Băng huyết sau khi vượt cạn là nỗi ám ảnh của toàn bộ phụ nữ bước vào giai đoạn thai kỳ. Có nhiều trường hợp, sau khi trẻ chào đời 1 tháng mới bị băng huyết. Theo chuyên gia y tế chia sẻ, hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng vô cùng nguy hiểm.
Băng huyết sau sinh là gì ?
Băng huyết sau sinh hay còn được gọi là Postpartum Hemorrhage. Đây là tình trạng phụ nữ sau sinh bị chảy máu từ từ, chảy từng lượng nhỏ hoặc máu chảy đột ngột và ồ ạt. Với phụ nữ sinh qua đường âm đạo, bị chảy trên 500ml máu được gọi là băng huyết sau sinh còn với phụ nữ sinh mổ, được tính là băng huyết khi chảy trên 1000ml máu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý lượng máu chảy này chỉ là ước chừng dựa trên trung bình của các trường hợp từng bị băng huyết sau sinh. Tùy người mà khi băng huyết có thể chảy lượng máu khác nhau.
Hơn nữa, cùng một lượng máu chảy nhưng sẽ có những ảnh hưởng khác nhau trên từng cá thể dựa trên tình trạng thể chất, chẳng hạn như người mất 700ml máu nhưng nặng 60kg thì sẽ nhẹ hơn người mất 700ml máu nhưng chỉ nặng khoảng 50kg.
Khi nhắc đến băng huyết sau sinh, chúng ta thường nghĩ đến tình trạng mất máu trong 24 giờ đầu tiên sau sinh. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng đe dọa đến tính mạng của phụ nữ sau khi vượt cạn “tưởng chừng” an toàn.
Tình trạng này được gọi là băng huyết thứ phát (xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh hoặc hơn), khác với băng huyết nguyên phát (xảy ra trong 24 giờ đầu tiên sau sinh).
Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng có nguy hiểm không?
Bị băng huyết sau sinh thường, băng huyết sau sinh mổ, băng huyết trong 24 giờ đầu tiên sau sinh hay hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng đều vô cùng nguy hiểm. Tình trạng chảy máu sản khoa có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở sản phụ.
Một thống kê cho thấy, tăng huyết áp và nhiễm trùng, băng huyết sau sinh là 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ sau sinh. Thậm chí, ước tính cứ mỗi 4 phút trên thế giới lại có 1 sản phụ tử vong vì tình trạng này.
Nguyên nhân băng huyết sau sinh 1 tháng
Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng thường do bị sót nhau sau sinh hoặc nhiễm trùng ở vết khâu sau sinh. Ngoài ra, mắc các bệnh lý huyết học cũng khiến phụ nữ dễ bị băng huyết sau sinh thứ phát hơn.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn tử cung co bóp không đủ mạnh làm tăng áp lực lên mạch máu, khiến các mạch máu chảy máu tự do; sản phụ bị thiếu máu, suy nhược; sản phụ bị nhiễm độc thai nghén; tử cung căng giãn quá mức (dễ gặp ở phụ nữ mang thai đa thai, đa ối,…); cơn chuyển dạ kéo dài; bị nhiễm khuẩn ối; cơ tử cung yếu (thường gặp ở phụ nữ đã trải qua chuyện sinh nở nhiều lần, phụ nữ bị u xơ tử cung, tử cung dị dạng,…); từng có tiền sử sảy thai hoặc nạo hút thai nhiều lần; sót rau viêm niêm mạc tử cung; sinh non, xử lý thai lưu; sinh ở tư thế đứng; lấy rau không đúng cách,…
Thường thấy hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng xảy ra ở phụ nữ sinh con trên 35 tuổi. Đặc biệt, người bị thừa cân, thai quá lớn, huyết áp cao, thiếu máu, sinh mổ, có hiện tượng đau nhưng chưa sinh trên 12 tiếng,… rất dễ bị băng huyết sau sinh.
Dấu hiệu băng huyết sau sinh
Tình trạng băng huyết ngay ngay khi vừa sinh xong hoặc băng huyết trong 24 giờ đầu sau sinh rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng rất khó để phát hiện kịp thời do dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng chảy máu âm đạo khác, đặc biệt là khi máu chảy từ từ.
Một số dấu hiệu của hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng có thể kể đến như:
- Chảy máu bất thường, máu chảy nhiều
- Máu rỉ ra liên tục
- Máu chảy có màu đỏ tươi
- Máu chảy ứ trong buồng tử cung dẫn đến hiện tượng tử cung tăng thể tích, to dần ra theo bề ngang, mềm nhão, đáy tử cung cao dần lên
- Vã mồ hôi, da xanh xao, tay chân lạnh
- Mạch nhanh, huyết áp tụt
Có thể phòng ngừa băng huyết sau sinh không?
Câu trả lời chính là có! Tuy hiện tượng băng huyết sau sinh vô cùng phổ biến nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể phòng tránh được tình huống nguy hiểm này. Cụ thể, để phòng tránh hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng, cần lưu ý:
- Trong suốt thai kỳ cần khám thai định kỳ đầy đủ, đặc biệt là ở đầu các tam cá nguyệt. Khi khám thai, bác sĩ có thể sớm phát hiện các bất thường về sức khỏe của mẹ và bé để có thể can thiệp, giúp mẹ tròn con vuông và tránh được băng huyết.
- Thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, kiểm tra tầm soát dị tật thai, bất thường thai nhi
- Nghỉ ngơi thường xuyên, tránh lao động nặng, cố gắng thư giãn càng nhiều càng tốt
- Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn đa dạng các loại thực phẩm, lưu ý tránh những thực phẩm gây sảy thai, sinh non
- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, đặt biệt là acid folic và sắt để tránh thiếu máu sau sinh
- Đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất ngay khi có những dấu hiệu bất thường như chóng mặt, hoa mắt nhức đầu, đau bụng, âm đạo chảy nước hoặc chảy máu, đau bên sườn, khó thở, thai máy yếu,…
Tùy theo nguyên nhân cũng như tình trạng lúc đó của người bệnh như thế nào mà bác sĩ có thể chỉ định hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, nhìn chung thì hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ. Do đó, không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp phòng tránh ngay từ đầu thai kỳ.