Mẹ&Con - Thấy con xụ mặt xuống, mặt mày bí xị, chị Nga nhẹ giọng hơn nhưng vẫn cương quyết: “Mẹ cấm từ nay con không qua lại chơi với con bé Tina đó nữa. Mẹ cũng không muốn thấy Tina qua nhà mình. Con còn nhỏ, chưa biết bạn bè xấu là thế nào đâu…”. Hình như câu nói ấy là giọt nước tràn li. Cô bé con lập tức bật oà lên nức nở: “Con biết rồi… Bạn nào của con mẹ cũng chê! Mẹ không thấy trong lớp hay trong xóm, con không hề có bạn à?”.

Mình lo lắng thì mới phải can thiệp chuyện bạn bè của con thế chứ!

Đây là “triết lí” của không ít bậc phụ huynh. Cái nỗi lo gần mực thì đen, gần đèn thì sáng khiến nhiều người chỉ muốn con mình tiếp xúc với các bạn học khá giỏi, con nhà đàng hoàng tử tế.

Như trường hợp của chị Ngọc Lan (Q.Phú Nhuận), có đứa con trai duy nhất đang học lớp 6, sợ con mê game, hư hỏng nên chị gần như “giam” con tách biệt khỏi bạn bè hàng xóm. Ngay cả với bạn con ở trong lớp đến nhà mượn tập vở hay gọi điện thoại sang hỏi bài, chị cũng cật vấn đủ điều, nào là nhà ở đâu, ba mẹ làm gì, ở trong lớp xếp hạng mấy, gặp con chị có chuyện gì…

Nếu nghe đứa trẻ xếp hạng từ 1 đến 5 thì chị mặt mày tươi rói, săn đón, thậm chí còn dặn dò: “Con rảnh cứ qua đây chơi nhiều nhiều nghen!”. Ngược lại, thấy đứa trẻ ăn mặc hơi lôi thôi, nghe nói xếp hạng 15 trở lên, hay cha mẹ làm ngành nghề gì đó hơi “thấp kém” (theo kiểu suy nghĩ của chị) thì lập tức chị nghiêm giọng bảo: “Con về đi… Con của cô đi vắng rồi. Mai mốt con đừng đến đây rủ rê nó chơi bời nữa…”.

Giúp con chọn bạn

(Hình minh hoạ)

Một lần, hai lần, bé Khánh An con trai chị còn vùng vằng rồi thôi. Nhưng đến khi chuyện này lặp đi lặp lại quá thường xuyên thì thằng bé đâm ra bướng bỉnh, lì lợm, chị nói gì cũng cãi. Chị mắng: “Thấy chưa, con chơi với bạn xấu nên tính tình mới ra như thế này, cãi cha, cãi mẹ vậy đó…”, thằng bé liền trả treo ngay: “Mẹ có thích thì mẹ chọn bạn nào học giỏi mẹ tự chơi đi. Con không cần ai làm bạn nữa. Vô trong lớp, bạn bè con chẳng đứa nào chịu chơi với con, mẹ có biết đâu!”.

Với chị Hồng Phượng (Q.11), nỗi lo về bạn của con lại gắn liền với… cái máy tính. Từ khi nhà kết nối internet và cô bé Hồng Nga con chị biết lên mạng, chị thắc thỏm khi “điều tra” được con có một số bạn ảo, quen nhau trên chat room. “Mình đọc sách báo nhiều, nghe chuyện các cô bé nhỏ xíu bị dụ dỗ, bị này kia nên sợ lắm. Muốn cấm con kết bạn trên internet, nhưng con nít nó vậy đó. Càng cấm nó càng muốn làm ngược lại. Mình biết, con bé vẫn duy trì việc chat chit với một số đứa bạn nào đó… Nó cứ đợi mình ra khỏi nhà là online”.

Thực tế, bạn bè là một phần đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Có nhiều em chọn phải bạn hư nên đã lây nhiễm những tính xấu. Song, câu hỏi đặt ra là có nên quá cực đoan với chuyện chọn bạn cho con, lúc nào cũng phải theo công thức: Học giỏi – Hạnh kiểm tốt – Con nhà tử tế?

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Ngọc Hiền (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) nhắn nhủ: “Ở tuổi của trẻ, nếu tách trẻ khỏi bạn ngay lập tức, trẻ sẽ phản ứng gay gắt và giữ một khoảng cách nhất định với cha mẹ. Cha mẹ nên hiểu rõ tâm lý đó, tuyệt đối không nên chê bai, cấm cản con chơi với bạn một cách “thô bạo”, nhất là không đối xử với bạn của trẻ bằng cái cách có thể làm trẻ thấy tự ái, tổn thương. Vì một khi đã bực tức với cha mẹ, trẻ sẽ nỗ lực… ương bướng, nỗ lực kết thân hơn với những đứa bạn ấy mà thôi!”.

