tinh thần trách nhiệm và có phần ích kỷ, vô tâm, chỉ sống cho chính mình và luôn mong được giảm nhẹ những trọng trách phải gánh vác.

Hiệu ứng bàng quan là gì

Mối quan hệ giữa các đối tượng

Mối quan hệ giữa các đối tượng cũng chính là yếu tố thúc đẩy hiệu ứng bàng quan. Chúng ta thường ngại can thiệp vào chuyện của những người xa lạ hoặc có mức độ thân thiết thấp.

Chẳng hạn như những người qua đường thường ít can thiệp khi chứng kiến vợ chồng cãi nhau hoặc hàng xóm thường chỉ nhìn chứ không hành động nếu thấy bố mẹ đánh đập con cái dù biết rằng đó là hành vi bạo lực gia đình.

Ngại trở thành tâm điểm

Một số người sợ bị chú ý hoặc sợ mình sẽ thực hiện một hành động sai lầm trước mắt người khác, vì vậy họ chọn không hành động. Đây cũng là một yếu tố làm thúc đẩy hiệu ứng bàng quan trong xã hội hiện nay, khi chúng ta dễ dàng phán xét người khác và những thông tin thì được lan truyền một cách vô cùng nhanh chóng.

Nền văn hóa giữa các quốc gia, xã hội

Tại một số quốc gia, việc can thiệp vào việc của người khác hoặc một việc chưa được phân công cụ thể cho mình được xem là một hành động không được phép, bất lịch sự. Điều này đã dẫn đến sự thờ ơ, vô tâm của xã hội đối với vấn đề của người khác hoặc những công việc chung chưa được chỉ định cụ thể cho một cá nhân nào.

Mức độ nghiêm trọng của tình huống

Hiệu ứng bàng quan cũng xuất phát từ chính mức độ nghiêm trọng của tình huống. Chẳng hạn như khi đám đông thấy một cô gái khóc, họ sẽ ít chú ý và có xu hướng không can thiệp nhưng nếu thấy một cô gái hoảng loạn, la hét và cầu cứu thì họ sẽ nhanh chóng can thiệp hơn.

Vấn đề, tình huống càng ít nghiêm trọng thì sự thờ ơ càng tăng cao. Dù rằng đôi khi chúng ta có thể đánh giá sai về mức độ nghiêm trọng của những tình huống mà chúng ta gặp phải hoặc chứng kiến.

Xem thêm:

Tính cách và cảm xúc cá nhân

Tính cách và cảm xúc của con người có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với hiệu ứng bàng quan. Những người có tính cách nhút nhát, không thích giao tiếp hoặc khả năng giao tiếp kém, không quan tâm đến chuyện của người khác sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng bàng quan hơn. Ngược lại, những người tính cách vui vẻ, nhiệt huyết, thích giúp đỡ người khác thì sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn.

Hoặc đôi khi, những người chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng bàng quan đơn giản là những người đang có cảm xúc bất ổn và họ sẽ có xu hướng tập trung đến việc của mình nhiều hơn là những việc xung quanh. Hoặc cũng có những nhóm người với tính cách ích kỷ, họ chỉ muốn quan tâm đến bản thân và không muốn can thiệp đến bất kỳ việc gì để tránh những rắc rối không đáng có.

giải mã hiệu ứng bàng quan

Ảnh hưởng tiêu cực của hiệu ứng bàng quan

Hiệu ứng bàng quan có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với cá nhân và xã hội. Khi mỗi người trong một nhóm lớn giả định rằng ai đó khác sẽ hành động, vấn đề có thể không được giải quyết hoặc bị trì hoãn.

Hay trong các tình huống cần thiết, hiệu ứng bàng quan có thể giảm khả năng của một cá nhân giúp đỡ người khác, dù họ có khả năng và năng lực để làm điều đó. Như vậy người cần giúp đỡ sẽ không nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Đặc biệt, trong tình huống khẩn cấp, sự chần chừ hoặc không hành động có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người khác.

Hiệu ứng bàng quan này cũng có thể giảm cảm giác trách nhiệm cá nhân đối với một tình huống cụ thể, dẫn đến sự lơ là hoặc bất cần. Trong một số trường hợp, hiệu ứng bàng quan có thể dẫn đến sự bất đồng trong nhóm khi mỗi người đổ lỗi cho người khác về việc thiếu hành động.

Khi nhận thức về hiệu ứng bàng quan trở nên phổ biến, mọi người có thể mất niềm tin vào khả năng và ý thức hỗ trợ của cộng đồng. Các vấn đề xã hội lớn có thể không được giải quyết nếu mọi người cảm thấy họ không thể tạo ra sự khác biệt và nghĩ rằng ai đó khác sẽ giải quyết vấn đề.

Những hậu quả tiêu cực của hiệu ứng bàng quan ảnh hưởng đến mỗi cá nhân và cả tập thể. Vì vậy, hãy cẩn thận, tinh ý và tỉnh táo để nhận ra bạn có đang gặp phải những nguyên nhân của hiệu ứng bàng quan và chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng này hay không để kịp thời thay đổi.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.