Nhiều hiện tượng sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh rất có thể là dấu hiệu bất thường cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu ở trẻ chỉ biểu hiện cho việc trẻ đang dần hoàn thiện chức năng trong cơ thể. Việc nắm được những dấu hiệu thường gặp ở trẻ sẽ giúp bố mẹ an tâm hơn trong quá trình chăm sóc bé. Mời bố mẹ cùng tìm hiểu cùng con nhé.
Nghẹt mũi sinh lý
Nghẹt mũi sinh lý là hiện tượng thường gặp ở trẻ mới sinh, mũi sẽ bị tịt do chất nhầy ứ đọng. Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là do mũi của trẻ còn nhỏ nên chỉ cần một chút vảy mũi hay dịch đọng lại cũng “đủ” để cản trở lưu thông đường thở của trẻ. Sau đó trẻ sẽ xuất hiện tình trạng thở khò khè.
Nghẹt mũi là tình trạng thường gặp ở trẻ, gặp nhiều trong điều kiện thời tiết khô hanh mùa đông nhất là khi trẻ không được giữ ấm đúng cách. Hoặc mùa hè nhiều gia đình bật điều hòa nhiệt độ thấp, vô tình làm giảm độ ẩm của luồng không khí trong nhà và dẫn đến tình trạng hanh khô. Nghẹt mũi sinh lý không ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, trẻ vẫn sẽ phát triển bình thường giống như những đứa trẻ khác.
Nấc cụt
Trẻ sơ sinh thường gặp hiện tượng nấc cụt do cơ hoành bị kích thích không liên tục. Đồng thời nắp thanh âm bị đóng lại đột ngột. Đây là hiện tượng rất hay gặp ở những trẻ dưới 1 tuổi. Nấc cụt có nhiều nguyên nhân như:
- Trẻ bú quá no: Trẻ bú không đúng cách sẽ khiến bé nuốt phải một lượng không khí đáng kể vào dạ dày, khi bé nuốt lượng không khí vượt mức sẽ kích thích cơ hoành co thắt nhiều và tạo nên tiếng nấc
- Trào ngược dạ dày: Bên cạnh đó, tình trạng nấc cụt có thể là do nguyên nhân axit trong dạ dày đi ngược vào thực quản. Nguyên nhân này xảy ra là do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện
- Nhiệt độ thay đổi đột ngột: Khi nhiệt độ xung quanh thay đổi (từ nóng chuyển sang lạnh), luồng không khí này có thể vào phổi và tạo thành tiếng nấc
Nôn trớ
Nôn là hiện tượng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài, đối với trẻ sơ sinh chủ yếu là sữa. Trớ là sự di chuyển của chất trào ngược từ dạ dày qua hầu họng lên miệng, hoặc có thể qua miệng ra ngoài số lượng ít, do sự co bóp đơn thuần của dạ dày. Đây là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ. Khi trẻ gặp tình trạng nôn trớ, bố mẹ nên nghiêng trẻ sang một bên để tránh tình trạng sặc chất nôn. Sau đó bạn hút hoặc dùng khăn quấn gạc sạch vào ngón tay rồi thấm hết chất nôn trong họng trẻ. Sau đó, bạn khum tay vỗ nhẹ hai bên lưng giúp trẻ ho hết phần chất nôn còn vướng trong họng.
Trẻ nhỏ dễ bị nôn trớ do dạ dày trẻ nằm ngang, cơ tâm vị chưa hoàn thiện (đóng chưa chặt) như người trưởng thành. Có hai loại nôn là:
- Nôn do cơ năng: Do quá trình chăm sóc bé chứa đúng cách. Bố mẹ có thể thay đổi thói quen chăm sóc, chế độ ăn uống và theo dõi tiếp tại nhà
- Nôn trớ bệnh lý: Đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời
Chướng bụng
Bên cạnh những dấu hiệu trên, chướng bụng là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một trong những nguyên nhân phổ biến của hiện tượng này là do trẻ nuốt nhiều khí. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý quan sát bụng của trẻ. Bình thường, bụng trẻ sẽ mềm và phình ra trước. Nếu bạn sờ vào bụng trẻ có cảm giác căng cứng, chướng to… rất có thể là do trẻ đầy hơi hay táo bón.