Chỉ định hướng chứ đừng ép buộc!

Chị T.Hương (một người khá nổi tiếng trong làng báo) có cách chọn bạn cho con rất hay. Mỗi ngày Chủ nhật, chị đều tổ chức khi thì một bữa tiệc ở nhà, khi thì đưa con sang nhà của bạn để con có thể trải qua khoảng thời gian đầy “riêng tư” nhưng vẫn trong vòng kiểm soát.

Chị hay kín đáo quan sát bạn bè của con chơi với nhau. Khi hết ngày rồi, lúc mẹ con nằm thủ thỉ với nhau trên giường, chị mới gợi lại vài sự kiện và hỏi con đánh giá như thế nào, cách xử sự nào của bạn là đúng, là sai? Bằng cách này, dần dần, bé xem mẹ như một người bạn bình đẳng trong nhóm của mình.

Bé chia sẻ với mẹ những suy nghĩ, tâm sự, kể cả chuyện giận hờn với bạn ra sao, làm hòa thế nào… Với những người bạn có tính cách chưa ổn, sau những gợi nhắc của mẹ, bé cũng tự biết cách “giãn” ra hoặc góp ý với bạn mình.

đừng ép buộc

(Hình minh hoạ)

Còn với bà mẹ trẻ Thanh Bình (Q.3), chị bật mí: “Từ hồi con còn nhỏ, vợ chồng mình đã hay đưa con đến nhà những người bạn bè cùng chơi. Cha mẹ chơi với nhau, con cái chơi với nhau. Tình thân của các con cứ thế tăng dần. Sau này khi con lớn lên, mối quan hệ mở rộng, con có thêm nhiều người bạn mới. Lúc đó, mình lại chủ động làm điều ngược lại, mình gọi điện thăm hỏi, làm quen với mẹ của bé kia. Cứ vậy nên lúc nào mình cũng giữ cho con sự thoải mái nhưng vẫn có thể kiểm soát và biết rõ về bạn bè của con”.

Có một chuyện nữa cần nhắc là không nên khư khư giữ tiêu chí chỉ cho con chơi với bạn… học giỏi. Thực tế, một đứa trẻ dù học rất giỏi vẫn có thể ích kỷ, xấu tính, khó gần. Ngược lại, một đứa trẻ học chỉ ở mức thường thường (thậm chí hơi tệ) nhưng vẫn chơi rất được với bạn bè, biết cách hết lòng với bạn.

Vì vậy, bạn hãy cố gắng nhìn cho ra được những ưu điểm từ những người bạn của con, tin tưởng vào chọn lựa của bé và chỉ nhắc nhở mang tính định hướng mà thôi.

Ngay cả với những người bạn “ảo” trên mạng, đương nhiên cần giải thích cho bé hiểu các nguy cơ tiềm ẩn, nhưng bạn cũng không cần quá cực đoan đến mức cấm tuyệt đối. Chuyên gia tư vấn Ngọc Hiền chia sẻ: “Có một lần, tôi chuyện trò với một cô bé học lớp 7 theo lời đề nghị của mẹ bé. Người mẹ muốn tôi khuyên bé dẹp bỏ hết những người bạn quen trên mạng. Nhưng khi tôi nói chuyện, bé thẳng thắn nói với tôi: ‘Con học được từ bạn rất nhiều điều hay. Bạn chia sẻ cho con những câu chuyện thú vị. Tụi con hỏi thăm nhau chuyện học hành, trường lớp, bài vở… Vậy thì có gì là xấu đâu chứ! Tại sao mẹ con chỉ biết khăng khăng bạn ảo là bạn không đáng tin, trong khi thực tế con hoàn toàn có thể tự cảm nhận và rút ra những kinh nghiệm cho chính mình trong tình bạn!’. Tôi nói chuyện với mẹ bé và chị ấy… giật mình trước suy nghĩ này của con. Một lần nữa, lại phải nhấn mạnh công thức đơn giản nhưng rất khó làm với các bậc phụ huynh: Hãy làm bạn của con, hãy tôn trọng suy nghĩ của con, thay vì chỉ ngăn cấm và làm trẻ thấy mình tự ti, mặc cảm, đối nghịch cùng cha mẹ…”.

Tags:

Bài viết liên quan