Khi trẻ bắt đầu thích nghi với phản xạ bú nuốt bình thường thì vấn đề trên sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, nếu bụng chướng nhiều kèm theo triệu chứng lừ đừ, sốt, bỏ bú… thì rất có thể là trẻ đang có vấn đề cần được thăm khám và điều trị.
Vặn mình, đỏ mặt
Hiện tượng trẻ sơ sinh vặn mình là phản xạ rất bình thường của cơ thể. Do trẻ mới sinh nên tế bào thần kinh, vỏ não chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ vặn mình hay rướn người là hành động trẻ đang tìm cách thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ.
Bên cạnh đó, khi trẻ vặn mình cũng có thể là do môi trường ngủ không thoải mái, ồn ào, ánh sáng mạnh, trẻ tiểu hay đi ngoài nhưng không được vệ sinh hợp lý… Nếu như trẻ vặn mình khoảng vài phút, sau khoảng 2 – 3 tháng trẻ vẫn tăng cân bình thường thì không đáng lo ngại.
Tuy nhiên nếu trẻ vặn mình và kèm theo biểu hiện bất thường như: giật mình, khó ngủ, nôn ói, đổ mồ hôi trộm… thì bố mẹ nên nghĩ ngay đến các biểu hiện của bệnh lý.
Mụn sữa
Mụn sữa trên da là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và mang tính tạm thời. Mụn sữa thường xảy ra trong vài tháng đầu tiên của trẻ. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp kéo dài đến 2 năm đầu đời. Mụn sữa có thể nổi trên mặt hay nhiều vùng da khác trên cơ thể, thông thường sẽ tự lành sau khoảng vài tuần mà không cần điều trị.
Rôm sảy
Rôm sảy là những nốt mụn nước mẩn đỏ bên dưới da, thường nổi ở lưng và vị trí da có nếp gấp. Thông thường rôm sảy sẽ gây ra cảm giác khó chịu cho trẻ. Rôm sảy có thể tự hết, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp do trẻ gãi nhiều dẫn đến trầy xước da và nhiễm trùng. Nguyên nhân chính gây ra rôm sảy là do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn không có đường thoát ra ngoài. Hiện tượng này thường gặp do thời tiết nắng nóng, bên cạnh đó do chế độ chăm sóc của bố mẹ chưa đúng cách như: chất liệu quần áo không phù hợp, vệ sinh không sạch sẽ.
Cơn khóc co thắt
Chắc hẳn trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, bố mẹ sẽ rất đau đầu khi gặp tình trạng cơn khóc co thắt ở trẻ hay Colic. Khi gặp tình trạng này trẻ sẽ khó ngừng khóc. Khi trẻ quấy khóc liên tục không rõ lý do, đặc biệt là vào buổi tối, trẻ có thể đang xuất hiện cơn khóc co thắt. Nguyên nhân chính xác của cơn khóc co thắt vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Cơn khóc co thắt thường xuất hiện khi trẻ được 2 tuần tuổi sau đó sẽ giảm dần đến khi trẻ được 3 tháng tuổi. Tuy nhiên nếu trường hợp này kéo dài, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ. Vì rất có thể là do tình trạng không dung nạp sữa công thức hay các bệnh lý tiềm ẩn khác.
Thông thường, những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh có thể tự động biến mất theo thời gian, khi trẻ dần lớn. Tuy nhiên bố mẹ cần hết sức lưu ý, cần đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, giữ gìn vệ sinh và thật bình tĩnh tìm hướng giải quyết nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào nhé.